WHO sớm đến Trung Quốc điều tra về nguồn gốc COVID-19

Trung Quốc đã xác nhận về sự hỗ trợ các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới điều tra nguồn gốc dịch COVID-19.

Ngày 23/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã nhận được sự cam kết từ phía Trung Quốc rằng các chuyên gia quốc tế có thể đến nước này để hỗ trợ điều tra nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được cho là có thể xuất phát từ động vật.

Giám đốc phụ trách ứng phó tình huống khẩn cấp của WHO Michael Ryan

Giám đốc phụ trách ứng phó tình huống khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói trong phiên họp trực tuyến: "Chúng tôi hoàn toàn mong đợi và nhận được sự cam đoan từ các cộng sự trong Chính phủ Trung Quốc rằng chuyến công tác đến thực địa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và (sẽ diễn ra) sớm nhất có thể".

Dẫu phía Trung Quốc đã tiến hành "một lượng lớn điều tra khoa học" nhưng vẫn rất cần thiết triển khai một đội ngũ chuyên gia quốc tế phối hợp cùng các chuyên gia Trung Quốc xem xét và đánh giá các kết quả và các nghiên cứu, cũng như xác minh dữ liệu trên thực địa.

Theo quan chức WHO này, các chuyên gia quốc tế cần vào cuộc "để cộng đồng quốc tế có thể yên tâm về chất lượng khoa học".

Nhiều tháng nay, WHO đã làm việc nhiều tháng qua để cử nhóm chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm 30/10 rằng, cơ quan Liên Hợp Quốc đang tiếp tục "xác minh những nguồn gốc của virus để ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai".

"Hôm nay, một nhóm các chuyên gia quốc tế đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên với các đối tác Trung Quốc" - ông Ghebreyesus nói.

Hồi tháng 7 vừa qua, WHO đã cử một nhóm chuyên gia tiền trạm đến Bắc Kinh để tạo cơ sở cho việc xúc tiến cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 được cho là có thể xuất phát từ động vật và cách virus SARS-CoV-2 lây sang người.

Dẫu vậy, chưa rõ khi nào nhóm lớn hơn có thể đến Trung Quốc để bắt đầu các nghiên cứu dịch tễ học nhằm xác định ca nhiễm ở người đầu tiên và nguồn lây nhiễm.

Các nhà khoa học tin rằng, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ động vật sang người có thể là từ một khu chợ bán thịt ở thành phố Vũ Hán. Nhiều người cho rằng, virus ban đầu đến từ dơi, nhưng vật chủ động vật trung gian truyền virus giữa dơi và người vẫn chưa được biết.

Khi được hỏi tại sao cuộc họp đầu tiên giữa các chuyên gia không diễn ra theo hình thức trực tiếp, giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh, việc gặp trực tiếp "chắc chắn luôn là một phần trong kế hoạch" và các nhóm sẽ trao đổi trực tuyến trước.

Theo Tiến sĩ Ryan, trước tiên các nhóm chuyên gia cần xem xét lại tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện để chuyến đi, sứ mệnh cuối cùng sẽ là giải quyết các vấn đề chưa biết liên quan tới COVID-19.

Chuyên gia WHO cũng cảnh báo, những cuộc điều tra như vậy rất phức tạp và có thể mất "một thời gian rất dài".

Sự ứng phó với đại dịch toàn cầu đang thúc đẩy WHO tiến hành cuộc cải cách lớn. Nhiều quốc gia và giới chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách WHO, tổ chức ra đời sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, để tổ chức này có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức về y tế trong thế kỷ XXI.

Nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng người Mỹ Larry Brilliant nhận định, cấu trúc của WHO bị phức tạp hóa bởi thực tế rằng các quốc gia bỏ phiếu về mọi vấn đề, đồng nghĩa với việc bản thân cơ quan trực thuộc LHQ này không có thẩm quyền độc lập.

Nghị quyết đưa ra hồi giữa tháng 5 của tổ chức này nhấn mạnh rằng việc xem xét lại tính hiệu quả của WHO rốt cuộc phải cải thiện được năng lực toàn cầu trong phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp cho WHO một nguồn tài trợ đầy đủ để đối phó với đại dịch COVID-19.

Thúc đẩy một cuộc điều tra nhằm vào nguồn gốc COVID-19 ở Trung Quốc đã trở thành "giọt nước làm tràn ly" trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc. Trong khi đó, đông đảo người Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về đại dịch và phải bồi thường cho những thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho Mỹ và thế giới.

Theo trang web Rasmussen Reports của cơ quan thăm dò dư luận Mỹ, kết quả cuộc khảo sát trong hai ngày 15 và 16/11 cho thấy, 60% số người Mỹ được hỏi cho rằng Trung Quốc ít nhất cần bồi thường một phần cho những thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản mà đại dịch COVID-19 gây nên.

Rasmussen Reports đã thực hiện một cuộc khảo sát về vấn đề tương tự vào tháng 3. Khi đó có 42% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc cần phải bồi thường. Trong cuộc khảo sát vào cuối tháng 7, tỷ lệ những người có quan điểm này đã tăng lên 53%.

Cho đến nay tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Mỹ đã vượt quá 12 triệu, với hơn 250 ngàn người tử vong; dịch bệnh cũng gây ra suy thoái kinh tế nhanh chóng ở Mỹ và một số lượng lớn người thất nghiệp.

Hiện đang có ít nhất bốn vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc ở Mỹ. Đơn kiện của Berman Law Group ở Florida lên Tòa án Liên bang ở quận phía Nam của bang với cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã không kiềm chế được dịch bệnh COVID-19 khi mới bắt đầu bùng phát, khiến người dân bang này bị thiệt hại lớn về người và của.

Bang Missouri cũng đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc vì những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cáo buộc các quan chức chính phủ Trung Quốc giấu diếm thông tin và bắt giữ những người tố giác. Chính quyền bang này cho biết họ ước tính thiệt hại mà các doanh nghiệp và cư dân trong bang phải gánh chịu do dịch bệnh có thể lên tới hàng chục tỷ USD.

Trước việc người Mỹ lên tiếng yêu cầu Trung Quốc bồi thường vì thiệt hại do dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay từ tháng 4 đã tuyên bố bác bỏ và nói, “đối mặt với dịch bệnh, điều mà cộng đồng quốc tế cần làm là sự hợp tác thay vì cáo buộc lẫn nhau và đòi hỏi các yêu sách đòi bồi thường”.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/who-som-den-trung-quoc-dieu-tra-ve-nguon-goc-covid-19-3423121/