World Cup, công thần và nghìn tỷ

Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 9 (nhiệm kỳ 2022 ‑ 2026) đã bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

 Đội tuyển Việt Nam (áo sẫm) thắng đội tuyển Trung Quốc 3-1 trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam (áo sẫm) thắng đội tuyển Trung Quốc 3-1 trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Thêm một nhiệm kỳ mà World Cup được xác định là mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam. Nhưng để đi đến sân chơi thế giới vào năm 2030, bóng đá Việt Nam cần phải tìm ra lời giải cho 2 bài toán: Huấn luyện trưởng đội tuyển quốc gia và tài chính.

Giấc mơ World Cup 2030

Ông Trần Quốc Tuấn đã trở thành tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 9. Ngay sau khi đắc cử, ông Tuấn và Ban Chấp hành khóa 9 thống nhất đề ra những nhiệm vụ trọng tâm của bóng đá Việt Nam trong những năm tới.

Cụ thể, đội tuyển bóng đá nam quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu vào top 10 châu Á, giành quyền vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự vòng chung kết FIFA World Cup 2026 và hướng tới tham dự vòng chung kết FIFA World Cup 2030.

Đội tuyển nam quốc gia cũng đặt mục tiêu phấn đấu giành quyền vào tứ kết tại vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á 2023 (ASIAN Cup 2023); giành quyền tham dự vòng chung kết ASIAN Cup 2027.

Đồng thời đội tuyển nam sẽ vào đến trận chung kết AFF Cup các năm 2022, 2024, 2026 và vô địch ít nhất một lần. Với U23 Việt Nam, VFF đặt mục tiêu giành quyền vào vòng chung kết, đạt thứ hạng cao tại Cúp bóng đá U23 châu Á năm 2024, 2026, và phấn đấu bảo vệ thành công Huy chương Vàng SEA Games năm 2023, 2025.

Bên cạnh đó, VFF khóa 9 đặt mục tiêu đưa đội tuyển nữ Việt Nam vào top 6 châu Á. Chuẩn bị thật tốt để thi đấu đạt hiệu quả cao nhất tại vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho bước phát triển mới của bóng đá nữ Việt Nam. Đội tuyển nữ quốc gia phấn đấu bảo vệ thành công chức vô địch Đông Nam Á, vô địch SEA Games năm 2023, 2025.

Như vậy, có thể thấy, giành suất tham dự World Cup 2030 chính là điểm cao chiến lược mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. Những mục tiêu còn lại, ngoài vị trí trong bảng xếp hạng như top 10 châu Á, đều là những điểm cao chúng ta đã có được dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, như ngôi Á quân U23 châu Á, Huy chương Vàng SEA Games, hay vô địch AFF Cup 2018 hay lọt vào đến vòng tứ kết ASIAN Cup 2019.

Thế nên, chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta phấn đấu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào top 10 châu Á và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup.

Nhiệm vụ này áp lực và đòi hỏi bộ máy mới VFF cần có quyết định mang tính đột phá. VFF có chuỗi chuẩn bị liên tục, chúng ta có sự chuẩn bị 4 năm qua như việc đội tuyển Việt Nam có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta được thi đấu với đội bóng mạnh ở giải đấu chính thức và thu được nhiều kinh nghiệm”.

Người thay thế ông Tuấn cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn ở nhiệm kỳ 9 là ông Trần Anh Tú ngay sau khi trúng cử cũng chia sẻ rằng: “Tôi hy vọng VFF có thể phấn đấu đạt được những mục tiêu mà Đại hội khóa mới đề ra.

Chúng tôi thấy đội tuyển nam Việt Nam vào tới vòng loại cuối cùng World Cup, đội tuyển nữ và tuyển futsal dự World Cup, các đội tuyển trẻ giành vé dự sân chơi châu Á. Vậy nên, ít nhất trong 4 năm tới, các đội cũng phải giành thành tích tương tự hoặc cao hơn. Tất nhiên để làm được điều đó sẽ vô cùng khó khăn”.

Trên thực tế, không phải bây giờ bóng đá Việt Nam mới đề cập đến mục tiêu dự World Cup 2030. Hơn 10 năm trước, trong dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, VFF đã đề cập đến tham vọng World Cup.

Thậm chí có lúc người của VFF còn xây dựng kế hoạch cho tham vọng dự World Cup 2018. Nhưng đến giờ khi trái bóng World Cup 2022 đang lăn ở Qatar, đội tuyển Việt Nam mới chỉ chạm đến vòng loại thứ 3 của châu Á trong cuộc đua đi World Cup.

