WHO: Đại dịch COVID-19 gây gián đoạn các dịch vụ y tế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn một năm sau đại dịch COVID-19, khoảng 90% trong số 105 quốc gia được khảo sát trên thế giới cho biết có sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế thiết yếu của quốc gia.

Bên cạnh đó, hơn một nửa số quốc gia được khảo sát cho biết nguyên nhân còn là do bệnh nhân không tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế vì mất niềm tin, lo sợ bị nhiễm bệnh, 43% cho rằng là do ảnh hưởng của thu nhập khiến người dân hạn chế tìm đến các dịch vụ y tế.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu khác ở nhiều quốc gia

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu khác ở nhiều quốc gia

Theo cuộc khảo sát, các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nhất là các dịch vụ liên quan tới các bệnh rối loạn tâm thần, thần kinh, sử dụng chất kích thích; các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; bệnh lao; HIV và viêm gan B, C; tầm soát ung thư; các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm tăng huyết áp và đái tháo đường; kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai; chăm sóc răng miệng; suy dinh dưỡng.

WHO cho biết những gián đoạn như vậy đã dẫn đến việc hàng triệu người đang bỏ lỡ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng.

Giám đốc Điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết: “Đại dịch COVID-19 tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu ngoài tác động của căn bệnh này. "Khi chúng tôi mở rộng quy mô phân phối vắc xin COVID-19, chúng tôi phải đảm bảo rằng điều này không phải trả giá bằng các loại vắc xin thiết yếu khác cho trẻ em ... Giờ là lúc để bắt kịp điều đó.", Giám đốc Điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nói.

Cuộc khảo sát cũng cho biết, cho đến thời điểm này, các quốc gia đã và đang nỗ lực để giảm thiểu sự gián đoạn này. Hơn một nửa số quốc gia được khảo sát cho biết, họ đã tuyển dụng thêm nhân viên y tế, chuyển bệnh nhân đến các cơ sở chăm sóc khác hoặc chuyển sang các phương pháp chăm sóc thay thế.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các quốc gia đang bắt đầu xây dựng lại các dịch vụ y tế thiết yếu của mình, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”. "Cuộc khảo sát nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực và thực hiện các bước đi bổ sung để thu hẹp khoảng cách và tăng cường dịch vụ y tế. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải tăng cường giám sát tình hình ở các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ y tế trước đại dịch." , Tổng Giám đốc WHO nói.

Châu Phi: Hậu quả khó lường khi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin bị gián đoạn do đại dịch

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti đã đưa ra cảnh báo trước tuần lễ Tiêm chủng châu Phi diễn ra từ ngày 24-30/4. Theo đó, những nước ở châu Phi không tiến hành được chiến dịch tiêm phòng sởi như đã định có nguy cơ bùng phát lại căn bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Ví dụ như các đợt bùng phát gần đây của bệnh sởi, hay sốt vàng da, tả và viêm màng não, cho thấy những khoảng trống đáng lo ngại trong việc bao phủ và giám sát hoạt động tiêm chủng ở châu Phi.

Số liệu thống kê của WHO cho thấy có tới 15 quốc gia châu Phi đã hoãn các đợt tiêm phòng sởi trong năm 2020 để tập trung đối phó với đại dịch COVID-19 và trong khoảng từ tháng 1/2020-4/2021, khoảng 16,6 triệu trẻ em châu Phi đã không được tiêm liều vắc xin bổ sung phòng sởi. Trong khoảng thời gian này, 8 nước châu Phi đã ghi nhận đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng. Ngoài sởi, các căn bệnh khác có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin như uốn ván, sốt vàng da và bạch hầu cũng bị gián đoạn trong bối cảnh đại dịch.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi khuyến cáo các nước khi đối phó với dịch COVID-19, không thể để bất kỳ ai rơi vào nguy cơ nhiễm các bệnh có thể phòng tránh được bằng vắc xin. WHO kêu gọi các nước tăng cường các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có cả các chiến dịch tiêm chủng.

Hải Yến

(Theo Tân Hoa Xã)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/who-dai-dich-covid-19-gay-gian-doan-cac-dich-vu-y-te-n190582.html