Xã cấm bán thịt lợn, cả trăm tiểu thương không yên

Để chống dịch tả lợn Châu Phi, một xã ở Thanh Hóa đã ra thông báo cấm các tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ. Sự việc trên đã khiến hơn 100 tiểu thương điêu đứng.

Theo đó, UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã gửi thông báo số 90/TB-UBND, đến các tiểu thương và trưởng thôn trên địa bàn về việc chống dịch tả lợn Châu Phi.

Hơn 100 sạp bán thịt lợn tại chợ Thiều (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), tạm dừng hoạt động.

Hơn 100 sạp bán thịt lợn tại chợ Thiều (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), tạm dừng hoạt động.

Theo thông báo, địa phương nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều) ra vào địa bàn của xã, thời gian bắt đầu từ ngày 16.5.

Đối với các hộ giết mổ lợn, kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16.5, để chờ đến khi huyện công bố hết dịch.

Ngoài ra, thông báo cũng nêu, nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi thông báo trên được ban hành, hơn 100 tiểu thương tại khu chợ Thiều đã bức xúc phản ứng. Theo các tiểu thương, việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn có dịch là đúng. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi không phải là cấm mua bán thịt lợn.

Gần 10 ngày sau khi xã thông báo cấm bán thịt lợn, các sạp bán thịt tại đây hầu như trắng trơn.

“Đã gần 10 ngày nay, xã cấm giết, mổ và kinh doanh thịt lợn khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Đành rằng, những đàn lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, những con lợn không mắc bệnh thì phải cho người dân bán, chế biến nhưng xã cấm tiệt” - một tiểu thương bức xúc.

Ông Đoàn Quang Chinh (người quản lý chợ Thiều, xã Dân Lý) cho biết, toàn khu chợ Thiều có 120 sạp buôn bán thịt lợn, trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ hơn 1,5 tấn thịt lợn. Việc dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, khiến các hộ kinh doanh thịt lợn tại đây trở nên rất khó khăn.

“Từ trước tới nay, chợ Thiều được xem là chợ có độ an toàn thực phẩm cao, khi các loại hàng hóa vào chợ được truy xét nguồn gốc kỹ. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, khi nhập vào chợ đều phải xem kỹ nguồn gốc, lợn có bệnh gì không và phải được đóng dấu an toàn” - ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, hiện các hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Thiều phải dừng hoạt động từ ngày 16.5, việc này, khiến bà con tiểu thương tại đây phản ứng và mong muốn nhanh chóng được kinh doanh trở lại.

Quách Du

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/xa-cam-ban-thit-lon-ca-tram-tieu-thuong-khong-yen-735494.ldo