WTO: Nguy cơ sụp đổ hay cơ hội cải cách?

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang chìm vào cuộc khủng hoảng sau sự sụp đổ của Tòa án phúc thẩm (Cơ quan phúc thẩm WTO) trong tháng này trước áp lực nặng nề từ phía Mỹ.

WTO: Nguy cơ sụp đổ hay cơ hội cải cách? Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

WTO: Nguy cơ sụp đổ hay cơ hội cải cách? Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Được thành lập năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không chỉ là một tổ chức kinh tế đa phương với mục tiêu tự do hóa thương mại mà còn được biết đến như một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả giữa các quốc gia thành viên.
* Đối mặt với khủng hoảng
Tổ chức có trụ sở tại Geneva này đang đối mặt với một khủng hoảng vì Mỹ từ chối cân nhắc những người được chỉ định lấp vào các vị trí còn trống trong Ban hội thẩm gồm 7 người - bộ phận có tiếng nói cuối cùng trong việc giải quyết những tranh chấp thương mại giữa 164 thành viên của tổ chức.
Mỹ thậm chí còn giới hạn các nguồn lực ngân sách cho năm tới chỉ đủ để kéo dài nhiệm kỳ của các thẩm phán hiện tại cho đến khoảng tháng 3/2020. Một số chuyên gia cho rằng vấn đề của WTO hiện còn vượt xa hơn cả cuộc khủng hoảng của Cơ quan phúc thẩm. Các cường quốc phương Tây hiện có nguy cơ chia rẽ thương mại toàn cầu, với việc Mỹ hành động đơn phương và EU tập hợp một số đối tác để bảo vệ một hệ thống WTO khỏi bị phá vỡ.
Việc Mỹ ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán mới đã đẩy WTO vào một tương lai bất định khi Cơ quan phúc thẩm WTO hiện đã có 4 thẩm phán nghỉ hưu và 2 thẩm phán nữa vừa hết nhiệm kỳ vào ngày 9/12, có nghĩa là sẽ chỉ còn 1 thẩm phán. Trong khi đó, quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động.
Chính quyền Mỹ đã liên tiếp khiếu nại về thẩm quyền của Cơ quan phúc thẩm WTO. Kể từ năm 2001, Mỹ - dưới thời các Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump - đã chặn các thẩm phán mới bổ nhiệm khi đến lịch họp thường kỳ để phản đối cách thức làm việc của WTO. Sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, Washington đã gia tăng áp lực bằng cách từ chối các điều khoản gia hạn hai trong số ba thành viên còn lại của Cơ quan phúc thẩm WTO.

