Xã hội hóa hoạt động đăng kiểm: Nhiều lỗ hổng đáng lo ngại

Lĩnh vực đăng kiểm bấy lâu vẫn gây ít nhiều bức xúc cho các chủ phương tiện vì tình trạng 'vòi vĩnh ngầm' vẫn xảy ra. Trong khi đó, kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại 12 địa phương của Bộ GTVT cho thấy còn nhiều lỗ hổng đáng lo ngại.

Lắp camera làm phép?

Bộ GTVT vừa hoàn tất kết luận thanh tra đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 12 tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đắk Lắk…

Theo đó, đợt thanh tra này Bộ GTVT đã kiểm tra 34 trung đăng kiểm với các nội dung như điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của đơn vị đăng kiểm; công tác quản lý, sử dụng, bố trí đăng kiểm viên; thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ (lập hồ sơ phương tiện; kiểm định, đánh giá xe cơ giới; cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định...); công tác nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, cấp giấy chứng nhận cải tạo…

Cần quản lý chặt chẽ hơn khi xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm

Bộ GTVT đánh giá, đây là những khâu dễ phát sinh tiêu cực nhất trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới - lĩnh vực có tác động lớn tới công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tại đợt thanh tra diện rộng này, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều tồn tại ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, 30/34 trung tâm đăng kiểm tuy có lắp camera giám sát hoạt động kiểm định phương tiện, nhưng không bao quát hết các vị trí, công đoạn kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định. Hình ảnh giám sát hoạt động kiểm định phương tiện trên dây chuyền hoặc tại một số công đoạn mờ, không rõ nét.

Dù kết luận thanh tra không chỉ rõ, việc này tác động như thế nào tới kết quả “khám xe”, nhưng qua kiểm tra xác xuất hình ảnh lưu trữ, Bộ GTVT đã phát hiện các trung tâm 4801D, 7902S có một số xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng, nhưng đăng kiểm viên không ghi nhận, truyền kết quả về máy chủ và phụ trách dây chuyền không ghi thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng cho chủ xe theo quy định, mà thực hiện thông báo trực tiếp cho lái xe, chủ xe, không đúng hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ngoài ra, đoàn Thanh tra Bộ GTVT phát hiện các trung tâm: 2101S, 2201S, 2401D, 2601D, 4301S, 4302S, 4701D, 4705D, 7201S, 7901S, 9302D có đăng kiểm viên không thực hiện đúng nội dung, phương pháp kiểm định khi kiểm tra công đoạn 1 hoặc công đoạn 5 đối với một số phương tiện theo quy định.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Bộ GTVT, là do một số trung tâm chưa quan tâm đến công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong hoạt động kiểm định; một số đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập không thực hiện đúng các nội dung, phương pháp kiểm tra phương tiện và các quy định về thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên.

Xã hội hóa đăng kiểm - lợi mà cũng có hại

Để xảy ra tồn tại nêu trên (đặc biệt là các tồn tại về kiểm tra phương tiện của đăng kiểm viên, thực tập kiểm tra phương tiện của đăng kiểm viên thực tập), Bộ GTVT nhận định, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền.

Tại kết luận thanh tra này, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tạm đình chỉ hoạt động 12 đăng kiểm viên do không tuân thủ các quy trình đăng kiểm xe và tạm dừng 2 trung tâm đăng kiểm do có 2 lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục.

Dù thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khá mạnh tay trong việc siết chặt hoạt động đăng kiểm nhưng việc xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm đang là một lỗ hổng khiến ngành này liên tục xuất hiện nhiều tồn tại, vi phạm.

Chính Cục Đăng kiểm cũng liên tục phát hiện các trung tâm đăng kiểm có đăng kiểm viên làm ăn gian dối. Như mới đây, tại Đắc Nông, qua phúc tra, đoàn kiểm tra của Cục Đăng kiểm đã phát hiện nhiều phương tiện bị lỗi phanh, lỗi vô lăng nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn.

Nhiều chuyên gia lo ngại, việc cổ phẩn hóa lĩnh vực đăng kiểm dù có lợi ích là tăng tính cạnh tranh, nhưng sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước lại là lỗ hổng nguy hiểm, "thả nổi" cho các phương tiện không đảm bảo an toàn nhưng vẫn trót lọt đăng kiểm để lưu thông.

Bởi, nói gì thì nói, một doanh nghiệp đầu tư vào bất lĩnh lĩnh vực gì cũng phải đặt lợi nhuận lên đầu tiên, sau mới nói đến các quyền và nghĩa vụ liên quan. Để doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà cố tình làm lơ cho đăng kiểm- một "gác cửa" quan trọng quyết định cho các phương tiện lưu thông thì vô cùng nguy hại.

Điển hình là mới đây, thông tin từ cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, nhiều phương tiện của Công ty TNHH Long Giang (hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách ở Điện Biên) bị đục sửa số khung, số máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng qua đăng kiểm lại không phát hiện. Đây chính là công ty có phương tiện liên tiếp gây tai nạn thảm khốc ở Vĩnh Phúc và Hòa Bình vừa qua.

Vào đầu tháng 4/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phải ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 98-03D Bắc Giang vì cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định cho 5 xe tải ở Lào Cai mà không cần đưa xe đến kiểm định...

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/xa-hoi-hoa-hoat-dong-dang-kiem-nhieu-lo-hong-dang-lo-ngai/825506.antd