World Cup 2018: Nhật ký người hâm mộ

LTS: Vừa xem World Cup vừa làm thơ cũng là một thú vui hiếm có, xin giới thiệu tới độc giả một số vần thơ mang tính chất 'tổng kết trận đấu' của nhà thơ Đỗ Trung Lai.

Cú bay người đẩy bóng của thủ thành Hannes Halldorsson (Iceland) trước cú sút của Lionel Messi (Argentina)

Nga - Saudi Arabia (5-0):

Một lễ khai mạc tươi sáng, rực rỡ, như là sự pha trộn tự nhiên và lãng mạn giữa sắc thu vàng, thảo nguyên xanh với mùa hè đỏ nắng trên quảng trường Đỏ. Thêm vào đó là màu cờ và sắc phục muôn mầu các Fan khắp thế giới tràn về, không gian Nga ngày này đầy ắp sắc mầu trong tranh Levintan, Matisse và Gauguin vĩ đại! Lại cũng rất đậm đà không khí hội họa của phái Vị lai và Kandinxki tiên phong ngày trước.

Trên cái nền ấy, Tổng thống Putin mạnh mẽ và nồng ấm tuyên bố khai mạc ngày hội lớn của tình anh em, bằng hữu, thân thiện, vượt lên trên mọi cáo buộc và cấm vận khắc nghiệt, bất công!

Trên cái nền ấy, đội tuyển Nga đá trận khai mạc như vừa uống thần dược và dù Saudi Arabia chưa phải là phép thử mạnh, người Nga vẫn đã thiết lập một tỉ số kỷ lục sau 84 năm lịch sử World Cup. Cú vẩy má ngoài chân trái thành bàn từ mép vòng 16m50 của Cheryshev và cú phạt hàng rào của Golovin giây cuối trận, là hai tuyệt phẩm, hai “hạt hạnh nhân” trên chiếc bánh ga tô World Cup năm nay! Một ngày hoàn hảo cho chủ nhà và những ai yêu mến nước Nga.

Cho nên “đời sau” mới có thơ rằng:

Trên trời hoa đỏ, hoa vàng

Dưới đất 5 bàn cho chủ nhà Nga

Saudi Arabia

Bắt đầu là thế, sau là ra sao?

Ai Cập – Uruguay (0-1):

Salah không thể vào sân và Ai Cập, vốn được đánh giá thấp hơn, lại càng phải phòng ngự phản công. Vả lại, cố cầm hòa Uruguay, đợi Salah bình phục rồi dồn công lực hạ Nga với Sau Arabia, là một lựa chọn chiến lược khôn ngoan của họ.

Ai Cập làm được điều đó tới phút 90 của trận chiến. Về phía Uruguay, khẩu súng hai nòng - Cavani và Suarez - vừa chưa xuất sắc vừa chưa được hàng hàng tiền vệ đội mình “nạp đạn” đầy đủ, chỉ có đúng một lần “bắn” trúng khung thành “địch”! Nhưng cuối cùng, hậu vệ Gimenez có cú đánh đầu dũng mạnh và hiểm hóc để đem về cho Uruguay 3 điểm. Ai Cập sẽ phải cố kiếm điểm từ 2 trận còn lại. Uruguay, như Nga, cần tranh thủ vượt lên trước. Chưa có thảm họa, nhưng cũng chưa có ai chạm một tay vào cánh cửa vòng sau.

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng Salah rằng:

Không cứu nổi Liverpool

Salah giờ lại ngậm buồn bên sân

Phong trần lại gối phong trần

Pharaon có phúc phần nào không?

