World Cup 1986: 'Cậu bé vàng' Maradona trên đỉnh thế giới

VCK World Cup 1986 chứng kiến Diego Maradona bước lên đỉnh cao của bóng đá thế giới khi ông thể hiện phong độ chói sáng giúp Argentina đăng quang.

Giải đấu của Maradona
Tất cả những gì tinh túy nhất của Maradona đều đã được thể hiện ở giải đấu trên đất Mexico. Từ sự ranh ma của nghệ thuật hắc ám tới kỹ thuật tuyệt hảo của một nghệ sỹ tài năng.

Điển hình nhất của những đặc điểm này là ở trận tứ kết giữa ĐT Anh và ĐT Argentina. Trận đấu này luôn được nhớ tới với 2 bàn thắng nổi tiếng theo 2 cách khác nhau của Maradona.

Pha lập công đầu tiên mang đến những sự tranh cãi cho tới tận ngày nay khi Maradona được cho là dùng tay chơi bóng để mở tỷ số. Sau này, ông chỉ bảo rằng đó là "bàn tay của Chúa".

Chưa đến 300 giây sau bàn thắng tai tiếng được ghi bằng tay, Maradona tạo nên một trong những pha lập công để đời của bóng đá thế giới. “Cậu bé vàng” xoay sở qua 3 người từ phần sân nhà, tăng tốc để vượt qua sự truy cản của những cái bóng áo trắng rồi vượt qua cả Shilton để đưa bóng vào khung thành đã bỏ trống.

Chiến thắng trước tuyển Anh tạo tiền đề để Maradona và các đồng đội nâng cao chức vô địch. Số 10 có thêm cú đúp vào lưới tuyển Bỉ, trước khi kiến tạo cho Jorge Burruchaga ghi bàn thắng quyết định giúp Argentina đánh bại Tây Đức với tỷ số 3-2 ở trận chung kết. Maradona kết thúc giải đấu với 10 pha góp dấu giày vào bàn thắng trong tổng số 14 pha lập công mà Argentina ghi được.

Cỗ xe tăng lầm lũi vào chung kết
ĐT Tây Đức có sự khởi đầu khá vất vả trong hành trình tại Mexico 1986. Tại vòng bảng, họ xếp sau Đan Mạch. Ở vòng 2, Tây Đức may mắn phải gặp đối thủ dưới cơ Morocco. Tuy nhiên, họ cũng phải chật vật lắm mới thắng được 1-0 nhờ bàn thắng muộn của Lothar Matthaus và tài năng của thủ môn Harald Schumacher.

Sau đó, Schumacher cũng là người hùng của Tây Đức ở tứ kết khi đẩy được 2 quả 11m trong loạt “đấu súng” với chủ nhà Mexico. Tây Đức chỉ thể hiện được tư cách của một ứng viên vô địch ở vòng bán kết với việc đánh bại ĐT Pháp của Michael Platini với tỉ số 2-0.

Ở trận chung kết, Argentina đã vươn lên dẫn 2-0 do công của Jose Brown và Jorge Valdano mà không cần tới sự tỏa sáng của Maradona. Tuy nhiên, ý chí thép của người Đức vẫn giúp họ vượt qua khó khăn. Tới phút 81, tỉ số đã được cân bằng 2-2 cho Tây Đức sau các bàn thắng của Karl-Heinz Rummenigge và Rudi Voeller, đều từ những pha phối hợp đá phạt góc đầy chết chóc.

Nhưng vào lúc người Argentina bắt đầu hoang mang, thì Maradona lại thể hiện phẩm chất thiên tài. Cú chọc khe chuẩn tới từng centimet của Cậu bé vàng đã giúp Jorge Burruchaga phá bẫy việt vị thành công và ghi bàn trước sự bất lực của thủ thành Schumacher và hàng thủ Tây Đức.

Gary Lineker ghi dấu ấn
Lineker kết thúc World Cup 1986 với 6 bàn thắng kèm danh hiệu Vua phá lưới. Ở Italia 1990, Lineker lại tỏa sáng với 4 pha lập công để nâng tổng số bàn thắng tại World Cup lên con số 10. Đó là kỷ lục vô tiền khoáng hậu với một cầu thủ người Anh.

Nhưng Lineker đã không đi vào ngôi đền của các huyền thoại nếu không có niềm tin tuyệt đối của HLV Bobby Robson. Tại World Cup 1986, Lineker tịt ngòi trong cả 2 trận đầu vòng bảng, gặp Bồ Đào Nha và Morocco. Tính ra, Lineker đã 6 trận liền im tiếng trong màu áo ĐT Anh.

