Xã hội hóa đào tạo âm nhạc, cửa mở cho các lò luyện chui

Hiện tượng các trung tâm đào tạo âm nhạc, các “lò” luyện âm nhạc phát triển tự phát với một tốc độ khủng khiếp cũng khiến các nhà quản lý, các chuyên gia âm nhạc cảm thấy lo ngại. Nở rộ đào tạo âm nhạc không chuyên: Lộn xộn vì bỏ ngỏ quản lý?

TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về loại hình đào tạo âm nhạc theo phương thức xã hội hóa. Lý giải cho việc này khá đơn giản bởi lẽ nơi đây là “đất sống” của giới showbiz, ca sĩ, nghệ sĩ…

Tại thành phố này, hàng trăm cuộc thi, các sân chơi dành cho các loại hình nghệ thuật ra đời không riêng gì lĩnh vực âm nhạc. Thông qua các chương trình ấy là sự nổi tiếng của các thí sinh đoạt giải. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm đào tạo âm nhạc tại TP Hồ Chí Minh “rộ” lên trong suốt thời gian qua.

Song hiện tượng các trung tâm đào tạo âm nhạc, các “lò” luyện âm nhạc phát triển tự phát với một tốc độ khủng khiếp cũng khiến các nhà quản lý, các chuyên gia âm nhạc cảm thấy lo ngại.

Các cuộc thi tài năng cũng là nguyên nhân rộ “lò” luyện tài năng âm nhạc.

Từ thực trạng trên, vừa qua Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức hội thảo "Xã hội hóa đào tạo âm nhạc". PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và nhiều ý kiến tại hội thảo đều khẳng định: Nếu số lượng các cá nhân, tổ chức dạy nhạc là không thể đếm được thì chất lượng dạy càng là vấn đề hầu như không thể... biết được! Người học đặt lòng tin vào tên tuổi của giảng viên, của sự giới thiệu của người thân và theo... quảng cáo.

Nhiều cơ sở không chỉ dạy nhạc mà còn kiêm luôn việc đào tạo diễn viên, lăng xê thành ca sĩ, nghệ sĩ. Một số người học nôn nóng muốn nổi tiếng nhanh mà không cần rèn luyện nên đã vội vàng theo học các "lò" đào tạo ít chất lượng và gặp phải những chiêu trò lừa gạt.

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn dạy âm nhạc hướng dẫn việc tổ chức dạy âm nhạc của Việt Nam và nước ngoài, phải đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy âm nhạc, quy định về tổ chức dạy âm nhạc, quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân dạy âm nhạc, điều kiện để cá nhân dạy âm nhạc, quy định về vi phạm.

Cá nhân dạy âm nhạc phải có điều kiện về chuyên môn, đó là phải có văn bằng, chứng chỉ âm nhạc đáp ứng yêu cầu giảng dạy do cơ sở đào tạo hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài cấp.

Trường hợp là nghệ nhân không có văn bằng hoặc chứng chỉ âm nhạc phải được Sở VH-TT&DL, Sở VHTT nơi đăng ký thẩm định trình độ. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy âm nhạc phải đảm bảo điều kiện về địa điểm tổ chức âm nhạc phù hợp, có trang thiết bị và nhạc cụ đáp ứng yêu cầu của việc dạy và học âm nhạc...

Hải Âu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/xa-hoi-hoa-dao-tao-am-nhac-cua-mo-cho-cac-lo-luyen-chui-407785/