Xa cố hương

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

Chị đứng lóng ngóng ở bến sông này từ sáng tinh mơ đến khi chủ đò thức dậy, vừa đi vừa dụi mắt khiên cưỡng đưa người khách lạ qua sông. Quãng sông này vẫn chưa có cầu, vì sông rộng, vì xóm xa xôi.

Con Mừng chèo đò! Chị nhận ra ngay bởi khuôn mặt có hai lưỡng quyền nhô ra, đôi môi mỏng và hai mắt xếch lên, nhưng duyên. Mà không phải, Mừng nhỏ hơn chị có vài tuổi. Mà chị đầu hai màu tóc, thì Mừng đâu thể trẻ hoài như vậy được? Con nhỏ lí nhí nói, Mừng là má con, con tên Vui. Hóa ra Mừng đã có chồng, sinh con, con gái lại nối nghiệp đưa đò, quen nước quen cái, quen với mái chèo trên dòng sông rộng này.

Đò con Vui cập bến, chị trả tiền, nhưng Vui lắc đầu, nói cô là bạn của mẹ con thì con không lấy tiền. Chị cười biểu Vui cất tiền, người quen thì phải trả nhiều hơn chứ. Vui đưa hai tay lấy tiền, cho đò ra khỏi bến. Nó còn nói vống lại, chừng nào rảnh cô qua nhà con chơi, má Mừng biết cô về xóm chắc má vui dữ lắm.

Lâu lắm rồi chị không trở lại xóm. Tất cả vẫn như thời xưa cũ, từ bờ sông, con đường, những nếp nhà và cây còng chắn ngang đường đi, người xóm phải mở thêm con đường vòng quanh gốc còng cổ thụ vì không muốn cưa bỏ cây. Chỉ khác là không ai nhận ra chị, chị cũng chẳng nhận ra được mấy ai. Lứa con gái trạc tuổi chị, lứa em út của chị trong xóm này giờ đã lập gia đình, chắc cũng như con Mừng, đã có con cái đuề huề. Nghe tiếng trống trường, lòng chị rộn rã. Xóm đã có trường để tụi nhỏ không phải nghỉ học sớm lao vào cuộc mưu sinh. Có trường để dạy dỗ đám trẻ con thành người có thể gánh vác bản thân và gia đình.

Chị dừng lại trước căn nhà có giàn sử quân tử. Chị về lúc bông đương độ xum xuê, dưới ánh nắng long lanh, từng chùm bông thơm bát ngát. Chị nhận ra nhà cũng bởi giàn sử quân tử bao nhiêu năm cứ sinh sôi, nảy nở, trải biết bao mùa bông… Cuối cùng cũng đợi được ngày chị trở về. Ngôi nhà thương quen chị gắn bó một phần của cuộc đời giờ đã được xây lại: nhà tường, cửa kính, con đường lát gạch men từ cổng hoa sử quân tử vào trong nhà sạch sẽ, thoáng đãng. Chị đứng lặng hồi tưởng về ngôi nhà gỗ, bên hông nhà có bụi dong riềng xanh mượt ngày trước. Lòng chị bồi hồi, tựa như chị đang đứng giữa chiếc cầu mà một bên là quá khứ, một bên là hiện tại, cách nhau có một dòng sông mà tưởng chừng xa xôi vạn dặm, lâu lắc đến nỗi mấy chục năm chị mới có dịp trở về gặp lại cố nhân.

Một người phụ nữ từ trong nhà bước ra, tay cầm giỏ đệm chắc chuẩn bị đi chợ, thấy chị thì khựng lại, dụi mắt rồi bật thốt:

- Chị Hai… đúng là chị rồi! Mình ơi… sắp nhỏ ơi… ra coi chị Hai về!

