Xã nhổ cây keo của dân khi họ chưa nhận thông báo

Sáng 24-9, sau khi phát hiện tổ công tác UBND xã Tam Xuân 2 (H. Núi Thành, Quảng Nam) tự ý 'bứng gốc' hàng ngàn cây keo của mình tại đồi Núi Tre (thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) hàng chục người dân đã đến ngăn cản. Sau vụ việc, chính quyền xã thừa nhận thiếu sót vì đã gửi thông báo 'nhầm' người.

Sáng 24-9, sau khi phát hiện tổ công tác UBND xã Tam Xuân 2 (H. Núi Thành, Quảng Nam) tự ý “bứng gốc” hàng ngàn cây keo của mình tại đồi Núi Tre (thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) hàng chục người dân đã đến ngăn cản. Sau vụ việc, chính quyền xã thừa nhận thiếu sót vì đã gửi thông báo “nhầm” người.

Người dân bức xúc vì chính quyền xã tự ý nhổ keo khi họ chưa nhận được thông báo.

Theo ghi nhận của P.V vào sáng 24-9, tại đồi Núi Tre, có gần 10 người trong tổ công tác UBND xã Tam Xuân 2 và khoảng 20 người dân “tranh cãi” về việc chính quyền tự ý nhổ cây keo của dân trong khi họ chưa nhận được thông báo gì về sự việc. Tại hiện trường, hàng nghìn cây keo đã bị nhổ lên nằm la liệt. Ông Doãn Bá Ba (41 tuổi, thôn Thạch Kiều) cho biết, khu đất này rộng gần 1ha được ông và những hộ khác khai hoang cách đây hơn 20 năm, đã trồng và khai thác vụ keo thứ 3. Lứa cây keo vừa trồng được 7 tháng, cao tầm 1m. Tuy nhiên, sáng 24-9, ông cùng 3 hộ khác sững sờ phát hiện vườn cây keo của mình bị UBND xã đến “bứng gốc”.

“Sáng nay, tôi đang đi làm thì nhận được tin tổ công tác của xã lên nhổ keo của vườn mình nên lập tức chạy về kiểm tra sự việc. Tôi ước tính vườn nhà mình đã có khoảng 3 ngàn cây keo đã bị “bứng gốc”. Chúng tôi không biết lý do vì sao Ủy ban xã lại “đơn phương” đến nhổ keo của dân, trong khi họ chẳng gửi giấy mời họp, thông báo thu hồi đất hay yêu cầu nhổ cây keo vì lý do gì” - ông Ba bức xúc nói. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đại trồng keo trong diện tích bức xúc. “Nhà nước có thu hồi thì phải họp dân và có phương án đền bù. Nếu người dân không đồng ý, đằng này xã lại tự ý đến nhổ cây của dân. Thấy việc làm của xã Là khuất tất, người dân yêu cầu ngừng ngay công việc. Khi tổ công tác định ra về thì chúng tôi giữ lại để lập biên bản tại hiện trường”.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, là trưởng đoàn tổ công tác đến nhổ keo của người dân cho hay, vào năm 2012, UBND huyện có quyết định phê duyệt tổng thể nông thôn mới, khu đồi keo này được quy hoạch làm khu nghĩa trang nhân dân Núi Tre với diện tích 2ha. Nhưng từ đó đến nay chưa có nguồn kinh phí nên chưa thực hiện được. Lúc đó, chính quyền xã có mời 5 hộ dân trồng keo ở khu vực này đến họp nhưng chỉ có 1 hộ đến. Sau đó xã có gửi thông báo đến các hộ dân về việc thu hồi diện tích gần 1ha keo này và yêu cầu các hộ nhổ cây trả mặt bằng để thực hiện khu nghĩa trang.

Người dân ngăn cản buộc tổ công tác phải lập biên bản hiện trường vụ việc.

“Khi gửi thông báo thì chỉ có 1 hộ thông báo đúng, còn 4 hộ khác bị ghi nhầm tên nên không nhận được. Danh sách các hộ này là do thôn báo lên xã, đã có sự nhầm lẫn từ thôn, như ông Doãn Bá Ba thì ghi sai thành Lưu Văn Ba. Do bị sai tên, người dân không nhận được thông báo nên phản ứng như vậy. Xã cứ nghĩ đã thông báo rồi nên tổ công tác mới đến nhổ cây keo”- ông Đồng lý giải.

Theo ông Đồng, việc nhổ cây là đúng theo quy định nhưng chỉ sai các bước quy trình rà soát tên các hộ bị ảnh hưởng. Do vậy, xã thống nhất lập biên bản ghi nhận hiện trường, sau đó mời các hộ đến xã để giải quyết, tìm cách tháo gỡ. Năm 2009 tỉnh có quyết định bàn giao khu vực này cho xã quản lý, do vậy người dân muốn trồng cây trên đất này phải xin phép.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_213196_xa-nho-cay-keo-cua-dan-khi-ho-chua-nhan-thong-bao.aspx