World Bank: Việt Nam nhiều 'con nhà nghèo học giỏi'

Việt Nam được xem là có nền giáo dục phát triển ấn tượng, một hiện tượng đáng khích lệ.

Đó là một trong những nội dung của báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, báo cáo "Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương" của WB cho thấy, cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế, trong đó các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản, cũng như các kỹ năng phức tạp hơn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tương lai.

“Đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em, bất kể nơi sinh ra ở đâu là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, cũng là cách tốt nhất giúp ngăn chặn và đảo ngược sự gia tăng bất bình đẳng”, bà Victoria Kwakwa - Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhìn nhận.

WB cho biết, khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới.

40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD (gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu).

Việt Nam có nền giáo dục phát triển ấn tượng

Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, WB cũng nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh top đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Tại nhiều quốc gia, 60% học sinh vẫn đang học tại các hệ thống nhà trường yếu kém và không được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.

Ví dụ như ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực. Ở các quốc gia như Campuchia và Đông Timor, thậm chí có tới hơn 1/3 học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.

Một phát hiện quan trọng khác của WB là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ, và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực.

Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc (các tỉnh và thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.

Và Việt Nam được đánh giá là một "hiện tượng" đáng ngạc nhiên đối với các chuyên gia của World Bank, khi mức chênh lệch giữa điểm trung bình PISA thực tế so với dự đoán theo thu nhập của học sinh Việt Nam lớn nhất trong khu vực.

Điểm PISA về Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình của các nước OECD.

Ông Michael Crawford - chuyên gia cao cấp về giáo dục của World Bank, thành viên nhóm tác giả báo cáo cho biết: "Những kết quả đó cho thấy rằng học sinh Việt Nam có tư duy toán học và phản biện rất tốt. Việt Nam đang chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ.

Và các trường học đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về đào tạo các kĩ năng cơ bản cho học sinh của mình, phục vụ tốt cho quá trình chuyển dịch đó của nền kinh tế".

Bà Raja Bentaouet Kattan - Chuyên gia trưởng về giáo dục của WB, đồng tác giả của Báo cáo cho biết, Việt Nam thực sự là một trong những hệ thống giáo dục thành công trong những năm qua, khi Nhà nước đã tiến hành nhiều đổi mới ở cả 5 lĩnh vực chính sách thúc đẩy học tập (theo WB: Đồng bộ thể chế, Chi tiêu công, Giáo viên, Sự sẵn sàng để học tập và Đánh giá).

Trong các kỳ thi lớn, Việt Nam đã có nhiều cải cách theo hướng đa dạng hóa phương pháp thi cử - đánh giá, cải thiện chất lượng kỳ thi theo hướng đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục trên GDP cao nhất trong khu vực (6,3%). Các chính sách ưu đãi cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam cũng được bà Raja Bentaouet Kattan đánh giá cao, thể hiện tính công bằng và bình đẳng trong giáo dục.

Theo đó, WB kêu gọi các quốc gia khác tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn, hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.

Trong thực tế, Việt Nam được đánh giá khá cao trong một số bảng xếp hạng quốc tế như kỳ thi PISA về năng lực Toán - Đọc hiểu và Khoa học.

Kết quả này gây bất ngờ bởi, trước đó, cũng theo kết quả khảo sát, đánh giá của World Bank, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt mức 3,79/10 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.

Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (6,91 điểm), Ấn Độ (5,76 điểm), Malaysia (5,59 điểm)...

Về cụ thể, World Bank đánh giá nhân lực Việt Nam yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp kém.

Theo Đất việt

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/world-bank-viet-nam-nhieu-con-nha-ngheo-hoc-gioi-3919491-l.html