Đó là vợ chú Ba. Thím vẫn trẻ lắm, mái tóc đen dày búi sau gáy. Nghe tiếng gọi, đám trẻ từ trong nhà chạy ùa ra. Nhận ra chị, Hai Dũng, Út Tuyền hồi xưa hay quấn quít bên chị, nay đã lớn, vẫn sụt sùi chạy đến, mỗi đứa một bên ôm lấy cánh tay chị. Thằng cu Tí nhỏ xíu, mắt tròn xoe nhìn, nó quá nhỏ để hiểu cuộc tương ngộ trùng phùng giữa những người đã từng gắn bó, đã từng cách xa nhau. Thím Ba cúi xuống bồng thằng nhỏ, mắt ngấn nước:

- Con thằng Hai Dũng đó chị Hai. Mấy chục năm rồi chị Hai đi biệt, vợ chồng em với sắp nhỏ nhớ chị quá chừng. Chị vô trong nhà, anh Ba ảnh đi dỡ mẻ lưới khúc sông đằng kia, xíu nữa về.

- Nhà đẹp quá thím Ba à. Thấy nhà được chú thím xây lại, chị mừng lắm.

- Chị Hai à, đất này là đất hương hỏa, nhà này cũng là nhà của chị Hai nữa.

Chị mỉm cười, nói:

- Chị vô nhà ôm má một cái trước mới được...

Thím Ba với mấy đứa nhỏ nín thinh. Út Tuyền dường như sắp khóc:

- Bà nội mất mấy năm rồi bác Hai ơi! Mộ bà nội nằm kế mộ ông và mộ bác Hai, ngoài bờ cỏ xanh kia kìa…

Chị thấy tim mình se lại. Dường như có một lỗ hổng khó lấp đầy trong lòng. Cố hương vẫn vậy, chỉ có cố nhân là vơi đi ít nhiều. Chị không nói nữa, bước vào trong nhà, thím Ba với sắp nhỏ theo sau. Hai Dũng bồng con. Chị đến bàn thờ giữa nhà, trên bàn có di ảnh của ba má chồng chị. Chị lấy mấy cây nhang, đốt lên, chắp tay khấn: "Má ơi, ba ơi, con dâu về thăm ba má rồi đây nè". Rồi chị khẽ khàng nhìn sang bên trái, là bàn thờ của Hiệp, chồng chị. Chị nhẹ nhàng sờ lên di ảnh, cảm giác như đang sờ lên khuôn mặt của chồng. Người chồng sống với chị không được bao lâu, nhưng thương chị hết mực. Một buổi chiều tháng sáu, chú Ba phát hiện anh bị rắn độc cắn chết ngoài bờ ruộng. Ngày chôn anh, mưa dầm sùi sụt. Chị vừa đỡ má, vừa gượng bước đi trên con đường xanh cỏ từ nhà ra tận nơi chôn cất anh. Anh đi rồi, nhưng chị tưởng như anh vẫn ở hoài bên chị, dõi theo chị qua bao hạnh phúc, khổ đau.

Anh mất, chị không đành lòng đi thêm bước nữa dù thanh xuân vẫn còn. Má nói, thôi hay là con về nhà má ruột con, rồi tìm một người lo cho con, con còn trẻ... Chị nhứt quyết không chịu. Chị nói hồi đó má cầm trầu cau hỏi cưới con về làm vợ anh, làm dâu má, thì con sẽ ở đây chăm lo cho má, má thương con như con đẻ thì sao con nỡ bỏ má cho đành. Chừng nào chú Ba lấy vợ, sinh con… thì lúc đó con mới đi tìm cuộc sống riêng cho mình…

Nghe chị nói vậy, lòng dạ nào mà má chồng để chị đi cho đặng. Chị với má chồng hủ hỉ với nhau, nhờ có chị mà má vơi đi phần nào nỗi đau mất con. Rồi chú Ba cưới vợ, vợ chú hiền lành, nết na, nhu mì. Thím Ba sinh con. Chị phụ thím ẵm bồng đứa nhỏ, riết cũng mến tay mến chân. Chị cứ nói hoài, phải chi hồi đó chị sớm sinh con cho anh thì giọt máu của anh đã ở lại với đời. Má khuyên chị, mọi chuyện đều do ông trời định đoạt cả, số phần đã vậy thì biết cãi sao cho đặng.