Maroco – Iran (0-1):

Mạnh về thể lực, nhanh về tốc độ, kiểm soát bóng tới hơn 60%, Maroco có thế trận áp đảo, nhưng như một bản nhạc chỉ có tiết tấu mà thiếu giai điệu cao trào, họ không tạo ra đột biến và cuối trận, hậu vệ Maroco - Bouhaddouz- tự đánh đầu về lưới nhà, biếu cho một Iran lép vế cả 3 điểm! Bây giờ, với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở phía trước, Maroco có lẽ đã nhìn thấy sự... vô vọng! Iran, dù có 3 điểm trời cho, hy vọng của họ cũng chẳng hơn vô vọng là mấy!

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng Maroco rằng:

Rầm rầm dồn ép Iran

Đột nhiên biếu họ một bàn như không

Công còn chưa kịp lập công

Lưới mình tự thủng, đắng lòng làm sao!

Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha (3-3):

Hai kẻ lọc lõi nhất đứng ở đỉnh của hai đội. Một pha ngã như thật của Ronaldo đem lại bàn thắng cho Bồ Đào Nha ở chấm phạt đền. Một tiểu xảo loại bỏ Pepe, lại một tiểu xảo nữa tạo khoảng trống của Costa và Tây Ban Nha có bàn gỡ hòa bằng cú sút cắm vào góc xa của chính anh này. Một cú ném bóng phản công từ thủ môn, bóng đến chân Ronaldo, thêm một sai lầm của “Người gác đền số 1 thế giới” David de Gea và 2-1 nghiêng về Bồ. Không biết đã nên trách cứ LĐBĐ Tây Ban Nha vì sa thải Lopetegui trước khai mạc 2 ngày chưa? Nhưng lại Costa lên tiếng, lập cú đúp gỡ hòa 2-2. Tây Ban Nha sau đó chơi như hình học dích dắc và cú đờ-mi vô-lê không thể chống đỡ của Nacho đưa họ dẫn 3-2! Tưởng đã xong thì Ronaldo lại kiếm được quả phạt từ trọng tài, De Gea chôn chân, 3-3! Ronaldo lập hattrick.

Cho nên “đời sau” mới có thơ về Ronaldo rằng:

Giao long đụng phải mãng xà

Ngã vờ sút thật gỡ hòa như không

Thôi thôi, ai nói mặc lòng

Mình ta hattrick là xong mọi bề!

Pháp – Australia (2-1):

Từ nửa sau hiệp 1, có vẻ như Australia mới là người làm chủ cục diện chứ không phải Pháp, vốn được đánh giá cao hơn nhiều. Đội hình Pháp lỏng lẻo, bồng bềnh khắp mặt sân, thiếu mảng miếng. Griezmann, Mbappe, Dembele thường phải tự xoay xở giữa dày đặc các cầu thủ Australia cao to, mạnh mẽ và kỷ luật. Phải đến khi đưa cả Giroud và Fekir vào sân, Pháp mới nhọc nhằn có 3 điểm! Rất nhiều hảo thủ nhưng có vẻ Deschamps chưa làm cho Pháp thành ra một đội xuất sắc. Pháp cần phải xứng đáng với danh tiếng của mình hơn nữa.

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng đội Pháp rằng:

Bao nhiêu là ngự lâm quân

Mà săn chuột túi muôn phần khó khăn

Ai về nhắn bảo Deschamps

Còn chơi như thế, chớ săn Cup vàng!

Argentina – Iceland (1-1):

Iceland đối xử với Argentina như Australia đối xử với Pháp. Họ chạy thật khỏe khắp mặt sân, Messi luôn bị kèm chặt khi định xâm nhập sâu. Họ thắng ở hầu hết các cuộc đấu trên cao. Sau khi Aguero ghi bàn như ở Man xanh, Finnbogason gỡ hòa theo kiểu Liên hiệp Anh. Đúng là chùy phá thành đấu với Vĩnh Xuân quyền, Viking đấu với Tango! Hiệp 2 cũng diễn ra y như vậy dù Argentina với Messi đã tăng gấp đôi sự linh động. Rồi Messi đá hỏng 11m và hai quả phạt cố định! Messi ban bật trung lộ không dưới 10 lần, vô nghĩa! Bức tường trắng- xanh Viking không hề suy xuyển!

