Xã Trường Giang sẵn sàng cho vụ nuôi thủy sản xuân hè

Trường Giang là một trong những xã có phong trào và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của huyện Nông Cống với tổng diện tích 153 ha, doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm. Vụ xuân hè năm 2020, xã có kế hoạch đưa vào thả nuôi gần 900 vạn con tôm sú; ngoài ra, còn đưa thêm vào nuôi gần 6 vạn con cua giống và nhiều giống cá các loại. Xã đã và đang chỉ đạo bà con nông dân tiến hành nạo vét ao đầm, xử lý môi trường ao nuôi và xuống giống theo kế hoạch đã đề ra.

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Trường Giang.

Những ngày này, tại vùng nuôi tôm công nghiệp Trường Giang, các hộ dân đang gấp rút hoàn thành các công đoạn vệ sinh ao đầm, sẵn sàng bước vào nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè. Ông Lê Thế Hưng, ở thôn 7, cho biết: Để có vụ nuôi đạt năng suất và hạn chế dịch bệnh có thể phát sinh trên tôm, gia đình đã thuê máy xúc, nhân lực tích cực tiến hành cải tạo ao đầm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi. Năm nay gia đình ông đầu tư khoảng 100 triệu đồng cải tạo 10 ha ao đầm để nuôi trồng các loại thủy sản, như: Tôm sú, cá rô phi, trắm, mè.

Ông Lê Thiên Lâm thôn 1, chia sẻ: Trong nuôi trồng thủy sản, trước mỗi vụ nuôi mới cần phải cải tạo, phơi ao trong một thời gian; tu sửa hạ tầng ao, hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi. Gia đình ông Lâm hiện có 6 ha nuôi thủy sản quảng canh ở khu nuôi tôm công nghiệp của xã, mỗi năm nuôi một vụ tôm và các loại cá truyền thống, như trôi, trắm cỏ, trắm đen.

Được biết đến thời điểm này, UBND xã Trường Giang đang tập trung thực hiện công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ. UBND xã đã cử cán bộ kỹ thuật xuống tận các hộ nuôi thủy sản để hướng dẫn phương pháp xử lý ao nuôi tôm, cá, cua theo đúng quy trình. Trong đó, khuyến cáo các hộ nạo vét, hút bùn ao, đầm với mục đích loại bỏ chất cặn bã, thức ăn dư thừa, phân từ động vật thủy sản từ vụ nuôi trước; đồng thời cập nhật kiến thức phòng, chống dịch cho các hộ nuôi. Xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, bệnh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Về con giống, khuyến cáo nông dân chọn những cơ sở có uy tín trong và ngoài tỉnh để mua giống bảo đảm chất lượng. Nâng cao nhận thức đối với các hộ nuôi thủy sản về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cam kết thực hiện “3 không”: Không giấu dịch; không xả nước ao, đầm có mầm bệnh ra môi trường; không vứt bừa bãi xác thủy sản bệnh, chết ra môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Trường Giang vẫn còn những hạn chế, như: Sản xuất manh mún, tự phát, phân tán; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư tu sửa, nâng cấp nên nhiều vùng còn gặp khó khăn trong việc lấy nước, xả nước để cải tạo ao đầm. Từ những nguyên nhân đó khiến cho người nuôi trồng thủy sản địa phương e dè trong việc đầu tư, cải tạo hệ thống nuôi trồng. Chính vì thế, hiện nay, toàn xã có khoảng 6 ha ao đầm nằm trong quy hoạch dự án khu nuôi tôm công nghiệp bị bỏ hoang.

Trước thực trạng đó, UBND xã Trường Giang định hướng cho người dân tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích đã quy hoạch. Trong đó, khuyến khích các chủ đồng chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo đảm đầu tư có hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-truong-giang-san-sang-cho-vu-nuoi-thuy-san-xuan-he/114774.htm