Mỹ không hài lòng về cách WTO bị “trói tay” trong việc đối phó với Trung Quốc. Khi Tòa án phúc thẩm WTO ra phán quyết chống lại Mỹ trong một cuộc tranh chấp với Trung Quốc vào tháng Bảy, Mỹ cũng khởi kiện lại phán quyết của WTO đối với các khoản trợ cấp của Trung Quốc. Tổng thống Trump đã và đang theo đuổi các hành động đơn phương với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn khác.
Sự bế tắc giữa Mỹ và các thành viên WTO khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đang làm tê liệt Tòa án hàng đầu thế giới này. EU đã đề xuất tạo ra một tòa án tạm thời, dựa trên các quy tắc của WTO và sự tham gia tự nguyện, để nhân rộng các chức năng của Cơ quan phúc thẩm và ra các quyết định ràng buộc, song Mỹ phản đối động thái này. Châu Âu ủng hộ một tòa án thương mại toàn cầu, trong khi Washington muốn có cơ chế trọng tài đặc biệt cho mỗi tranh chấp.
Ngoại trưởng các nước châu Á và châu Âu khi kết thúc cuộc họp thường kỳ hai năm một lần vào ngày 16/12 đã nhấn mạnh sự cấp bách phải vượt qua thế bế tắc trong việc bổ nhiệm các thành viên của cơ quan có quyền phúc thẩm này, khởi xướng quá trình lựa chọn ngay lập tức cũng như đảm bảo chức năng thích hợp của hệ thống giải quyết tranh chấp này.
Đây không phải là lần đầu tiên WTO phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn như vậy. Cách đây 20 năm, tổ chức đa phương này đã phải đối mặt với sự phản đối gia tăng và các cuộc biểu tình khắp nơi về những lo ngại toàn cầu về tự do hóa kinh tế và những tác động xấu của toàn cầu hóa.
Các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa đã đạt đến đỉnh điểm tại hội nghị WTO ở Seattle, Mỹ, vào tháng 11/1999, dẫn đến thất bại trong việc phát động Vòng đàm phán thương mại Thiên niên kỷ. Đây là cú đòn nghiêm trọng đầu tiên đối với tổ chức hiện có 164 thành viên này và có lẽ sẽ không bao giờ WTO có thể khởi động một chương trình tự do hóa thị trường rộng lớn như vậy.
Kể từ đó đã có sự phổ biến của các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia riêng lẻ hoặc các nhóm quốc gia. Những thỏa thuận như vậy ngày càng tính đến các mối quan tâm xã hội và môi trường như thể hiện trong thỏa thuận sửa đổi giữa Mỹ, Canada và Mexico. Một ví dụ khác là các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia Mỹ Latinh Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) và EU, hoặc Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Thụy Sĩ.
Hy vọng về giải pháp
Tổng Giám đốc WTO ông Roberto Azevedo tuyên bố sẽ tìm ra giải pháp, nhưng các nhà quan sát lo lắng về tác động đối với chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu.
Giáo sư Joost Pauwelyn thuộc Viện nghiên cứu sau đại học cho biết có khoảng 50 tranh chấp nổi bật trước Tòa án phúc thẩm cùng với những căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và EU.
EU đã gọi việc "niêm phong" Tòa án phúc thẩm là "một đòn rất nghiêm trọng", còn Trung Quốc đang thăm dò khả năng thiết lập một hệ thống trọng tài thay thế. Về phần mình, Thụy Sĩ đang hợp tác với 59 quốc gia có cam kết với "hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc", nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể, nhất là tại hội nghị cấp bộ lần thứ 12 ở Astana, Kazakhstan, vào tháng 6/2020.
Cho dù Mỹ đã dùng các thành viên WTO, những người muốn Cơ quan phúc thẩm này tiếp tục hoạt động làm "con tin", nhưng Giáo sư Pauwelyn vẫn tỏ ra lạc quan. Đó là một đòn bẩy đàm phán mạnh mẽ mà Washington luôn sẵn có để có được những nhượng bộ. Tuy nhiên, trọng lượng kinh tế của Mỹ hiện ít hơn so với những năm 1990. Do đó, lợi ích của Washington vẫn cần có một hệ thống cho phép đạt được các thỏa thuận với Trung Quốc, EU hoặc Ấn Độ.
20 năm trước, các vấn đề môi trường và xã hội cũng là một mối quan tâm chính. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng phát biểu rằng cần phải xây dựng một hệ thống thương mại cho Thế kỷ 21, nhằm tôn vinh các giá trị, phải làm nhiều hơn để đảm bảo rằng nền kinh tế mới nâng cao mức sống trên toàn thế giới và cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ giữa các quốc gia cũng phải tính đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và tiêu chuẩn lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn rất ít cơ hội để những ý tưởng cao cả như vậy sẽ trở thành hiện thực. Ngày nay, viễn cảnh đã thay đổi về cơ bản với sự trỗi dậy của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, vốn được hưởng lợi rất nhiều kể từ khi gia nhập WTO. Do đó, nhu cầu cải cách WTO ngày càng trở nên cấp thiết để cho phép tổ chức này vẫn là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương.
Giáo sư Pauwelyn nhận xét: "Cần một cuộc khủng hoảng sâu sắc để có thể thực hiện các cải cách cơ bản"./.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/wto-nguy-co-sup-do-hay-co-hoi-cai-cach-/142973.html