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng Messi rằng:

Tango gặp phải Viking

Penalty cũng bất thành, khổ chưa?

Cầu môn bên ấy dán bùa

“Người hành tinh khác” chào thua người trần!

Peru – Đan Mạch (0-1):

Linh động như những giọt thủy ngân, giàu ngẫu hứng bẩm sinh Nam Mỹ, Peru buộc các cầu thủ Đan Mạch thành ra những chú lính chì thực sự! Cueva, Carrilo, Farfan, Tapia, Yotun... khiến linh hồn của tuyển Đan Mạch - Eriksen - gần như chìm nghỉm! Nếu cú phạt đền của Cueva thành công, Peru đã viết nên những dòng đầu trong lịch sử World Cup của mình. Hiệp 2, Peru vẫn thế và họ có cả nửa tá cơ hội mà bị Schmeichel từ chối hết. May mà Đan Mạch kịp lột xác, nhanh hơn, hợp lý hơn và khi Eriksen đặt bóng cho Poulsen ghi bàn, mọi sự đã an bài!

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng Peru rằng:

Lần đầu đi hội quần hùng

Như tàu cao tốc đùng đùng lao đi

Đốt lò nung đội lính chì

Chì không chịu chảy, mình thì tay không!

Đức – Mexico (0-1):

Mexico vẫn đá như thế từ mấy chục năm nay. Họ cũng không “giàu tài nguyên” lắm. Chứng cớ là, họ vẫn phải dùng Chicharito - “hàng thải” từ MU - lâu rồi, ở hàng công; dùng Caclos Vela - “hàng thải” lâu rồi từ Arsenal - ở hàng tiền vệ; và gọi lại Maquet, 39 tuổi, vốn cũng là “hàng thải” lâu rồi từ Bacelona! Nhưng lâu nay, chính bằng những con người ấy, họ đã không ít lần đánh bại Braxin ở giải Nam Mỹ, Concacap và chính vì thế mà lối chơi của họ rất nhuần nhuyễn và luôn khó chịu với bất kỳ đối thủ nào. Nếu có điều gì bất ngờ ở trận này thì nó lại đến từ đội Đức. Họ không có khóa giải mã lối chơi truyền thống Mexico. Ozil, Kroot, Khedira không ăn ý và không tạo ra những đột biến đáng kể nào ở hàng tiền vệ. Tiền đạo bắn không trúng bia. Hậu vệ không chống được phản kích. Tóm lại là rất xơ cứng! Reus, Brandt và Gomez, từ lúc được thay vào, có nâng chất lượng tấn công của Đức lên một chút nhưng than ôi, đã muộn!

Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng người Đức rằng:

Chiều nay người Đức không hay

Chiều nay người Mễ còn hay hơn nhiều

Xe tăng gặp buổi xập xìu

Đem về sửa máy cho kêu mà dùng!

Brazil – Thụy Sĩ (1-1):

Trước trận, HLV Thụy Sĩ bảo, ông sẽ cho quân quây Neymar như Iceland quây Messi vậy và quả thật, ông đã thành công. Neymar, vừa bình phục chấn thương lại bị đeo bám triệt để, thậm chí còn không nguy hiểm bằng Coutinho và Jesus! May mà Coutinho đem tài đá phạt từ Liverpool về và biến nó thành một “hạt hạnh nhân” huyền ảo, chứ không thì các vũ công samba đã phải ôm hận rồi. Đồng hồ Thụy Sĩ, dù đôi lúc loạn nhịp nhưng vẫn chạy đều và vẫn có 1 điểm. Trận này không xứng với đội xếp số 2 trên bảng xếp hạng của FIFA. Cho nên “đời sau” mới có thơ tặng Brazil rằng:

Samba dù có Neymar

Cũng chửa có quà trong buổi ra quân

Cổ kim thiên địa phong trần

Tên bay đạn lạc thử thân anh hào

Tóc vàng chửa hóa hoàng bào

Cần thêm thần tiễn lắp vào đôi chân!