HLV Robson vẫn đặt trọn niềm tin vào Lineker và ông đã được đền đáp. Lineker lập hat-trick vào lưới Ba Lan (3-0), giúp ĐT Anh lách qua khe cửa hẹp để tiến vào vòng 1/8. Sau đó, số 10 của ĐT Anh ghi thêm 3 bàn thắng nữa (cú đúp vào lưới Paraguay tại vòng 1/8, 1 bàn trước Brazil ở tứ kết).

5/6 bàn của Lineker tại World Cup 1986 đến từ những pha dứt điểm một chạm. Đó là phong cách quen thuộc của tiền đạo trưởng thành từ Leicester, đơn giản nhưng hiệu quả. Lineker không sở hữu kỹ năng nào đặc biệt, nhưng ông lại rất thính nhạy với bàn thắng. World Cup 1986 là bàn đạp đưa Lineker lên tầm cao mới.

Sau World Cup 1986, Lineker tới Barcelona và tiếp tục chinh phục khán giả bằng phong độ thuyết phục (52 bàn/137 trận) và nụ cười tài tử.

Những dấu ấn khó phai mờ
Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên có được vinh dự lần thứ 2 tổ chức World Cup vào năm 1986. Tại thời điểm đó, thể thức thi đấu đã bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt với sự xuất hiện của vòng loại trực tiếp gồm có 16 đội tham gia (vòng 1/16).

2 trận đấu cuối cùng của vòng bảng sẽ được cho thi đấu cùng một lúc để đảm bảo sự công bằng. 2 đội đầu bảng cùng 4 đội bóng về 3 xuất sắc nhất sẽ giành quyền đi tiếp.

Mexico 1986 đã thiết lập nhiều cột mốc mới trong các kỳ World Cup. Jose Batista, cầu thủ người Uruguay, đã tự điền tên mình vào lịch sử giải đấu ở hạng mục… thẻ đỏ nhanh nhất khi ông bị truất quyền thi đấu chỉ sau 56 giây có mặt trên sân. Morocco trở thành đội tuyển Châu Phi lần đầu tiên tiến vào vòng 2 tại một kỳ World Cup.

World Cup năm 1986 là giải đấu đầu tiên Canada, Đan Mạch, Irag góp mặt. Trong số những tân binh này, Đan Mạch là đội để lại nhiều ấn tượng nhất. Dù nằm trong "Bảng Tử Thần", họ dễ dàng đả bại mọi đối thủ bao gồm Tây Đức, Uruguay và Scotland để tiến tới vòng 1/16 một cách đầy xứng đáng.

Dù bị loại ở vòng 1/8 trước Tây Ban Nha nhưng chiến thắng trước "Cỗ Xe Tăng" Đức (2-0) và Uruguay (6-1) đã tạo nên cơn địa trấn thực thụ trên đất Mexico.

Giống như Đan Mạch, Liên Xô cũng để lại dấu ấn sâu đậm dù không phải là ứng viên vô địch, và dù không tiến được quá xa. Nhận ghế HLV trưởng ngay trước VCK, nhà cầm quân lỗi lạc Valery Lobanovsky đưa đến 12 cầu thủ thuộc CLB Dynamo Kiev của ông vào danh sách ĐTQG. Liên Xô đứng trên cả Pháp (ĐKVĐ EURO) ở vòng bảng, nhưng lại thua Bỉ 3-4 một cách tức tưởi trong 120 phút đầy kịch tính ở vòng 2.

Sau khi để lại dấu ấn đáng kể tại World Cup 1982, bóng đá châu Phi tiếp tục gặt hái thành công ở World Cup 1986, với lá cờ đầu Morocco. Đội bóng Bắc Phi đứng đầu bảng đấu gồm toàn đối thủ mạnh (Anh, Ba Lan, BĐN), trước khi để thua tức tưởi Tây Đức ở vòng 2 (bàn quyết định ghi ở phút 88). Đây cũng là giải đấu chứng kiến sự xuất hiện trở lại của Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc), và từ đó đến nay họ chưa phải vắng mặt thêm lần nào.

World Cup 1986 cũng là giải đấu ghi nhận sức mạnh của đội tuyển Bỉ thời “Thế hệ Vàng”. Với những ngôi sao như thủ môn Jean-Marie Pfaff, hậu vệ Eric Gerets, tiền vệ đội trưởng Jan Ceulemans và đặc biệt là tài năng trẻ Enzo Scifo, Bỉ đã chơi cực kỳ ấn tượng ở giải này.

Sau khi vượt qua vòng bảng, Bỉ gây tiếng vang lớn khi đánh bại đối thủ mạnh Liên Xô ở vòng 1/8, trước khi hạ tiếp Tây Ban Nha ở tứ kết. Họ chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch Argentina, với cả 2 bàn thua đều đến từ sự tỏa sáng của Maradona.

Đăng Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/world-cup-1986-cau-be-vang-maradona-tren-dinh-the-gioi-a580786.html