WHO hướng dẫn về xét nghiệm và chẩn đoán STI trong đó có HIV

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xét nghiệm và chẩn đoán…

Tại Hội nghị Thế giới về STI & HIV 2023 diễn ra ở Chicago, Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chia sẻ hướng dẫn mới nhất về xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) trong đó có HIV, thảo luận về chương trình nghiên cứu STI mới nhất và tình trạng kháng kháng sinh (AMR) trong bệnh lậu.

Gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) trên toàn cầu

Trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã báo cáo mức độ bao phủ thấp đối với các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến sự bùng phát trở lại của các bệnh lây truyền qua đường tình dục trên toàn cầu. Các quốc gia giám sát STI tốt, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đang báo cáo STI ngày càng tăng.

Sự bùng phát của các bệnh nhiễm trùng mới, chẳng hạn như Mpox và sự tái xuất hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục bị lãng quên, đặt ra những thách thức cho các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này.

Báo cáo của một số quốc gia cho thấy, sự thất bại với các khuyến nghị điều trị hiện tại đối với bệnh lậu. Điều đáng lo ngại là sự lây lan của dòng lậu cầu khuẩn Neisseria có khả năng kháng cao với ceftriaxone ngày càng được báo cáo ở các quốc gia ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam cũng như ở Úc, Áo, Canada, Đan Mạch, Pháp, Ireland và Vương quốc Anh.

Chẳng hạn, giám sát AMR bệnh lậu nâng cao (EGASP) cho thấy tỷ lệ đề kháng cao của lậu cầu đối với các lựa chọn điều trị hiện tại như ceftriaxone, cefixime và azithromycin ở Campuchia. Bệnh giang mai, cũng như giang mai bẩm sinh, đang gia tăng và việc thiếu benzathine penicillin đặt ra một thách thức đáng kể để điều trị chúng một cách hiệu quả.

Hướng dẫn mới của WHO về xét nghiệm và chẩn đoán STI

Xét nghiệm và chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV…

Mỗi ngày, có hơn 1 triệu bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) mới mắc phải, đặt ra một thách thức lớn về sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, việc theo dõi và hiểu xu hướng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục mới ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) bị cản trở do hạn chế tiếp cận các xét nghiệm chẩn đoán.

"Xét nghiệm và chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi không được điều trị, một số STI nhất định có thể dẫn đến hậu quả lâu dài không thể đảo ngược và một số có thể gây tử vong. Hướng dẫn mới có thể giúp làm cho các xét nghiệm chăm sóc STI với chi phí thấp dễ tiếp cận hơn, cho phép cải thiện việc thu thập dữ liệu và cung cấp dịch vụ STI có chất lượng cho những người có nhu cầu", TS. Teodora Wi, Trưởng nhóm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục của Chương trình HIV, Viêm gan và STI toàn cầu của WHO cho biết.

Hướng dẫn mới của WHO bao gồm hồ sơ sản phẩm mục tiêu (TPP) cho các công nghệ chẩn đoán tại chỗ để chẩn đoán bệnh giang mai (treponema pallidum), Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae và Trichomonas vagis, nhằm mục đích tạo điều kiện phát triển chẩn đoán STI có chất lượng.

TPP giúp đảm bảo rằng các sản phẩm được thiết kế và sản xuất để đáp ứng nhu cầu lâm sàng của các quần thể có nguy cơ và "phù hợp để sử dụng", nghĩa là chúng an toàn, hiệu quả và thích nghi với môi trường sử dụng. Các xét nghiệm tại điểm chăm sóc có thể giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ bắt đầu và tăng độ chính xác của điều trị cũng như cải thiện việc theo dõi bệnh nhân.

Phiên bản thứ tư mới của Phòng thí nghiệm và xét nghiệm chẩn đoán tại điểm chăm sóc đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV, cung cấp thông tin cập nhật về cách phân lập, phát hiện và chẩn đoán các bệnh nay

Phạm vi của hướng dẫn đã được mở rộng để bao gồm thông tin về việc sử dụng các xét nghiệm phân tử, xét nghiệm nhanh tại chỗ và quản lý chất lượng xét nghiệm chẩn đoán.

Bên cạnh đó, hướng dẫn mới cũng nêu bật các chẩn đoán sẵn có để hỗ trợ mở rộng quy mô sàng lọc bệnh giang mai, chlamydia, lậu, trichomonas, mycoplasma, herpes và virus u nhú ở người (HPV), để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

TS. Meg Doherty, Giám đốc Chương trình HIV, Viêm gan và Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục toàn cầu của WHO cho biết: Các mô hình dịch vụ STI mới cần phải linh hoạt và thích ứng với các mối đe dọa hiện tại và tương lai. Những tiến bộ khoa học gần đây trong công nghệ và điều trị STI, cũng như các phương pháp cung cấp dịch vụ sáng tạo, mang đến cơ hội quan trọng để chấm dứt STI như một mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS.

Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/who-huong-dan-ve-xet-nghiem-va-chan-doan-sti-trong-do-co-hiv-169231015161831654.htm