WWF hoan nghênh Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã

Ngày 24/7, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) hoan nghênh Chỉ thị số 29/CT-TTg mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ là một hành động rất kịp thời, thể hiện quyết tâm cải thiện các quy định về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. (Nguồn: Kiemsat)

Đây là một trong những nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn một đại dịch tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai, cứu lấy các loài động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng tại Việt Nam và cải thiện hình ảnh của quốc gia trong vấn đề kiểm soát buôn bán động vật hoang dã.

Kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật; lên kế hoạch tiêu hủy các tang vật ngà voi và sừng tê giác hiện đang lưu trữ trong kho; kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn ĐVHD nuôi nhốt, trong đó có nuôi nhốt hổ; tạm dừng nhập khẩu ĐVHD; rà soát hệ thống văn bản pháp luật để tăng cường xử phạt hành vi tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật; và nghiêm cấm người dân, đặc biệt là các cán bộ nhà nước và thân nhân của họ, tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD, là một số điểm đáng chú ý của Chỉ thị. Nếu được thực thi quyết liệt, những điểm mới của Chỉ thị có thể tạo nên bước ngoặt lớn trong công tác bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia của WWF tại Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh các quốc gia khác trên thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và những bệnh bắt nguồn từ động vật hoang dã khác, Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ là một hành động rất kịp thời, thể hiện quyết tâm cải thiện các quy định về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Việc ban hành chỉ thị cũng cho thấy sự quyết liệt của chính phủ trong xử lý kho lưu trữ tang vật các loài hoang dã thuộc danh mục của Công ước CITES, bao gồm ngà voi và sừng tê giác. WWF sẵn sàng góp sức và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực thi Chỉ thị này với mọi khả năng có thể.”

Buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã có nguy cơ cao đã được xác định là một trong những nguyên nhân lớn nhất về môi trường làm phát sinh các bệnh liên quan đến động vật. Chính vì vậy, Chỉ thị là biện pháp ứng phó kịp thời của Thủ tướng Chính phủ trước đe dọa về một đại dịch tiếp theo có thể xảy ra nếu như không có những hành động cấp bách để giải quyết các yếu tố môi trường gây ra dịch bệnh. Đây có thể coi là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc giảm các mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng cũng như đảm bảo tương lai cho nhiều loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng, bởi nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tổng giám đốc WWF Quốc tế Marco Lambertini cũng nói rằng: “Chúng ta phải khẩn trương thừa nhận mối liên hệ giữa việc tàn phá thiên nhiên với sức khỏe của loài người, nếu không, chúng ta sẽ rất sớm phải đối mặt với một đại dịch tiếp theo.

WWF hoan nghênh một loạt các biện pháp được các chính phủ áp dụng để loại bỏ các thị trường buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao. Sự đoàn kết toàn cầu khẩn cấp sẽ là bước đi quan trọng đầu tiên để kiểm soát nguy cơ bùng phát đại dịch bắt nguồn từ động vật trong tương lai, bảo vệ các loài hoang dã và bảo đảm chất lượng cuộc sống của mọi người. Khai thác thiên nhiên không bền vững đã trở thành một mối đe dọa lớn đối với tất cả chúng ta".

Những điểm nổi bật chính của Chỉ thị số 29/CT-TTg:

Tạm dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh);

Rà soát hệ thống văn bản pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật;

Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật, đặc biệt những nơi buôn bán ĐVHD thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên;

Lên kế hoạch xử lý các kho lữu trữ tang vật sừng tê giác và ngà voi, trong đó đề xuất tiêu hủy toàn bộ các tang vật này;

Tổ chức thẩm định, kiểm tra, quản lý trên diện rộng các trang trại nuôi nhốt ĐVHD bao gồm các trại hổ;

Nghiêm cấm toàn dân hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, giết mổ, săn bắt, chế biến và quảng cáo sản phẩm ĐVHD trái pháp luật, đặc biệt là các cán bộ nhà nước và người thân của họ;

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan điều tra đẩy mạnh công tác điều tra tội phạm về ĐVHD; tăng cường xét xử lưu động;

Bộ Y tế rà soát và quản lý các cơ sở kinh doanh dược liệu có sử dụng thành phần từ ĐVHD, đảm bảo chỉ sử dụng ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp trong lĩnh vực y, dược;

Cải thiện việc thực thi pháp luật tại các chợ buôn bán ĐVHD và tại khu vực biên giới; nâng cao nhận thức cho cộng đồng vùng biên về lệnh cấm buôn bán, săn bắt và gây nuôi ĐVHD trái phép;

T.T

(theo WWF tại Việt Nam)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/wwf-hoan-nghenh-chi-thi-moi-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-giai-quyet-nan-buon-ban-trai-phep-dong-vat-hoang-da-120050.html