Xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích ở Hoành Bồ

Hoành Bồ hiện có 39 di tích, phế tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh, 31 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều di tích đã xuống cấp. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Hoành Bồ đã huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các di tích nhằm phát huy, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa và cũng là đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân trên địa bàn.

Đình Trới, khu 4, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, được tu bổ, nâng cấp vẫn đảm bảo nét thâm nghiêm.

Đình Trới tọa lạc tại khu 4, thị trấn Trới, là ngôi đình thiêng thờ Cao Thái tổ Hoàng đế Lê Lợi và các vị thần Cao Sơn, Quý Minh. Đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2011. Theo lời kể của nhân dân địa phương và những tư liệu còn lưu giữ được thì đình Trới có từ khoảng thế kỷ 19. Đây là nơi tổ chức hội họp bàn việc chung của cộng đồng và nơi thờ tự các bậc Thành Hoàng người có công bảo hộ cuộc sống của nhân dân trong vùng. Tác động của thời gian khiến đình làng bị xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi di tích lịch sử đình Trới với tổng diện tích quy hoạch là 917,37m2, tổng mức đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Hiện đình Trới đã được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm.

Ông Nguyễn Hữu Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trới, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Trới, cho biết: “Tu bổ, tôn tạo lại đình Trới là tâm tư, nguyện vọng của người dân từ nhiều năm nay, nên việc huy động sức dân trong trùng tu, tôn tạo khá dễ dàng. Sau khi xây dựng, đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước của cha ông cho các thế hệ con cháu mai sau. Vừa qua, huyện cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 - đình Trới với tổng diện tích quy hoạch 1.985,26m2, gồm 10 hạng mục: Đình chính (hiện hữu), bình phong, văn chỉ, cổng đình, lò thiêu hương... Hiện thị trấn đã thực hiện công bố, công khai quy hoạch và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng”.

Cùng với đình Trới, thời gian qua, nhiều di tích lịch sử trên địa bàn huyện Hoành Bồ cũng đã được đầu tư tôn tạo, nâng cấp hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Tiêu biểu có thể kể đến như đền thờ Phó Đô ngự sử Anh nghị Đại vương - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ tại xã Lê Lợi được khởi dựng từ thời Lê. Do ngôi đền bị hư hỏng toàn bộ, người dân trong vùng đã xây một gian thờ nhỏ trên nền móng di tích cũ của ngôi đền để duy trì chân hương thờ cúng vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, mùng một. Đến đầu năm 2015, đền thờ Vũ Phi Hổ đã được tu bổ, tôn tạo 13 hạng mục, mức đầu tư là 24,4 tỷ đồng. Hay như chùa Thiên Quýt tại thôn 1, xã Thống Nhất cũng được đầu tư tu bổ trên diện tích 2ha, tổng kinh phí 41,1 tỷ đồng; miếu Bàng Anh (xã Tân Dân); đền Bạch Trạch (xã Thống Nhất); chùa Yên Mỹ (xã Lê Lợi)...

Các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác trùng tu, tôn tạo đền thờ Vũ Phi Hổ được biểu dương, khen thưởng tại Lễ khánh thành đền.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích đã được huyện Hoành Bồ đẩy mạnh triển khai hiệu quả, góp phần khơi thông nội lực trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Đến nay, huyện có trên 60% di tích đã được trùng tu, tôn tạo; 100% kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Việc tu bổ được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, từ việc trình địa phương báo cáo xin chủ trương lập quy hoạch đến các bước lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, công bố công khai quy hoạch, dự án đầu tư và triển khai các hạng mục xây dựng công trình… Các di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nhất là giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoành Bồ, cho biết: Đi đôi với huy động nguồn lực xã hội hóa trong tu bổ, nâng cấp di tích, Hoành Bồ cũng chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua nhiều hoạt động: Lập hồ sơ xếp hạng các di tích; khoanh vùng bảo vệ và trùng tu, khôi phục di tích sau khi khai quật, khảo cổ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức của cộng đồng dân cư, du khách trong việc bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan và môi trường… Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đã được giữ bảo toàn nét truyền thống của di tích; nhiều di tích được đưa vào hành trình khám phá Hoành Bồ của các tuyến, điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn.

Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201810/xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-quang-ninh-xa-hoi-hoa-trung-tu-ton-tao-di-tich-o-hoanh-bo-2403724/