Xã hội hóa bảo tồn di tích - được ít, mất nhiều?

Bên cạnh những thành tựu, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, di sản, danh lam thắng cảnh, cũng bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện được vai trò định hướng, quản lý dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa cao, tình trạng vi phạm trong hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo đã làm sai lệch các yếu tố gốc, thậm chí làm mới di tích.

Di tích bị xâm phạm thành chuyện thường ngày

Chỉ trong 1 năm qua, đã có hàng chục di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị vi phạm nghiêm trọng, thậm chí còn bị san phẳng. Chuyện di tích - di sản bị xâm phạm đã trở nên phổ biến và dường như mọi chế tài chưa đủ để răn đe cũng như chưa có những biện pháp tích cực trong việc khắc phục sự cố xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.

Tam quan mới được xây dựng trước chùa Bổ Đà (Bắc Giang) - Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: L.C

"Trùng tu di tích hay di sản ở những nơi nhạy cảm thì nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình”.

PGS-TS Tống Trung Tín

Mặc dù năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhưng Huế thường xuyên phải đối mặt với nạn xâm hại nghiêm trọng đến vùng “lõi” quần thể di tích. Ngày 21.11.2017, lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ Vua Dục Đức bị kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng. Tiếp sau đó, để phát triển du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 17.000m2 đất cho Công ty THNH Chuỗi Giá Trị khai thác làm bãi đỗ xe tham quan lăng Vua Tự Đức và lăng Vua Đồng Khánh đã và đang gây phương hại không chỉ ở góc độ bảo tồn di tích mà còn dẫn đến những hệ lụy trong các hoạt động văn hóa, du lịch. Cụ thể, trong quá trình san ủi mặt bằng, đơn vị thi công đã san phẳng lăng mộ bà họ Lê - tài nhân của Vua Tự Đức.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thẳng thắn nhìn nhận: “Huế mang trong mình nhiều sứ mệnh lịch sử văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế nên số di sản được chính thức công nhận vẫn còn rất khiêm tốn. Tiếp cận một di tích, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn với một di sản. Tôi cho rằng thái độ và quan điểm của các ngành chức năng khi nhìn nhận về di sản văn hóa có phần cứng nhắc, khi chỉ căn cứ trên phương diện hành chính (xếp hạng) dẫn đến cực đoan”.

Một thông tin cũng đang gây bất bình trong dư luận trên các trang mạng xã hội, nhất là đối với người dân Huế, chính là kế hoạch “hạ giải” để làm mới chùa Từ Hiếu. Chùa Từ Hiếu (hay Tổ đình Từ Hiếu) là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là danh lam có tính văn hóa và lịch sử lâu đời của cố đô Huế. Ngoài ra, nhiều di tích, hiện vật khác thuộc quần thể cố đô Huế như: Lăng Khải Định, trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ... trong nhiều năm qua cũng bị rơi vào tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng.

Mới đây, báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về việc xây cổng tam quan mới ở chùa Bổ Đà hay còn gọi là chùa Quán Âm hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Bức xúc trước sự xuất hiện của cổng tam quan bề thế trước tam bảo, họa sĩ Đăng Kính, người đã có nhiều năm nghiên cứu về đình chùa và là một phật tử khẳng định: “Không có tam quan là điểm riêng đặc biệt của ngôi cổ tự Bổ Đà giờ đã bị cào bằng lẫn với các công trình khác. Nền tảng kiến trúc cũ vốn cũng đã để lại dấu ấn quen thuộc và hài hòa với địa hình nguyên thủy của chùa. Đâu phải các cổ đức tiền bối bỏ tam quan một cách tùy tiện, phải chăng các ngài muốn nói rằng Phật giáo chính là đời thường, là những điều bình dị nhất ở ngay xung quanh chúng ta, ngay trong tâm mỗi chúng ta, là chính chúng ta..., không thể có khoảng cách, ranh giới ngăn ngại nhưng vẫn rất thoát tục tôn nghiêm... Tu bổ trên tinh thần bảo tồn di tích cổ khi bị hư hoại là cần thiết nhưng phá vỡ giá trị lịch sử của di tích thì khó chấp nhận”.

Nan giải bài toán bảo tồn và phát triển

Ngày 19.6.2017, khi thực hiện dự án bãi đỗ xe ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), đơn vị thi công đã san phẳng lăng mộ vợ vua Tự Đức. Trong ảnh: Vị trí cắm cọc chính là huyệt mộ của lăng. Ảnh: A.S

Theo thống kê, hiện tại nước ta có khoảng hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố. Hầu hết các di tích đều có niên đại xây dựng cách đây hàng trăm năm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhiều di tích rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích mất dấu. Việc dành ngân sách tu bổ chỉ ưu tiên đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc những di tích cấp tỉnh và hàng chục ngàn các di tích khác không được tu bổ và chưa được xếp hạng do nguồn kinh phí hạn hẹp.

“Luật Di sản văn hóa” có hiệu lực từ tháng 6.2001 đã thúc đẩy hoạt động xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, làm xâm hại đến di tích. Qua những sự việc kể trên cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc giải quyết hài hòa bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Trao đổi với PGS-TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, ông cho rằng: “Khi trùng tu, tôn tạo di tích, di sản phải nghiên cứu cơ sở pháp lý, các điều luật liên quan đến việc bảo tồn di tích, di sản. Mặc dù về lý lẽ theo thời gian cũng có những thay đổi, bổ sung, nhưng bổ sung như thế nào? Trùng tu di tích hay di sản ở những nơi nhạy cảm thì nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình”.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho rằng: “Giải quyết hài hòa giữa các lợi ích là bài toán khó. Trong từng trường hợp, cần đánh giá, nhận diện giá trị cốt lõi để xác định đối tượng ưu tiên và có biện pháp ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, nguyện vọng của cộng đồng và khả năng thực hiện công tác xã hội hóa”.

Xâm hại di sản là căn bệnh trầm kha

Nhà thơ Võ Quê - người đã dành cả cuộc đời đau đáu với văn hóa và nghệ thuật xứ Huế không khỏi chạnh lòng chia sẻ: “Huế nổi tiếng là thành phố đẹp và thơ nhờ cảnh quan thiên nhiên và những giá trị kiến trúc của triều Nguyễn, kiến trúc của Pháp, được UNESCO đánh giá là “Bài thơ đô thị”. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa không thẩm thấu hết phần tinh hoa, tinh túy, là hồn cốt xứ Huế”.
Câu chuyện xâm hại vùng “lõi” di sản dường như đang trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa. Người ta ngang nhiên thực hiện những gì mà họ muốn với ý nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”. Điều này thực sự không có gì khó hiểu, bởi chỉ có đồng tiền mới làm mờ mắt một số cơ quan chức năng và những người thực thi pháp luật có biểu hiện đồng lõa và hành vi tiếp tay “làm ngơ” trước hành động coi thường luật pháp của một số tổ chức cá nhân, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở những nơi di sản được thế giới công nhận.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/xa-hoi-hoa-bao-ton-di-tich-duoc-it-mat-nhieu-858932.html