Thụy Điển – Hàn Quốc (1-0):

Hàn Quốc đã chọn sai lối chơi! Họ đá với Bắc Âu mà vẫn như đá với Đông Nam Á vậy. Tức là vẫn chơi bóng dài, đua thể lực! Nếu họ rút ngắn cự ly đội hình, chăm ban bật/ đập nhả, kết quả đã có thể khác. Bài học to và xa là từ Bacelona; bài học bé và gần là từ U23 Việt Nam, do chính cựu trợ lý HLV tuyển Hàn Quốc – Pak Hang Seo - làm ra.

Vậy “đời sau” mới có thơ rằng:

Hai bên đều thiếu anh tài

Đều chọn bóng dài khi đối đầu nhau

Người Hàn nay phải ngậm sầu

Vì ít dùng đầu, chỉ khoái dùng chân!

Bỉ - Panama (3-0):

Panama quả là xa lạ! Họ hạn chế tên tuổi của mình ở khu vực CONCACAF; tức là ở Bắc, Trung Mỹ và Caribe. Trận đầu, họ đã phải đối mặt với Bỉ, một đối thủ mà tổng giá trị chuyển nhượng lớn gấp 100 lần họ! Ấy thế mà suốt hiệp 1, người ta thấy Bỉ như một sạp hàng bán lẻ ngôi sao vậy! Chỉ khi sang hiệp 2, sau bàn thắng từ cú vuốt bóng siêu phàm của Mertens và do đó, Panama không thể đá thấp được nữa, Bỉ mới lấy lại được danh tiếng của mình bằng 2 bàn nữa. Cú vẩy má ngoài chân phải của Bruyne cho Lukaku đánh đầu gần thành, là pha kiến tạo siêu đẳng!

Thế nên “đời sau” mới có thơ rằng:

Từ CONCACAF xa xôi

Về đây chống cả một trời đầy sao

Tuy chưa ghi được bàn nào

Cũng cho đời biết kênh đào sâu nông!

Anh – Tuynisia (2-1):

Vào trận, Anh nhập cuộc như bão táp, tiếc rằng Sterling, Lingard đều bỏ lỡ như dân nghiệp dư! Thế rồi, không còn Eriksen như ở Tottenham, Alli và Kane nhạt dần; không còn Bruyne và Silva như ở Man City, Sterling và Kyle Walker cũng vậy! Walker còn là thủ phạm rất vô duyên khi tạo ra cú phạt 11m cho Tunisia gỡ hòa. Hiệp 2, Tunisia chậm rãi “hành hạ” Anh bằng kỹ thuật nhỏ trong cự ly ngắn. Hóa ra người Anh không thạo món này! Nhưng rồi thật là định mệnh, bóng chợt bật đến đầu Kane ở phút 90+1 như đã chợt bật tới chân Kane ở hiệp 1, Anh thắng đầy may mắn. “Đời sau” có thơ tặng đội Anh:

Ừ thì cứ thắng là hay

Nhưng hay kiểu ấy chửa say dạ người

Từ giờ đến cuối cuộc chơi

Không người cầm chịch, hạ hồi ra sao?

Colombia – Nhật Bản (1-2):

Là người Châu Á, thấy Nhật Bản thắng, ai chả mừng. Các cầu thủ Nhật Bản khá thành công ở nước ngoài còn ở trong nước, họ có một giải đấu hàng đầu châu lục. Tuy vậy, bước ngoặt của trận đấu là khi Colombia chỉ còn đá với 10 người. Vậy có thơ rằng:

Chưa chi đã mất một người

Colombi phải ngậm ngùi tay trơn!

