World Cup 2022: Thế giới nhìn xuyên qua trái bóng

World Cup ở Qatar, dù là mùa Đông, nhưng những người hoài nghi vẫn không khỏi quan ngại về sự 'khô khan' của nó. Đó là sự khô khan cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, về một nước chủ nhà thần quyền Hồi giáo ở vùng sa mạc. Nhưng dường như tất cả đã nhầm. Qatar vẫn 'mướt mát' lắm…

Hấp dẫn không? Chắc chắn ai cũng sẽ trả lời "có" khi nói về World Cup 2022 tính đến thời điểm này (bắt đầu vòng 1/8). Đó là sức hấp dẫn đến từ những thế trận bất ngờ, mà ngay cái kết cục không một đội nào toàn thắng ở vòng bảng đã đủ cho thấy tính bất trắc của bóng đá World Cup kỳ này.

Trước khi bóng lăn ở Qatar, đã có nhiều ý kiến nghi ngại rằng sự tẻ nhạt sẽ phủ kín kỳ World Cup thứ 2 được tổ chức ở châu Á. Không đồ uống có cồn, bất chấp việc Budweiser là nhà tài trợ chính thức của sự kiện, là tin buồn đầu tiên với nhiều tín đồ túc cầu giáo. Song, thực tế có phải là không có cồn thì bóng đá mất vui hay không? Thói quen (uống bia xem bóng đá) ngấm sâu dễ dẫn dụ ta suy nghĩ tiêu cực như thế.

Một nữ CĐV Croatia trong trang phục thiếu vải. Ảnh: Q.t

Một nữ CĐV Croatia trong trang phục thiếu vải. Ảnh: Q.t

Còn thực tế thì sao? Nhiều BTC trận đấu ở châu Âu đã không cho bán đồ uống có cồn trong sân vận động từ nhiều năm qua rồi, điển hình như ở sân Mestalla của Valencia chẳng hạn. Cái khác ở Qatar chỉ là ngoài sân vận động cũng không bán đồ uống có cồn. Chính quyền sở tại cùng LĐBĐ Qatar đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định không phá luật tạm thời và họ cũng chỉ công bố việc chính thức hủy đặc cách cho phép bán đồ uống có cồn trước ngày khai mạc có 2 hôm. Suy cho cùng, đi xem bóng đá chứ đâu phải đi nhậu. Không có bia, bóng vẫn lăn và thậm chí lăn rất thuyết phục.

Và khi bóng đã lăn, những hình ảnh trên khán đài mới bắt đầu vén bức màn bí ẩn cho thế giới được hiểu hơn về Qatar nói riêng và khu vực Hồi giáo Cận đông nói chung. Trận cầu giữa Iran và Mỹ là một điển hình. Cảnh các nữ CĐV Iran xinh đẹp, trang điểm lộng lẫy, không cần chiếc khăn hijab hay niqad nào đủ để nhiều người vốn chỉ biết đến các quốc gia Hồi giáo qua lời kể của tuyên truyền phải giật mình. Đúng là xã hội thần quyền Hồi giáo vẫn còn nhiều quy định hà khắc, nặng nề nhưng không hẳn phụ nữ ở đó đã mất hoàn toàn quyền con người. Tất nhiên, cũng sẽ có người giữ vững sự hồ nghi để cả quyết rằng "màn kịch thôi mà". Ai cũng có quyền hồ nghi nhưng ai cũng có quyền cả tin một lần.

Shock hơn nữa là cảnh một nữ CĐV Croatia trong trang phục thiếu vải với chỉ mỗi chiếc áo ngực in quốc kỳ Croatia che phần thân trên bước đi tự tin trên khán đài sân vận động Ahmed bin Ali trong trận cuối cùng của vòng bảng tiếp tuyển Bỉ. Sau lưng nàng là những người đàn ông Qatar len lén đưa điện thoại thông minh lên ghi lại hình ảnh với sự thích thú.

Đó là những chiếc điện thoại iPhone mới nhất, một xuất phẩm thời đại của người Mỹ. Hóa ra, cái khắt khe tưởng tượng nó nhiều sức nặng hơn thực tế ngàn lần. Giữa thế giới của túc cầu, quyền năng thần quyền của một quốc gia sùng đạo cũng tự nhún mình lại một chút để mở cửa và hòa nhập.

Những chi tiết nho nhỏ ấy cho thấy bóng đá ở Qatar 2022 này không hề khô khan. Và chất lượng bóng đá dưới sân cỏ lại càng chứng minh điều đó. Thứ bóng đá được thể hiện ở World Cup kỳ này đã bộc lộ đúng bản chất và bộ mặt của thời đại. Đó là thứ bóng đá hiện thân của toàn cầu hóa, của chủ nghĩa tân tự do và tính thực dụng chính xác trọng dữ liệu (data oriented) của kỷ nguyên số hóa này.

Đã từ lâu rồi chúng ta quen với việc các nền bóng đá nhạt nhòa dần bản sắc riêng. Nó là hệ quả của internet với các trao đổi đa chiều từng giây một. Sự cập nhật hàng ngày đã khiến các HLV xích lại gần nhau hơn về tư duy, về ý tưởng, về công thức. Họ giống như các công trình sư vừa hoạt động độc lập, vừa hoạt động theo nhóm, theo tổ chức để cùng xây dựng nên một kỳ quan khổng lồ cho bóng đá là Chiến thuật bóng đá hiện đại.

