Xả trôi công nghệ Nhật trên sông Tô Lịch: Đúng quy trình

Việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch được thực hiện theo quy định của Hà Nội về việc điều hòa, điều tiết mực nước cho hệ thống thoát nước.

Tại buổi họp báo chiều 23/7, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, việc triển khai đề án thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

Tuy nhiên, trước khi triển khai đề án, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị chức năng của Hà Nội đã lưu ý tới JVE về các vấn đề: đặc thù nước thải của Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục và là nơi chủ lưu thoát nước chính của Hà Nội khi có mưa, cũng như là nơi xả điều tiết hồ Tây trước nguy cơ úng ngập.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, đối với việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch được thực hiện theo quy định của Hà Nội về việc điều hòa, điều tiết mực nước cho hệ thống thoát nước và hoàn toàn phù hợp với quy định vận hành và phương án phòng chống úng ngập từ trước tới nay.

Trong khi đó, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, ngày 9/7, mức nước hồ Tây là 5,96 m vượt hơn 0,26-0,36 m so với nước khống chế đã được chấp thuận (5,6- 5,7 m); cùng với đó dự báo thời tiết Hà Nội có mưa lớn trong thời gian 3-5 ngày tới nên công ty đã quyết định xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Trước khi xả nước, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội có thông báo cho phía Công ty CP môi trường Việt Nhật (JVE) biết và nhận được trả lời từ phía JVE là "không có vấn đề gì".

Đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản

Đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 22/7, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có buổi làm việc với JVE.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT công ty JVE thừa nhận, do thời gian chuẩn bị công tác thử nghiệm ngắn (1 tuần) nên JVE chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết và chế độ vận hành, diễn biến mức nước, lưu tốc trên sông Tô Lịch. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thí điểm.

Cụ thể, từ khoảng 9h ngày 9/7 đến 14h ngày 12/7, khi Công ty Thoát nước Hà Nội cho xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã cuốn trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm vật liệu Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng thử nghiệm.

Ông Tuấn Anh cho rằng, việc thoát nước mùa mưa để đảm bảo phòng chống ngập úng là theo đúng chủ trương và chỉ đạo của UBND thành phố. Vì vậy, Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý và kéo dài thêm 2 tháng (tới ngày 17/9). Mọi chi phí thử nghiệm tiếp theo sẽ do phía tổ chức Nhật Bản hỗ trợ.

Để đảm bảo an toàn về mặt công nghệ khi tiếp tục thực hiện thí điểm công nghệ Nano, nhất là khi Hà Nội đang trong mùa mưa, công ty JVE và các chuyên gia Nhật đã tìm ra cách khắc phục, bất chấp việc xả nước hồ Tây.

Cũng tại buổi làm việc, các bên có liên quan đã đề xuất một số biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác đánh giá quá trình thí điểm xử lý.

Cụ thể, JVE có phương án đảm bảo về mặt công nghệ nếu tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý trong mùa mưa, vì vào thời điểm này mực nước trên sông sẽ có biến động lớn, Còn Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tiếp tục vận hành hệ thống thoát nước theo đúng quy định.

Trong trường hợp JVE không đáp ứng được các phương án về mặt công nghệ khi thực hiện thí điểm xử lý trong mùa mưa, Công ty sẽ chuyển thời gian thực hiện vào mùa khô, vì thời gian này mực nước trên sông Tô Lịch và hồ Tây sẽ ổn định hơn.

Các bên đề nghị trong thời gian tới, Công ty Thoát nước Hà Nội và Công ty JVE tiếp tục phối hợp để đảm bảo hài hòa giải quyết thoát nước cho thành phố trong mùa mưa và việc thí điểm xử lý. Công ty Thoát nước cần thông báo bằng văn bản cho JVE trước khi thực hiện xả, hạ mực nước Hồ Tây 1 ngày (trừ trường hợp mưa bão đột xuất, liên tiếp).

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xa-troi-cong-nghe-nhat-tren-song-to-lich-dung-quy-trinh-3384341/