WHO: Đậu mùa khỉ chưa là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Ngày 25/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ hiện nay vẫn chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh này.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

“Tôi vô cùng lo ngại về sự bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ. Đây rõ ràng là một mối đe dọa sức khỏe rình rập mà tôi và các đồng nghiệp trong Ban Thư ký WHO đang theo dõi rất chặt chẽ”, Reuters dẫn lời của Tổng Giám đốc WHO trong một tuyên bố.

Theo ông Tedros, trong báo cáo của Ủy ban khẩn cấp đã thể hiện những quan điểm khác biệt của các thành viên. Tuy nhiên, các chuyên gia cuối cùng đã nhất trí khuyến nghị rằng ở thời điểm hiện tại bệnh đậu mùa khỉ chưa cấu thành Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.

Ông Tedros vẫn nhấn mạnh rằng, việc WHO triệu tập Ủy ban khẩn cấp là đang thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa cấu thành Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) Ảnh: The Tribune

Mặc dù vậy, quyết định trên của WHO có thể sẽ vấp phải một số chỉ trích từ các chuyên gia y tế toàn cầu, với quan điểm cho rằng tình hình bùng phát hiện đã đáp ứng các tiêu chí để ban hành tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu.

Hồi tháng 1/2020, WHO tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, song rất ít quốc gia thực sự coi đó là cảnh báo nghiêm trọng cho đến tận tháng 3/2020 khi Covid-19 bắt đầu bị coi là "đại dịch". Thời điểm đó, WHO hứng không ít chỉ trích cho rằng cơ quan này đã phản ứng chậm khiến dịch lây lan.

Trong lịch sử, WHO đã có 6 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, gồm dịch Covid-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014) và virus gây đại dịch cúm lợn H1N1 (2009).

Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 3.200 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1 ca tử vong từ 48 quốc gia, phần lớn từ các nước Tây Âu. Riêng các nước khu vực Trung Phi đã ghi nhận gần 1.500 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có khoảng 70 ca tử vong.

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Các vết nhiễm trùng sau đó hình thành trên cơ thể. Một người được coi là không còn lây nhiễm sau khi các tổn thương đã biến mất và một lớp da mới hình thành. Bệnh này đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại nhiều quốc gia.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ có 2 dòng - chủng Tây Phi, được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 1% và chủng này lan rộng ở châu Âu và các nơi khác, trong khi chủng Congo Basin, có tỉ lệ tử vong gần 10%.

Theo các chuyên gia, với dịch đậu mùa khỉ hiện nay, các nước có thể sẽ phản ứng nhanh hơn, vì bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như Covid-19 và có sẵn vaccine, phương pháp điều trị. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn dấy lên hồi chuông báo động.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/who-dau-mua-khi-chua-la-tinh-trang-khan-cap-y-te-toan-cau-post7892.html