Xã hội đen kéo 10 người đi đòi nợ, đánh 6 người nhập viện

Giữa đêm, nhóm giang hồ hơn 10 người kéo đến đòi nợ nhưng con nợ không có ở nhà. Tưởng chúng sẽ bỏ đi ai ngờ, các đối tượng hung hãn lao vào đánh, khiến 6 người trong gia đình nạn nhân bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Muốn bình an phải... trả tiền ngay

Ngày 13/9, trung tá Lê Xuân Chiến - Trưởng Công an phường Trần Quang Diệu (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho hay, đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ ẩu đả tại gia đình bà Nguyễn Thị Ty (44 tuổi, ngụ tổ 4, khu vực 8) lên Công an TP.Quy Nhơn để tiếp tục điều tra, xử lý.

Nạn nhân Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: báo Pháp luật TPHCM)

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hạt (62 tuổi, anh ruột bà Ty), khoảng 19h ngày 10/9, lúc ông đang ở nhà thì nghe tin nhà em gái ở kế bên có đông người tụ tập bao vây, ông Hạt liền chạy qua xem tình hình.

Tại đây, ông chứng kiến nhóm người đang vây nhà em gái mình gồm 2 phụ nữ và hơn 10 thanh niên xăm trổ, mặt mày bặm trợn. Ngay sau đó, người thân trong gia đình ở gần đó nghe chuyện cũng tập trung đến nhà bà Ty.

Ông Hạt kể: “Nhóm giang hồ bảo là đến đòi nợ và có đưa ra giấy biên nhận nợ có chữ ký của em tôi. Lúc đó không có em gái tôi ở nhà nên tôi bảo cứ bình tĩnh chờ em tôi về rồi giải quyết. Tuy nhiên chúng vẫn làm căng, yêu cầu phải trả tiền ngay.

Khi nhóm giang hồ hung hăng quá, tôi nói mời công an phường đến giải quyết thì chúng ép tôi vào góc nhà đánh. Thấy vậy, người nhà tôi mới xông vào đánh lại và bị bọn chúng dùng hung khí đánh trọng thương. Sau đó, cả nhóm lên 2 xe ô tô rời khỏi hiện trường”.

Bà Nguyễn Thị Điệp (51 tuổi, chị gái bà Ty) cho biết: “Khi tới nơi tôi có hỏi: Tại sao mấy người tập trung tại đây? Một phụ nữ trả lời là đi đòi nợ và chìa ra giấy biên nhận nợ.

Thấy trong giấy biên nhận nợ có chữ ký của em gái tôi và một người nữa nên tôi hỏi tiếp: Tại sao có chữ ký của 2 người mà lại đòi em gái tôi? Nhóm giang hồ này liền liền la ó, chửi bới. Khi anh Hạt nói mời công an thì chúng xông vào đánh tới tấp”.

Vụ hành hung của nhóm giang hồ khiến 6 người trong gia đình bà Ty bị thương. Trong đó, có 4 người bị thương nặng đang cấp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, gồm: ông Nguyễn Thanh Tùng (57 tuổi, anh trai bà Ty) bị chém ở lưng; anh Nguyễn Thanh Tòng (26 tuổi, con trai ông Tùng) bị nhiều vết chém trên mặt, đầu và chân; ông Nguyễn Hoài Thanh (42 tuổi, em trai bà Ty) bị chấn thương sau gáy và bà Điệp bị chấn thương phần mềm trên người.

Riêng ông Hạt và bà Nguyễn Thị Tâm (47 tuổi, chị gái bà Ty) bị xây xát nhẹ. Ngoài những nạn nhân bị thương, hiện trường vụ việc cho thấy nhiều vật dụng ở nhà bà Ty bị vỡ do nhóm giang hồ trên đập phá.

Theo tìm hiểu của PV, một người phụ nữ trong nhóm giang hồ này là Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ tổ 4, khu vực 5, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn).

Theo bà Ty, khoảng giữa năm 2016, bà đứng tên trong giấy vay bà Thảo với số tiền 1,7 tỷ đồng với vai trò bảo lãnh cho bà Nguyễn Thị Mỹ Sương (ngụ đường Lý Tự Trọng, TP.Quy Nhơn) vay tiền bà Thảo. Không đòi được nợ bà Sương nên bà Thảo nhiều lần dẫn người đến nhà bà để đòi. Bãi bỏ nghị định về kinh doanh đòi nợ có tạo lỗ hổng pháp lý?

Lợi dụng các hình thức kinh doanh hợp pháp, hiện một số công ty đòi nợ thuê, công ty thu nợ, các tiệm kinh doanh cầm đồ… đang hoạt động rất phức tạp thông qua việc che giấu các băng nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, khủng bố tinh thần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

Trước khi công bố dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định này, theo hướng bãi bỏ các điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (đòi nợ thuê).

Xung quanh việc bãi bỏ Nghị định này, một số ý kiến lo ngại về việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ liệu có bị buông lỏng. Trong đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ tác động của việc ban hành Nghị định bãi bỏ Nghị định số 104, tránh tạo lỗ hổng trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với dịch vụ đòi nợ.

Trong khi đó, đa số các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó đều thống nhất ý kiến nên bãi bỏ Nghị định này.

Trong đó, Bộ Công an cho rằng, trong những năm qua, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu phức tạp về ANTT, vì vậy công tác quản lý đối với ngành, nghề này hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Công an nên Bộ này đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định 104.

Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự; giao dịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự, không nhất thiết phải quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ tại một Nghị định riêng

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/xa-hoi-den-keo-10-nguoi-di-doi-no-danh-6-nguoi-nhap-vien-d52907.html