Bóng đá Việt Nam đang gặt hái thành công với “thế hệ vàng” như Tiến Linh, Quang Hải, Công Phượng, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Văn Đức, Tiến Dũng, Văn Lâm… Nếu tính tới World Cup 2026 thì nhiều khả năng lứa cầu thủ này vẫn còn được sử dụng với việc bổ sung những cầu thủ trẻ như Tiến Long, Văn Khang, Duy Cương...

Tuy nhiên, lực lượng như thế được xem là chưa đủ để đạt mục tiêu lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2026, trong khi ở World Cup 2030 rõ ràng bóng đá Việt Nam phải cần tới một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới.

Đây là thách thức cực lớn!

Huấn luyện viên Park Hang Seo.

Ai thay ông Park?

Trước khi trở lại bài toán World Cup, lúc này, thường trực và ban chấp hành VFF sẽ cần có những cuộc họp để bắt tay vào quá trình tìm kiếm huấn luyện viên mới cho đội tuyển nam Việt Nam thay ông Park Hang Seo.

Ngày 31/1/2023, hợp đồng giữa VFF với ông Park sẽ kết thúc. Theo ông Trần Anh Tú, không dễ để tìm huấn luyện viên mới cho đội tuyển. Huấn luyện viên đó phải phù hợp với văn hóa, trình độ và cả nguồn tài chính của VFF.

Được biết, VFF không có ý định chọn huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam, ông Gong Oh‐kyun thay thế ông Park. Theo tiết lộ của một lãnh đạo VFF, hiện tổ chức này đang tiến hành đàm phán hợp đồng để có thể ký lâu dài với ông Gong, mà nhiệm vụ quan trọng của năm 2023 là dẫn dắt đội U23 Việt Nam dự SEA Games 32 và sau đó là ASIAD. Cộng sự đắc lực của ông Park là trợ lý Lee Young‐jin cũng không nằm trong phương án thay thế ông Park.

Có thông tin cho rằng, lãnh đạo VFF đang tính đến việc có thể mời cựu “phù thủy trắng” Philippe Troussier dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán khó cho lãnh đạo VFF là vấn đề tiền lương dành cho chiến lược gia người Pháp này.

Khi còn dẫn dắt U19 Việt Nam, ông Philippe Troussier đã từng được một doanh nghiệp hỗ trợ khoản lương rất khủng, có thể lên đến 3 tỉ đồng/tháng. Mức lương mà ông Park đang được nhận là 50.000 USD/tháng (hơn 1,2 tỉ đồng, VFF trả thuế).

Trong diễn biến mới nhất, huấn luyện viên Javier Clemente đã gửi hồ sơ ứng cử làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Ông thầy người Tây Ban Nha được đánh giá là ứng viên có thành tích nổi nhất trong số các ứng viên VFF đang có trong tay.

Javier Clemente từng dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha từ năm 1992 đến năm 1998 với kỉ lục 31 trận bất bại liên tiếp. Ở cấp đội tuyển, ông Clemente cũng từng làm đảm nhận vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Libya tại cúp Vùng vịnh 2021 và vòng loại World Cup 2022.

Trước đó, rất nhiều huấn luyện viên của châu Âu cũng đã ứng cử với VFF, trong đó phải kể đến Dragan Skocic (Croatia), Slaven Skelezic (từng dẫn dắt U17 Bayern Munich), Robert Prosinecki (cựu trợ lý tuyển Croatia, cựu huấn luyện viên đội tuyển Bosnia, cựu cầu thủ Barcelona và Real Madrid) và Bozidar Bandovic (cựu HLV trưởng Olympiakos và Buriram United)...

Ngoài ra, do ông Park còn AFF Cup 2022, nên nếu lựa chọn được người mới, VFF chỉ tổ chức lễ ra mắt sau khi giải vô địch khu vực kết thúc (diễn ra từ 20/12/2022 - 16/1/2023). Theo kế hoạch của các đội tuyển quốc gia Việt Nam trong năm 2023, từ 15/2 đến 18/3, đội tuyển U20 Việt Nam sẽ tập trung và thi đấu VCK U20 châu Á 2023.