Vừa hay vừa gặp vận hên

Samurai tạm vươn lên dẫn đầu.

Nga - Ai Cập (3-1):

Người Nga liên tiếp gây bất ngờ! Trước giải, cựu danh thủ Kanchelskits, bảo: “Tuyển Nga năm nay yếu nhất trong lịch sử!”. Ấy thế mà cái đội bóng “yếu nhất trong lịch sử” Nga ấy đã làm được cái việc mà tất cả các đội Nga “mạnh hơn trong lịch sử” không làm được, để thực tế, trở thành đội đầu tiên bước qua vòng bảng! Họ ghi nhiều bàn thắng và có hiệu số bàn thắng/thua cao nhất giải cho đến giờ. Tự tin và hiệu quả, đó là hai phẩm chất vốn quá xa xỉ với Nga lâu nay, giờ đã hiện ra đầy hứa hẹn! “Đời sau” có thơ tặng tuyển Nga rằng:

“Vả” hai lần, tám vết thương

Gấu Nga còn bị xem thường nữa không?

Hè rồi, đâu phải mùa đông

Gấu Nga thức dậy luyện công lâu rồi!

Bồ Đào Nha – Morocco (1-0):

Ronaldo tận dụng một giây lơ đễnh của Morocco, 1-0 cho Bồ! Từ sau khi bị dẫn, Marocco dày vò Bồ Đào Nha bằng nhiệt huyết, kỹ thuật và tốc độ. Amrabat thật đáng khen! Họ đã rang xay cà phê rất tốt, nhưng không tài nào pha nổi một ly cà phê ngon! Nhưng “đời sau” vẫn có thơ cho kẻ thất trận đáng yêu Morocco rằng:

Sút ra bàn thắng mới tài

Chỉ sút ra ngoài là tất go home!

Xay cho đá cuội phải mòn

Ngẩng nhìn, vé đã không còn, khổ chưa?

Iran – Tây Ban Nha (0-1):

Hiệp 1, Tây Ban Nha kiểm soát bóng là chính và có số đường chuyền gấp 6 lần Iran, nhưng độ vô hại thì như nhau, 0-0! Hiệp 2, sau bàn thắng “rùa” của Costa, Iran trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, De Gea không sai lầm nữa, Tây Ban Nha cùng có 4 điểm và hiệu số +1 như Bồ Đào Nha. Mọi việc nằm ở loạt trận cuối. Vậy có thơ rằng:

Khá khen cho tuyển Iran

Bị thương rồi, vẫn bền gan đấu bò

Hôm nay bò tót mệt phờ

Có thêm 3 điểm nhưng mờ mắt ra!

Đan Mạch – Australia (1-1):

Họ đá giống hệt nhau: Phát bóng thật dài cho đồng đội băng lên, thường là rất đơn giản, ít sáng tạo, ít lắt léo, thiếu ngoạn mục, và cứ đến vòng cấm địa đối phương thì... chủ yếu là hỏng và sau đó, quy trình ấy được thực hiện ngược lại, từ phía bên kia! 2 đội chơi hệt như thời bóng đá sơ khai, trừ Eriksen. Vậy có thơ rằng:

Xem mà cứ tưởng ngày xưa

Thời banh nghệ thuật còn chưa ra đời

Bóng thường bay ở trên trời

Người nào chạy khỏe là người được khen

Thương thay chàng Eriksen

Một mình một lối giữa miền thùy dương!

Pháp – Peru (1-0):

Giroud đá chính, cùng Griezmann và Mbappe tạo ra mũi đinh ba thường xuyên đe dọa Peru. Với Pogba và Kante hậu thuẫn, Pháp đầy hứng khởi sau 10 phút đầu để cho Peru lấn sân. Pháp hiểm hóc hơn trong các miếng đánh và từ một đường chuyền của Pogba, cầu thủ trẻ nhất đội Pháp- Mbappe - đá nối cú sút của Giroud, 1-0 cho Pháp! Peru khá hay, nhưng y như trận trước, họ chỉ... suýt có bàn thắng thôi. Pháp cũng dần không hay nữa. Họ cầu toàn và thắng tối thiểu. Vậy có thơ về Peru rằng:

Ba giáp mới về đến đây

Hai lần xung trận, trắng tay hai lần!