Quả thật số phần đã không cho chị ở bên má đến cùng. Người xóm này dù hiền lành chất phát, nhưng cũng có vài kẻ độc miệng bàn tán chuyện nhà người. Trong lần đám giỗ anh, chị tình cờ nghe cô Hai của anh nói riêng với má: "Vợ thằng Hiệp không thể ở đây hoài thím à. Trong xóm có người nói vô nói ra, nói chắc là nó ở hoài vì phần hương hỏa. Mà vợ thằng Hiệp không con, có máu mủ gì với nhà mình đâu. Nó ở đây chung đụng với vợ chồng thằng Ba cũng kỳ...". Nghe tới đó, chị khóc ròng, rồi trong lúc nóng giận với miệng lưỡi người đời, chị đã làm lớn chuyện, thưa với người lớn trong nhà rằng chị sẽ rời đi và không về đây nữa...

***

Bữa cơm đầu tiên sau mấy mươi năm xa những người thân thương của chị diễn ra ấm nồng, sung túc. Chị ngồi bên cạnh chú thím Ba hàn huyên chuyện cũ, hỏi chuyện lúa má, đồng áng, chuyện xóm mình, hỏi vợ chồng Hai Dũng có định sinh thêm đứa nhỏ nữa hay không, lại nói Út Tuyền chừng nào có chồng nhứt định phải cho bác Hai hay, bác Hai tặng quà to. Con nhỏ ngượng nghịu đỏ cả đôi gò má.

Chú Ba gắp khứa cá to, dẻ ra, một nửa cho chị, một nửa cho thím Ba. Chú hỏi:

- Chị Hai về chuyến này ở lại lâu lâu rồi hẳn đi! Tụi em với sắp nhỏ nhớ chị mấy mươi năm. Anh Hai với ba má cũng không còn. Chúng em chỉ còn mỗi mình chị.

Chị và cơm vào miệng, miếng cá mè ngon sao chị thấy cổ mình nghèn nghẹn. Chị nuốt vào mà thương trào nước mắt. Chị khẽ khàng:

- Ừ, chuyến này chị ở lại năm bảy bữa rồi đi. Ở bển còn nhiều việc lắm. Vài tháng nữa nhà cửa ổn ổn, chị về đây ở hẳn một tháng chơi với hai em, với các cháu của chị.

Bữa cơm rộn rã. Hình như sau bao nhiêu năm xa cách, chị Hai về mang theo một nguồn vui mới trong ngôi nhà này. Chị cứ cảm giác Hiệp và ba má ở quanh đâu đây, đang ngồi trên vạc, hay ngồi ngoài thềm ba gỡ tóc trắng xóa bay bay mấy cọng ra ngoài sân.

Vợ chồng thím Ba, Hai Dũng với Út Tuyền đưa chị ra bến đò. Sớm mai trong ngần đầy nắng. Đò con Vui đã cập sẵn dưới bến sông. Chú Ba nắm tay cho chị Hai bước xuống cẩn thận. Sông lặng sóng. Sông dài như cuộc đời mà con nước vơi rồi lại đầy, như lòng người. Chị nói:

- Chú thím với mấy đưa ở lại, chị đi.

Chị cười mà sao lòng nghẹn đắng. Xa cố hương, xa cố nhân vốn là nỗi buồn khôn nguôi.

Chiếc đò đã cập bến bên này, ngoái lại, chị vẫn thấy bóng những người yêu thương và xóm nhỏ yên bình vẫn còn nhập nhòe trong nắng mai. Quê và người hiền lành như cỏ biếc…

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/xa-co-huong-a114521.html