WHO: Hiện không phải lúc mất cảnh giác trước đại dịch Covid-19

Tính đến 6h sáng 30-6, toàn thế giới có 182.547.962 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.952.903 trường hợp tử vong và 167.154.712 bệnh nhân đã hồi phục.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Mercy Health Anderson ở bang Ohio (Mỹ).

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, hiện không phải là lúc để lơ là, mất cảnh giác trước đại dịch Covid-19. Người dân cần tiếp tục thận trọng bởi các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, ví dụ như biến chủng Delta, vẫn là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế. Delta là biến chủng lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ và có tốc độ lây lan nhanh, đã được xác định ở 85 quốc gia.

Châu Mỹ

Theo số liệu công bố ngày 29-6 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 46,4% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, tương đương với hơn 154 triệu người. Có 16 bang đã tiêm chủng đầy đủ cho một nửa số cư dân và 16 bang đã đạt được mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra là tiêm ít nhất 1 liều vắc xin cho 70% dân số trưởng thành.

Theo báo cáo hằng tuần của Học viện Nhi khoa Mỹ, hơn 8.400 trường hợp mắc Covid-19 đã được ghi nhận ở trẻ em vào tuần trước, chiếm 10% trong tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận. Đây là số ca mắc mới hằng tuần ở trẻ em thấp nhất tại Mỹ kể từ tháng 5-2020.

Châu Âu

Ngày 29-6, hãng dược Sanofi (Pháp) thông báo, sẽ đầu tư 2 tỷ euro cho việc bào chế vắc xin ngừa Covid-19 phát triển theo công nghệ mRNA. Trên thế giới có các loại vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ), đối tác BioNTech (Đức) và của hãng Moderna (Mỹ) cũng sử dụng công nghệ mRNA.

Ngày 29-6, Hội đồng Y tế Hà Lan cho biết, sẽ đề nghị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, bởi đây là vắc xin đã được Ủy ban Châu Âu (EC) cấp phép sử dụng cho lứa tuổi từ 12 trở lên. Nhờ việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, số ca mắc Covid-19 ở Hà Lan trong những tuần gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, 151.000 người ở nước này hiện đang được điều trị tại bệnh viện do mắc Covid-19, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba vẫn diễn biến phức tạp do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Các ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở thủ đô Mátxcơva và thành phố Saint Petersburg. Bộ trưởng M.Murashko cũng cho biết thêm, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở nước này đang tăng lên đáng kể.

Ngày 29-6, Viện Gamaleya cho biết, vắc xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng, chống biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2. Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả 92% trong phòng, chống chủng gốc của vi rút SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả 97,8% trong phòng, chống vi rút SARS-CoV-2 và hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nghiêm trọng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Kết luận này được đưa ra dựa trên việc phân tích dữ liệu do Bộ Y tế UAE cung cấp vào ngày 8-6 từ 81.000 người được tiêm đủ 2 liều vắc xin Sputnik V. Theo RDIF, không phát hiện tác dụng phụ nào nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, cũng như không có trường hợp nào phải nhập viện hoặc tử vong liên quan đến tiêm chủng được ghi nhận.

Châu Á

Ngày 29-6, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để ứng phó với nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới.

Đây là loại vắc xin thứ tư được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ, sau vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), vắc xin Covaxin của hãng dược Bharat Biotech (Ấn Độ) và vắc xin Sputnik V.

Ngày 29-6, Chính phủ Nhật Bản cho biết, sẽ viện trợ cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan mỗi nước khoảng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 từ tuần này. Cụ thể, Nhật Bản dự kiến sẽ gửi các liều vắc xin của hãng dược AstraZeneca tới Malaysia và Indonesia vào ngày 1-7, và tới Philippines và Thái Lan lần lượt vào các ngày 8 và 9-7.

Ngoài ra, từ giữa tháng 7, Nhật Bản sẽ cung cấp khoảng 11 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca cho các nước ở Đông Nam Á, Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương thông qua cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).

Ngày 29-6, Nội các Thái Lan đã hủy kỳ nghỉ đặc biệt vào ngày 27-7 vốn được công bố trước đó để thúc đẩy du lịch nội địa, do lo ngại về tình hình dịch Covid-19.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết, quyết định này được đưa ra do đại dịch Covid-19 vẫn còn rất đáng lo ngại và người dân không nên đi du lịch đến các tỉnh khác trong thời gian này. Nội các Thái Lan cũng đã đề nghị các cơ quan Chính phủ hỗ trợ người dân hủy vé và phòng đặt trước.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1004205/who-hien-khong-phai-luc-mat-canh-giac-truoc-dai-dich-covid-19