WTO: Tăng trưởng toàn cầu phụ thuộc quyết sách hôm nay

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 8-4 dự báo thương mại hàng hóa trong năm nay sẽ giảm mạnh hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm, song cho biết nếu các nước phối hợp với nhau, thương mại sẽ phục hồi vào năm 2021 khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Đoàn kết trong nguy nan

Theo WTO, thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay. Khoảng dao động lớn này là do có quá nhiều tác động của khủng hoảng y tế đối với nền kinh tế vẫn chưa thể xác định chắc chắn.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo dự báo: “Sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ là hoàn toàn có thể. Các quyết định đưa ra hiện nay sẽ định hình tương lai phục hồi và các triển vọng tăng trưởng toàn cầu”. Theo ông Azevedo, các thị trường cần được mở cửa và dễ dự đoán vì điều này rất quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư. Ông Azevedo khẳng định, nếu các nước phối hợp với nhau thì sự phục hồi sẽ nhanh hơn so với từng nước hành động riêng lẻ. WTO dự báo năm 2021, trao đổi hàng hóa toàn cầu sẽ tăng mạnh, từ 21% đến 24% tùy thuộc thời gian dịch bệnh hoành hành và mức độ hiệu quả của các chính sách ứng phó.

Trước đó, WTO công bố báo cáo về giao dịch thương mại của các sản phẩm y tế thiết yếu được sử dụng trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Các sản phẩm y tế hiện được coi là thiết yếu và đang bị thiếu hụt trầm trọng trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, bao gồm máy chụp cắt lớp vi tính, chất khử trùng/sản phẩm khử trùng, khẩu trang, găng tay, xà phòng rửa tay và chất khử trùng, máy theo dõi bệnh nhân và đo oxy, kính bảo vệ và tấm che, máy tiệt trùng, ống tiêm, nhiệt kế, thiết bị quét siêu âm, máy thở, mặt nạ dưỡng khí, thiết bị X-quang và các thiết bị y tế khác. Hoạt động thương mại liên quan những sản phẩm này ước đạt khoảng 597 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 1,7% tổng giao dịch hàng hóa thế giới.

Cần thêm biện pháp cứu nguy

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần nhanh chóng sử dụng Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) để giải quyết khủng hoảng hiện nay. Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp nội các ở Paris, ông Le Maire lập luận: “ESM được tạo ra nhằm xử lý khủng hoảng và chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. ESM cần được sử dụng mà không đòi hỏi thêm điều kiện nào”. Bộ trưởng Le Maire cho biết thêm rằng, những người đồng cấp của ông tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa nhất trí về gói giải cứu chống dịch, đồng thời bày tỏ hy vọng Eurozone sẽ vượt qua sự khác biệt này trong cuộc họp cuối cùng (dự kiến diễn ra ngày 10-4).

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết muốn nối lại hoạt động của nền kinh tế Mỹ một cách thật ngoạn mục nhưng nhấn mạnh trước khi việc này có thể diễn ra, nhiệm vụ hàng đầu của nước này là giảm mạnh số ca tử vong do Covid-19. Ông Donald Trump không đưa ra khung thời gian cụ thể nào cho việc nối lại các hoạt động kinh tế, song cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết có thể trong 4-8 tuần nữa.

Trong khi đó, ngày 9-4, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây được xem là bước đi mang tính đột phá nhất của FED nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại.

Gói biện pháp này được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các bang đang chịu thiệt hại nặng nề do phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ. Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD, đồng thời sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế.

Tại Canada, 6 ngân hàng lớn đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như hạ lãi suất đối với thẻ tín dụng cá nhân, cho phép hoãn thanh toán các khoản vay thế chấp... Theo Giám đốc điều hành Ngân hàng Hoàng gia Canada Dave McKay, các chương trình tài chính mới là chìa khóa để hỗ trợ nền kinh tế không đi chệch đường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Việt Nam trên Twitter ngày 9-4

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Việt Nam trên Twitter ngày 9-4

Sáng 9-4 (giờ Việt Nam), trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao hợp tác y tế với Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19. Tổng thống Donald Trump thông báo 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế được vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam đã tới thành phố Dallas, bang Texas của Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Điều này có được nhờ các đối tác là hai công ty lớn - DuPont và FedEx - cùng những người bạn ở

Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”.

Trước đó, truyền thông Đức và châu Âu đánh giá cao việc Việt Nam tặng khẩu trang cho các nước châu Âu chống dịch Covid-19. Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cũng gửi lời cảm ơn vì nghĩa cử này của Việt Nam. Báo Làn sóng Đức (DW) cho biết Chính phủ Việt Nam đã tặng 550.000 khẩu trang kháng khuẩn cho 5 nước châu Âu, gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Cùng ngày, kênh truyền thông Euronews của châu Âu đưa tin, ngoài 5 nước châu Âu kể trên, Việt Nam cũng tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước Campuchia, Lào và Trung Quốc để chống dịch. Việc Việt Nam hỗ trợ, cung cấp một phần các sản phẩm phòng chống dịch thể hiện tinh thần tương trợ của Việt Nam với các nước đối tác, trong đó có Mỹ. Đây cũng là sự tham gia, đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch Covid-19.

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/wto-tang-truong-toan-cau-phu-thuoc-quyet-sach-hom-nay-656252.html