Xã chi cả trăm triệu đồng để giữ rừng nhưng mất rừng không biết

Hàng năm UBND xã chi khoảng 100 triệu đồng cho các nhóm đi tuần tra, bảo vệ rừng nhưng đến khi rừng bị chặt phá, các nhóm này vẫn báo cáo không phát hiện rừng bị xâm hại.

Liên quan đến vụ phá rừng ở quả đồi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 như Dân Việt đã thông tin trước đó, ngày 7.5 trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch thị xã Ayun Pa cho biết: “Tuần này chúng tôi sẽ nắm lại số lượng gỗ vì ngày 6.5 bên hạt kiểm lâm vận chuyển từ rừng về, đang xem bên hạt vận chuyển như thế nào và nắm lại chính xác số lượng. Trước mắt, chúng tôi đang làm hồ sơ để khởi tố vụ án, sau khi có kết quả điều tra sẽ quy trách nhiệm rõ ràng từng người, từng tổ, từng cá nhân, từng tổ chức... vì đã để mất rừng trong khu vực mình quản lý”.

Như Dân Việt đã thông tin, những ngày cuối tháng 4, nhiều chiếc xe độ chế nối đuôi nhau “cày nát” quả đồi Chư Jú (xã Ia Sao), “lâm tặc” ngang nhiên mở “công trường” để "xẻ thịt” hàng chục cây gỗ khủng.

Gỗ vẫn bị "xẻ thịt", còn các nhóm tuần tra, bảo vệ rừng không hay biết.

Được biết, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của xã Ia Sao là hơn 4.800ha tại các tiểu khu 1289, 1291, 1293, 1294, 1295, 1296, 1297, 1298. Để giữ rừng, xã đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, có 4 tổ cơ động luân phiên tuần tra, ngoài ra còn phải tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy. Mỗi năm xã chi khoảng 100 triệu đồng trong tổng số 318 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng cho các nhóm bảo vệ rừng hoạt động.

Xẻ gỗ ngay tại rừng.

Tuy nhiên các nhóm bảo vệ rừng đã không phát hiện, báo cáo tình trạng rừng bị phá. Ngay sau khi báo Dân Việt phản ánh về tình trạng phá rừng tại quả đồi Chư Jú (thuộc xã Ia Sao), ngày 4.5 ông Lê Xuân Hải - Chủ tịch UBND xã Ia Sao cho biết: "Trong các buổi họp giao ban hàng tuần, các nhóm bảo vệ rừng đều báo cáo vẫn tuần tra thường xuyên, không phát hiện rừng bị xâm hại".

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ, cắt khúc.

Trên thực tế, con đường lên núi đã được mở rộng khoảng 5m, dọc đường có 4 bãi tập kết gỗ. Trong đó 2 bãi có gần 30 lóng gỗ xẻ hộp, những bãi còn lại gỗ đã được xẻ và vận chuyển đi. Vào sâu bên trong, những cây gỗ đường kính 50 - 60cm vừa mới đốn hạ nằm ngổn ngang chờ đưa ra điểm tập kết để xẻ.

Không chỉ bị lâm tặc "xẻ thịt" những cây gỗ khủng, nhiều diện tích rừng ở xã Ia Sao còn bị phá làm nương rẫy.

“Vụ việc vừa qua, vì lực lượng còn mỏng, thời gian đó chúng tôi cũng đang tập trung hết lực lượng cho việc đo đạc bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân công tác bảo vệ rừng nên không quán xuyến được hết. Sau khi có thông tin rừng bị phá, chúng tôi đã cử Công an xã vào phối hợp cùng lực lượng chức năng để nắm tình hình diện tích rừng bị phá…”, ông Hải cho biết thêm.

Những cây gỗ bị đốn hạ chưa kịp đưa ra điểm tập kết.

Trần Hiền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/xa-chi-ca-tram-trieu-dong-de-giu-rung-nhung-mat-rung-khong-biet-873241.html