WTO đồng ý khiếu nại của Nhật Bản về việc Ấn Độ áp đặt tự vệ đối với thép nhập khẩu

Ban hội thẩm của WTO ngày 6/11 công bố một báo cáo cho biết đồng ý phần lớn với khiếu nại của Nhật Bản rằng Ấn Độ đã áp đặt một biện pháp tự vệ không công bằng đối với một số hàng nhập khẩu thép.

Báo cáo cho biết, Ấn Độ đã không thực hiện đầy đủ các điều kiện tiên quyết cần thiết để ban hành các biện pháp tự vệ và phá vỡ các quy tắc của WTO, do đó, kêu gọi nước này sớm khắc phục tình hình. Bất kỳ bên nào cũng có thể kháng cáo phán quyết này của WTO.

Vào tháng 9/2015, Ấn Độ đã ban hành mức thuế khẩn cấp lên tới 20% trên thép cuộn cán nóng được sử dụng để sản xuất ô tô và thiết bị. Điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng cho xuất khẩu của Nhật Bản. Nhật Bản đã yêu cầu một cuộc đối thoại với Ấn Độ nhưng không thể đạt được thỏa thuận. Nhật Bản đã khiếu nại tới WTO vào năm 2016 về biện pháp tự vệ - một mức thuế khẩn cấp mà các thành viên WTO có thể sử dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp của họ chống lại sự đe dọa của sự gia tăng đột ngột và gây thiệt hại cho hàng nhập khẩu. Ấn Độ ấn định mức thuế suất 20% trong năm đầu tiên, giảm dần xuống còn 10% trong sáu tháng cuối năm.

Tokyo đề nghị WTO thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp vào tháng 3/2017. Biện pháp tự vệ đã được dỡ bỏ trong tháng 3 vừa qua, có nghĩa là báo cáo của WTO sẽ có ít tác động trực tiếp đến các công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, hy vọng có thể giúp đảo ngược làn sóng chống lại các chính sách thương mại bảo hộ, đang gia tăng ở Mỹ và trên toàn thế giới. Phán quyết công bố ngày 6/11 cho thấy cơ quan giải quyết tranh chấp WTO phần lớn ủng hộ khiếu nại của Nhật Bản chống lại thuế tự vệ do Ấn Độ áp đặt đối với nhập khẩu thép trong hai năm rưỡi.

Keiji Hattori, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: “Phán quyết của WTO nhấn mạnh rằng, không nên dễ dàng áp đặt các biện pháp tự vệ trừ khi chúng phù hợp với các quy định của WTO”, “trường hợp này sẽ là tiền lệ cho các trường hợp tương tự khác". Việc sử dụng các biện pháp tự vệ phải tuân theo các tiêu chí nghiêm ngặt và WTO cho biết lý do của Ấn Độ không đạt được tiêu chuẩn yêu cầu, hoặc cho thấy có sự gia tăng nhập khẩu thép dựa trên dữ liệu khách quan. Tuy nhiên, Ấn Độ dường như đã tự mở cửa cho một thách thức trong WTO, vì nước này có thể đơn giản đã tăng thuế quan thường xuyên của mình đối với các sản phẩm sắt và thép trong các quy tắc.

Giá trị xuất khẩu thép cuộn cán nóng hàng năm của Nhật Bản được sử dụng trong ô tô, máy móc xây dựng và công nghiệp, đến Ấn Độ đạt 56,84 tỷ yên (502 triệu USD) trong năm 2014. Nhưng con số đã giảm mạnh sau khi Ấn Độ áp đặt thuế đối với một số sản phẩm thép cán nóng trong tháng 9/2015. Quyết định của Ban hội thẩm của WTO phải được thông qua trong vòng 60 ngày, trừ khi một trong hai bên kháng cáo. Nhật Bản là nước sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, luôn phải cố gắng đối phó với các tranh chấp thương mại thông qua đàm phán song phương, nhưng với sự gia tăng các xung đột thương mại toàn cầu, việc bảo vệ một ngành công nghiệp có một nửa lượng sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với nước này.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/wto-dong-y-khieu-nai-cua-nhat-ban-ve-viec-an-do-ap-dat-tu-ve-doi-voi-thep-nhap-khau-111427.html