WHO cảnh báo xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng lây lan COVID-19

Người tị nạn rời khỏi Lviv (Ukraine) tới Olkusz (Ba Lan) ngày 28/2/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 2/3 cảnh báo cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn nữa, kéo theo nguy cơ gia tăng số trường hợp bệnh trở nặng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nhấn mạnh: "WHO quan ngại sâu sắc về tình hình khẩn cấp về nhân đạo tại Ukraine hiện nay. Ukraine đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao trước thời điểm xảy ra xung đột.

Xung đột xảy ra khiến tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 tại nước này sụt giảm, đồng nghĩa có thể không phát hiện được các chuỗi lây lan. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm phòng thấp cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm".

Tổng Giám đốc WHO đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu oxy dự trữ sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 cũng như bệnh nhân mắc các căn bệnh khác. Dẫn số liệu thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Tedros Adhanom Ghebreyesu cho biết tính đến ngày 1/3, hơn 870.000 người đã rời khỏi Ukraine do lo tình hình bất ổn hiện nay và con số này dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo: "Sự dịch chuyển dân số quy mô lớn sẽ góp phần làm lây lan COVID-19, đồng thời có nguy cơ gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế ở các nước láng giềng”.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, bổ sung thêm rằng việc di chuyển dân số ồ ạt do xung đột không chỉ khiến COVID-19 lây lan nhanh hơn mà còn có thể tạo ra những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

WHO đang tiến hành vận chuyển vật tư y tế thiết yếu từ Dubai (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE) cho người dân Ukraine. Chuyến hàng đầu tiên dự kiến đến Ba Lan vào ngày 3/3, trong đó bao gồm 36 tấn vật tư dành cho việc chăm sóc chấn thương và phẫu thuật khẩn cấp.

WHO cũng kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn để đảm bảo rằng nhân viên nhân đạo và hàng viện trợ có thể đến với những người đang cần sự trợ giúp một cách liên tục và an toàn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ “quan ngại sâu sắc" trước những thông tin về các vụ tấn công vào các cơ sở y tế và các nhân viên y tế ở Ukraine.

Ông nhấn mạnh "tính bất khả xâm phạm và trung lập của lĩnh vực y tế, bao gồm đội ngũ nhân viên y tế, các loại hàng hóa cung cấp cho bệnh nhân, giao thông vận tải và các cơ sở, cũng như quyền tiếp cận an toàn đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Cùng ngày 2/3, WHO đưa ra nhận định mới đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần, chỉ ra rằng số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu.

Trong báo cáo khoa học mới, WHO cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã cản trở đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Theo chuyên gia về sức khỏe thần kinh của WHO Brandon Gray, xét về quy mô thì đây là mức tăng rất lớn.

Báo cáo chỉ ra đại dịch đã có tác động đáng kể tới sức khỏe tâm thần và đời sống của người dân. Những nơi ghi nhận tình trạng gia tăng cao nhất là những nơi ghi nhận tỉ lệ ca mắc mới hằng ngày và tình trạng hạn chế di chuyển ở mức cao. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20-24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi.

Chuyên gia Gray chỉ ra rằng có thể điều này là do quá trình thu thập và phân tích số liệu liên quan thường bị gián đoạn. Tuy nhiên, báo cáo có đoạn nêu rõ kể từ khi đại dịch bùng phát, nguy cơ xảy ra các hành vi tự tử cao hơn, bao gồm cả hành động tìm cách tự tử hoặc tự hại chính mình trong giới trẻ.

Tình trạng kiệt sức ở nhân viên y tế, sự cô đơn và lo âu khi có kết quả chẩn đoán mắc COVID-19 cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các ý nghĩ quyên sinh. Báo cáo của WHO chỉ ra người rối loạn tâm thần cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu để có kết luận chắc chắn về vấn đề này.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 3/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 440.112.129 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.991.922 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 372.832.731 người, trong khi vẫn còn 76.023 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.759.800 ca mắc và 979.612 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - 42.944.761 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới - 650.052 ca.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 1.460.133 ca mắc mới, trong đó Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất với 219.237 ca, tiếp theo là Đức với 198.457 ca.

Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc thông báo theo kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho thấy Thủ tướng Kim Boo-kyum đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang chờ kết quả xét nghiệm PCR tại nhà riêng.

Thủ tướng Kim Boo-kyum được cho là đã xuất hiện một số triệu chứng COVID-19 sau chuyến thăm TP Daegu hôm 28/2.

Ngày 2/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thảo luận với người đứng đầu các bộ liên quan về việc gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở ít nhất 15 trong tổng số 31 địa phương khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn khá căng thẳng, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế cơ sở, chính phủ Nhật Bản sẽ gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 2 tuần tại 15 tỉnh, thành, trong đó có Vùng thủ đô, trong khi 11 địa phương như Fukushima, Niigata, Nagano… sẽ dỡ bỏ biện pháp phòng dịch và 5 địa phương tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết quyết định trên được xem xét trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, nơi dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, tỉ lệ sử dụng giường bệnh trên 50%.

Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ Nhật Bản Shigeru Omi cho rằng việc triển khai chậm mũi tiêm tăng cường phòng ngừa COVID-19 đã khiến tình hình dịch bệnh chậm cải thiện.

Theo quy trình, Thủ tướng Kishida sẽ tham vấn ý kiến của Nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ vào ngày 4/3 trước khi công bố chính thức. Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc nâng số lượng người nhập cảnh nước này mỗi ngày từ 5.000 người/ngày lên 7.000 người/ngày.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, Mỹ và nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tại Mỹ, Lầu Năm Góc thông báo bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong tòa nhà của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, bộ này cho phép tăng số người làm việc trực tiếp tại phòng lên 50%. Tuần trước, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã nới lỏng các khuyến nghị về đeo khẩu trang đối với hầu hết người dân nước này.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế tại nơi công cộng khi nước này bước vào giai đoạn mới phòng chống dịch. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ đặc biệt phụ thuộc vào vắc xin. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Với không gian kín, người dân nước này sẽ không phải đeo khẩu trang nếu đảm bảo khoảng cách an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/3 ghi nhận thêm 56.780 ca mắc mới và 189 ca tử vong do COVID-19.

Từ ngày 3/3, Albania cũng bãi bỏ lệnh giới nghiêm, tuy nhiên vẫn thực hiện một số biện pháp phòng dịch như cách ly 5 ngày đối với người mắc COVID-19, đeo khẩu trang tại không gian kín, hạn chế số lượng người tập trung tại các địa điểm công cộng như sân vận động, rạp chiếu phim hay nhà hát ở mức 30%.

Bộ Y tế Hy Lạp thông báo từ ngày 5/3 sẽ không bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các khu vực ngoài trời. Tuy nhiên, bộ này vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tập trung đông người. Hy Lạp ngày 2/3 ghi nhận 15.557 ca mắc mới và 57 ca tử vong do COVID-19. Đến nay, nước này đã tiêm 19,9 triệu liều vắc xin, đạt tỉ lệ tiêm chủng 70% dân số.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271541/who-canh-bao-xung-dot-nga-ukraine-lam-gia-tang-lay-lan-covid-19.html