Cũng trong quãng thời gian từ 20/2 đến 10/3, đội U23 Việt Nam cũng sẽ tập trung chuẩn bị cho SEA Games diễn ra ở Campuchia vào tháng 5. Trong khi đó, sau AFF Cup thì đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân từ ngày 20 – 27/3 theo lịch FIFA Days. Đây cũng là đợt tập trung đầu tiên của đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên mới kế nhiệm ông Park.

Cầu thủ trẻ Lương Duy Cương (3).

Nguồn thu nghìn tỷ

Theo báo cáo tại Đại hội VFF, nguồn thu từ vận động tài trợ của VFF khóa 8 đạt 679,4 tỉ đồng, gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Nếu năm đầu của nhiệm kỳ (2019) chỉ là 150,9 tỉ đồng đã tăng gần 60 tỉ so với năm cuối của nhiệm kỳ 7 (92 tỉ đồng) thì lần lượt sau đó doanh thu hàng năm tăng một cách đáng kể.

Như năm 2020 là 158,1 tỉ đồng, năm 2021 là 160,9 tỉ đồng, đặc biệt năm 2022 là 209,5 tỉ. Nếu tính luôn cả tài chính lẫn tài trợ thì VFF thu hơn 1.000 tỉ đồng trong nhiệm kỳ này. Vậy nên, ai nắm vị trí Phó tài chính VFF nhiệm kỳ 9 đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ những người trong cuộc và dư luận bởi liên quan tới ngân quỹ hoạt động của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 9.

Và bất ngờ đã xảy ra. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Truyền hình Thế hệ mới (Next Media) đã đánh bại ứng viên Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Động Lực. Việc ông Kiên giành chiến thắng có lẽ đến từ kế hoạch truyền thông ấn tượng của ông này.

Trước thời điểm bầu cử, CEO Next Media Nguyễn Trung Kiên đã có cuộc gặp gỡ truyền thông. Tại đây, ông Kiên tuyên bố sẽ tham gia tranh cử, nếu trúng cử Phó Chủ tịch tài chính VFF khóa 9, ông sẽ giúp VFF tăng trưởng 50% nguồn thu mỗi năm. Giải pháp là lôi kéo các doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn lớn của nước ngoài tài trợ cho bóng đá một cách bền vững. Có nhiều dư địa mà bóng đá Việt Nam vẫn đang bỏ sót.

Chia sẻ với báo giới sau khi trúng cử, ông Kiên tự tin khẳng định VFF sẽ đủ nguồn lực để trả lương cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia mà không cần tới nhà tài trợ. “Tôi không nghĩ rằng cứ thay huấn luyện viên trưởng là VFF phải cần đến nguồn tiền tài trợ để trả lương. Tôi tự tin việc VFF sẽ trả được lương cho huấn luyện viên trưởng mới và đội ngũ đi cùng, kể cả yêu cầu tài chính từ họ có cao hơn ê‐kíp của HLV Park Hang Seo”, ông Kiên nói.

Ngoài ra, ông Kiên mong muốn trong nhiệm kỳ của mình sẽ tập trung vào các lĩnh vực như nâng cao chuyên môn kĩ thuật thể thao tại Việt Nam, cải tiến cấu trúc của Liên đoàn và câu lạc bộ, hình ảnh giải đấu nhằm thu hút và tăng giá trị bản quyền truyền hình, tăng nguồn thu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Phát triển nền tảng, văn hóa của người hâm mộ, triển khai dự án vườn ươm tài năng bóng đá trẻ Việt Nam tại Đức và tối ưu hóa khai thác giá trị thương hiệu các đội tuyển quốc gia. Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 96 thế giới và 17 ở châu Á. Khoảng cách với top 10 châu Á không quá xa.

Nhưng để chạm đến mục tiêu này và cao hơn nữa là World Cup 2030, đội tuyển Việt Nam cần có thành tích ấn tượng ở sân chơi châu lục. Đó là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho những người lãnh đạo VFF khóa 9, trong đó có bài toán ai thay ông Park và vấn đề tài chính có được thực hiện đúng như cam kết.

Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 9 (nhiệm kỳ 2022 - 2026) đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới bao gồm 17 nhân sự, trong đó có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 13 ủy viên.

Ông Trần Quốc Tuấn - Quyền Chủ tịch VFF khóa 8 - đắc cử Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 9.

Ba Phó Chủ tịch VFF khóa 9 là ông Trần Anh Tú (Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn), ông Nguyễn Trung Kiên (Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ), ông Nguyễn Xuân Vũ (Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại).

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/world-cup-cong-than-va-nghin-ty-post616533.html