Xã Phú Vinh trăn trở nâng cao đời sống Nhân dân

Đường từ quốc lộ 6 vào xã Phú Vinh (Tân Lạc) giờ đây đã được thảm bê tông êm thuận. Là xã vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người dân nơi đây đã từng bước đổi thay.

Người dân xóm Mường Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) phấn khởi thu hoạch mía tím khi bán được giá.

Người dân xóm Mường Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) phấn khởi thu hoạch mía tím khi bán được giá.

Trên đường vào xã, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Nhật, xóm Mường Kè cùng các nhân công vác từng bó mía tím từ ruộng lên xe của tư thương ở tỉnh Nam Định lên thu mua. Niềm vui được mùa hiện rõ trên khuôn mặt, anh Nhật chia sẻ: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, đầu tư trồng 1 ha mía trắng và mía tím. Năm nay, mía tím đã thu hoạch xong, được mùa, được giá. Với giá bán ổn định từ 10.000 - 15.000 đồng/cây, được tư thương ở các tỉnh về tận vườn thu mua, trừ chi phí, gia đình thu về từ 400 - 500 triệu đồng. Ngoài ra gia đình vẫn duy trì cấy lúa đảm bảo lương thực, chăn nuôi thêm trâu, bò, kinh tế dần ổn định...

Xã Phú Vinh có 7 xóm với 990 hộ, 4.399 nhân khẩu. Thế mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn vẫn là sản xuất nông nghiệp, trong đó, mía là cây chủ lực. Hiện nay, xã duy trì phát triển 250 ha mía trắng và mía tím. Mỗi ha mía cho thu nhập trên 200 triệu đồng (đã trừ chi phí). Bên cạnh đó, xã phát triển trồng ngô sinh khối phục vụ nhu cầu chăn nuôi, thị trường và cung cấp thức ăn cho đàn bò Công ty sữa Mộc Châu (Sơn La). Người dân vẫn duy trì cấy lúa đảm bảo an ninh lương thực (tổng diện tích cấy lúa toàn xã đạt 224 ha, năng suất bình quân đạt 50,5 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.131 tấn), trồng thêm các loại rau, đậu và các cây trồng để tăng thêm thu nhập. Về chăn nuôi, xã duy trì đàn trâu 1.600 con, đàn bò 293 con, đàn lợn 3.640 con, đàn dê 1.360 con và đàn gia cầm 44.500 con... Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt 42 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,77%.

Đồng chí Bùi Đức Thọ, quyền Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, so với trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn đã nâng lên một bước, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay. Tuy nhiên, xã vẫn gặp không ít khó khăn. Năm 2022, xã mới đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), một số tiêu chí khó đạt như: Tiêu chí về giao thông, đường giao thông nội xóm còn nhiều khó khăn; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (20%) và tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Xã còn xóm Thỏi Láo chưa có nhà văn hóa phải họp nhờ nhà dân... Đây cũng được xác định là các tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt đối với xã vùng sâu, vùng xa như Phú Vinh. Đảng ủy, UBND xã cũng rất trăn trở đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, phụ thuộc vào thị trường; người lao động đến tuổi không được giải quyết việc làm tại chỗ, phải đi làm ăn xa; nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu trên địa bàn nhiều năm nay gặp khó khăn...

Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, theo đồng chí quyền Chủ tịch UBND xã, cấp ủy Đảng, chính quyền xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp. Chú trọng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng NTM. Tuy vậy, để về đích NTM còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Xã đề nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh một số tiêu chí khó thực hiện; mong muốn tiếp tục được các cấp, ngành đầu tư, hỗ trợ nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM; quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động... Từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/176563/xa-phu-vinh-tran-tro-nang-cao-doi-song-nhan-dan.htm