Giữa cơn gió giục mây vần

Hóa ra không có phép thần thật sao?

Argentina – Croatia (0-3):

Trước trận, Kovacic bảo: Mọi vị trí của Croatia đều hay hơn Argentina, trừ Messi. Quả thế thật! Thủ môn vững, hậu vệ vững và hàng tiền vệ thì là cả một đội thiên thần được được dẫn đầu bằng thiên thần nhỏ bé Modric. Chính họ đã làm cho cầu thủ vĩ đại nhất trở lại “đồng hạng” cùng các đồng đội của mình! Sai lầm chết người của Caballero báo hiệu một thảm họa, 1-0, 2-0 rồi 3-0! Argentina vỡ vụn. Từ đầu giải, chưa một đội nào đá ngoạn mục mà lại hiệu quả như Croatia. Thế hệ vàng Croatia đã “chín” hoàn toàn chăng? Vậy có thơ rằng:

Không ai tin! Không ai tin

Argentina lại chết chìm như không

Croatia buổi lên đồng

Làm cho tỏ mặt anh hùng Balkan!

Chuyện buồn không kể một lần

Có người võ nghệ siêu quần mà thua!

Brazil – Costa Rica (2-0):

Ở cuối con đường đầy nhọc nhằn, phút 90+1 và 90+7, Coutinho rồi Neymar mới lần lượt ghi bàn cho Brazil! Neymar khóc vì anh hạnh phúc hơn Messi hôm trước chăng? Phận ngôi sao là thế, thắng thì... nhất mà thua thì... bét! Costa Rica kiên cường và thông minh nhưng chưa đủ. Brazil xứng đáng với chiến thắng, dù chẳng dễ dàng. Vậy có thơ rằng:

Khoe Samba dưới trời Nga

Gặp ngay phải một “thằng cha” cứng đầu

Qua rồi cũng mệt phờ râu

Vẫn chưa biết được ngôi đầu về ai!

Nigeria – Iceland (2-0):

Không giỏi bóng dài, cũng không hay bóng sệt và tưởng như đã hết cơ hội thì đột nhiên sang hiệp 2, “Đại bàng xanh” lột xác. Họ liên tục tăng tốc, phối hợp, khoan phá, làm cho Băng Đảo mệt nhoài và Musa ghi cả 2 bàn, đem lại 3 điểm cho đội nhà và cũng tặng cho Argentina hy vọng đi tiếp, để rồi họ có thể sẽ phải ôm hận khi gặp lại chính Argentina ở trận cuối. Cục diện bảng D giờ vừa ngặt nghèo vừa thú vị! Vậy có thơ rằng:

Làm cho Băng Đảo hết hồn

Musa đã giỏi lại còn rất nhanh

Hôm nay chú “Đại bàng xanh”

Vừa tự cứu mình vừa cứu Messi!

Bỉ - Tunisia (5-2):

Ở một đẳng cấp cao hơn hẳn, đặc biệt ở những lão luyện do các “lính đánh thuê” cao cấp trở về, Bỉ “tàn sát” Tunisia là chuyện dễ hiểu. Thậm chí nếu Batshuayi có duyên, riêng anh này còn có thể có poke chỉ trong thời gian vào thay người. Dẫn đậm, đá mở, Bỉ để Tunisia gỡ 2 bàn - chẳng hề hấn gì! Bây giờ Bỉ có thể an nhàn ngồi quan sát để quyết định xem sẽ đá như thế nào với người Anh thôi. Vậy nên có thơ rằng:

Thua liền 2 trận thì... “đi”,

Tunisia khiến Châu Phi lại buồn!