Và ở Qatar hôm nay, đặc trưng ấy bộc lộ rõ nét hơn nữa khi những đội bóng được xem là đến từ nền bóng đá nhỏ và yếu hơn đã có thể chơi một thứ bóng đá tương đồng với những nền bóng đá lớn, thậm chí có lúc ở một trình độ cao hơn (do phong độ). Cái cách người Nhật tăng cường tạo áp lực lên cầu thủ cầm bóng của đối phương ngay trên phần sân của đối phương cho thấy gegenpressing không còn là đặc sản của người Đức, người Hà Lan.

Phương pháp người Hàn Quốc sử dụng để kiểm soát không gian, tổ chức phản công tốc độ cao đồng thời cực linh hoạt, nhạy bén trong chuyển đổi trạng thái đã chứng minh rằng việc kiểm soát không gian chơi bóng không chỉ là bí kíp của những HLV bậc thầy châu Âu lục địa. Và khi Nhật, Hàn cùng ngạo nghễ giành vé vào vòng 1/8 với quyền tự quyết do chính mình định đoạt chứ không trông chờ vào ân huệ của đội bóng lớn nào khác, chúng ta phải thừa nhận rằng thứ bóng đá phổ cập World Cup hôm nay chính là một sản phẩm rõ nét nhất của chủ nghĩa toàn cầu.

Trọng tài đưa ra 10 phút bù giờ cho hiệp 2 trận Anh và Iran, dù ở hiệp 1 đã có 14 phút bù giờ. Ảnh: Q.t

Tính chia sẻ của toàn cầu hóa đã tạo ra một thế giới túc cầu ít lằn ranh hơn, ít chênh lệch hơn. Chúng ta có thể nhìn vào các đội bóng châu Phi để nhận thức rõ ràng hơn dịch biến ấy. Nếu ngày xưa, châu Phi là hồn nhiên, ngẫu hứng, sáng tạo cá nhân nhưng ngây thơ trong tổ chức tập thể thì hôm nay đã khác. Không có Sadio Mane, ngôi sao sáng nhất, Senegal không hề yếu kém đi. Họ vẫn dõng dạc vào vòng trong là nhờ vào yếu tố ngày xưa châu Phi vẫn thiếu: tính tập thể và kỷ luật. Đây là ví dụ cho thấy rõ nhất toàn cầu hóa và chủ nghĩa tân tự do trong bóng đá hiện đại. Như đã nói ở trên, tính chia sẻ của toàn cầu hóa đã giúp châu Phi tiến bộ một phần lớn.

Nhưng phần rất lớn còn lại đến từ chủ nghĩa tân tự do, với hệ thống chuyển nhượng quốc tế hình thành như một thị trường đúng nghĩa. Từ đó, các cầu thủ Á, Phi đã bắt đầu có chỗ đứng thường xuyên hơn nhiều lần ở các giải hàng đầu châu Âu và cạnh tranh sòng phẳng bằng năng lực của mình. Chính sự cạnh tranh ấy đã tạo ra cho họ cơ hội va chạm với bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao mà đòi hỏi cao nhất của nó là tính tổ chức, khả năng thính nhạy chiến thuật chứ không chỉ là các năng lực thể chất và kỹ thuật cá nhân đơn thuần.

Và cuối cùng, World Cup Qatar còn biểu đạt một thông điệp mới của thế giới. Đó chính là bản chất trọng dữ liệu (data oriented) và trọng tính chính xác của thời đại. Cái cách bù giờ tới 8 phút, thậm chí 10 phút để trả thời gian thi đấu thực tế về đúng nghĩa của nó có thể khiến người xem cảm thấy hơi ngộp thở vì tính khắt khe, lạnh lùng, thậm chí vô cảm.

Tuy nhiên, chính cái tính chính xác đó lại là thứ không tạo ra thêm bất công nữa trong bóng đá. Không đội bóng nào muốn ném 4 năm chuẩn bị cho World Cup vào sọt rác chỉ vì một cảm tính sai lệch của một ông áo đen.

Thế nên, trong cái vô cảm của việc lưới rung lên nhưng cầu thủ vẫn phải khựng lại chờ ăn mừng được hay không nếu trọng tài đặt tay lên tai nghe thông báo từ phòng VAR lại ẩn chứa thứ cảm xúc khác. Đó là cảm xúc của sự thật, của minh bạch, của công khai và nó mở ra thêm cảm hứng cho các đội bóng yếu thế tin rằng họ hoàn toàn có đủ thời gian và điều kiện để lật ngược thế cờ.

Dĩ nhiên, vẫn sẽ có người tiếc thứ cảm xúc thuần túy của con người mẫn cảm ở những năm 70, 80 hay 90. Song hãy hượm đã nào, những người hoài niệm là những người ở thế hệ cũ. Mà thế giới hôm nay thì lại của thế hệ khác làm chủ, thế hệ đôi mươi. Chính họ, những con người đôi mươi ấy, đã và đang dựng nên thế giới riêng của mình với các tiêu chuẩn riêng của mình.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/world-cup-2022-the-gioi-nhin-xuyen-qua-trai-bong-i678286/