Xã hội hóa giáo dục phải được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lạm thu

Ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh (áo xanh đứng giữa ) cùng các đại biểu trò chuyện với lãnh đạo trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên.

Cùng đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ GD&ĐT; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Làm việc với Đoàn khảo sát có ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Điện Biên, Phòng GD&ĐT, cán bộ, giáo viên trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên và một số trường học trên địa bàn huyện Điện Biên.

Phát huy hiệu quả giáo dục dân tộc

Tại buổi làm việc, thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. Trong 10 năm qua, đơn vị đã xây dựng và triển khai Kế hoạch giáo dục theo năm học. Kế hoạch thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của nhà trường theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29.

Nhà trường ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng lộ trình, quy định.

Theo thầy Khoa, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên đã có những bước phát triển vượt bậc: Quy mô trường, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Học sinh nhà trường có đủ sức khỏe, tri thức, kỹ năng sống, tự tin bước vào tương lai. Đội ngũ nhân lực của trường cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết tại địa phương.

Với trên 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục dân tộc. Thông qua những hoạt động tập thể, nhà trường tổ chức trò chơi, cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao để tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham quan điểm di tích lịch sử, hoạt động đền ơn đáp nghĩa để giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tính đến nay, 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đã được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số (chủ yếu là tiếng Thái, Mông).

Kết quả giáo dục của nhà trường được thể hiện qua số lượng học sinh sau khi ra trường, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng lên. Trên 60% học sinh của trường thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; hơn 80% học sinh có việc làm ổn định.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh gặp gỡ học sinh trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết tại địa phương. Theo ông Huy, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Điện Biên từng bước được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng cao. Việc đổi mới Chương trình GDPT 2018 được địa phương thực hiện theo đúng lộ trình với nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tế.

Điện Biên là huyện miền núi, biên giới với dân số trên 101 nghìn người. Toàn huyện có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73%. Chính vì vậy, bên cạnh việc dạy văn hóa, việc dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc được quan tâm.

Từ năm học 2012 - 2013, huyện đã tổ chức dạy tiếng Thái ở 6 trường Tiểu học với 23 lớp, 466 học sinh theo Đề án dạy tiếng Thái của tỉnh. Năm học 2021 - 2022, địa phương tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Thái tại 3 trường tiểu học với 210 học sinh và dạy văn hóa Thái tại 4 trường THCS với 247 em tham gia.

Ngành GD&ĐT huyện Điện Biên cũng chỉ đạo giáo viên thường xuyên khai thác nguồn tư liệu bài giảng điện tử dạy tiếng Thái đã được đăng tải trên trang Website của ngành GD&ĐT trong việc triển khai dạy tiếng Thái cho học sinh. Kết quả giáo dục cho thấy phần lớn học sinh tiếp thu bài học khá tốt theo kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Xác định được việc giữ gìn ngôn ngữ chính là giữ gìn linh hồn của dân tộc, học sinh học tập với thái độ tích cực và đạt chuẩn 100%.

Đổi mới phải từ người thầy

Tại buổi làm việc, ông Nông Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng trình bày những khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết và phát triển giáo dục trên địa bàn.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc.

Qua đó, ông Nông Quang Thắng kiến nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến đề xuất tham mưu Chính phủ có chế độ hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên tại các trường có học sinh bán trú nhưng không phải trường bán trú. Cùng với đó, kéo dài thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ cho học sinh tại các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, nhiệm vụ thứ 9 trong Nghị quyết số 29 về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT chưa được triển khai.

Từ thực tế đó, các đại biểu đã đề nghị huyện Điện Biên, trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đưa nhiệm vụ hợp tác quốc tế vào vấn đề hạn chế và cần tìm giải pháp để triển khai nhiệm vụ này phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao kết quả mà huyện Điện Biên, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Nghị quyết sẽ tạo áp lực lớn cho ngành nếu triển khai không bài bản, đồng bộ và không có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị huyện Điện Biên tiếp tục triển khai bài bản việc thực hiện Nghị quyết đến các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục xây dựng đội ngũ “vừa hồng vừa chuyên”, thích ứng hơn trong hội nhập; Nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ. Giáo viên phải phát huy vai trò tiên phong trong ứng xử, giao tiếp, vừa chuẩn về trình độ vừa có kiến thức, kỹ năng và là tấm gương cho đồng nghiệp, học sinh noi theo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục tập trung phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Tạo môi trường, sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh có kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng để học sinh có cơ hội phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng quán triệt việc xã hội hóa giáo dục phải được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lạm thu. Cần phát huy tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo của nhà trường trong việc đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-phai-duoc-quan-ly-chat-che-tranh-tinh-trang-lam-thu-post657307.html