Tuổi tên đã nổi như cồn,

Sô cô la Bỉ còn ngon... dài dài.

Hàn Quốc – Mexico (1-2):

Lối đá của Hàn Quốc vẫn không khác gì so với trận đầu, nhưng vì Mexico không thể “lấy thịt đè người” như Thụy Điển, nên thế trận 2 bên khá cân bằng. Mexico thường nhanh hơn, hợp lý hơn một chút và hơn hẳn về độ quái. Dẫn 2-0, Mexico không ngăn nổi Hàn gỡ 1 bàn. Bàn thắng đó là ý chí Hàn, bù đắp phần nào cho đẳng cấp của họ. “Đời sau” có thơ cho Mexico rằng:

Hạ Đức, gây chuyện động trời

Người Mễ cả cười xơi nốt kim chi

Gió Âu, mưa Á kể gì

Bây giờ Thụy Điển làm chi thì làm!

Đức – Thụy Điển (2-1):

Ngặt nghèo cho người Đức! Cảm phục cho người Đức! Bị dẫn, bị đuổi người, bị rút cạn thời gian, bị cột dọc chống lại, bị hoài nghi đến tột độ... nhưng họ đã vượt qua tất! Vài lời hội ý, một phối hợp lọc lõi giữa 2 đầu lĩnh - Kroos và Reus - rồi Kroos cắm nhát kiếm lửa khét lẹt vào góc xa, Thụy Điển gục xuống! Người Đức trở về từ cõi chết, giật lại cơ hội đi tiếp. Nghẹn thở! “Đời sau” có thơ tặng Đức:

Từ trong thắt ruột bầm gan

Từ trong hấp hối, ghi bàn lập công

“Xe tăng” giờ được thông nòng

Đã nghe tiếng sắt tiếng đồng nay mai!

Anh – Panama (6-1):

Anh quá mạnh lại còn may mắn! Panama thua cũng còn vì quá tôn trọng đối thủ! Khi không còn gì để mất, họ chơi cũng không đến nỗi nào. “Đời sau” có thơ tặng Panama:

Gặp Bỉ rồi lại gặp Anh

Dấm Thanh, trời lại pha chanh, không đường!

Nhưng yêu bóng đá phát cuồng

Dấm, chanh cứ trộn, không đường đã sao?

Nhật Bản – Senegal (2-2):

Nếu tận dụng hết mọi cơ hội nguy hiểm, Nhật Bản đã thắng. Đội bóng Châu Á chơi khôn ngoan, chững chạc, gắn bó, dẫu thua thiệt về thể lực, thể hình. 2 đội chia điểm, cùng đứng đầu bảng và chờ xem Ba Lan đấu Colombia ra sao để tự quyết. Về bảng này, có thơ rằng:

Mỗi người 4 điểm lận lưng,

Samurai với sói rừng Châu Phi.

Ba Lan cùng Colombi,

Ai thua thì xách đồ đi... phi trường!

Ba Lan – Colombia (0-3):

Colombia, James Rodriguez, Falcao, Cuadrado, Ospina, thế là đủ để hành hạ Ba Lan và đẩy Lewandowski vào bóng tối. Giống hệt trận gặp Senegal, không mấy khi Lewandowski có bóng thuận lợi. Ba Lan xơ cứng, chậm chạp, bất lực! Vậy có thơ cho Ba Lan rằng:

“Đại bàng trắng” đã thôi rồi

Không còn bay lượn giữa trời như xưa

Trời còn khi nắng khi mưa

Đồng nào cũng lúc được mùa, lúc không!

“Đường dài mới biết ngựa hay”, “Hãy đợi đấy!”, bởi World Cup vẫn đang tiếp diễn.

đỗ trung lai

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/world-cup-2018-nhat-ky-nguoi-ham-mo-615983.ldo