Xa vời cao tốc miền Tây

Với cả thảy 5 dự án cao tốc đang được quy hoạch và triển khai nhưng thực tế hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn mới chỉ vỏn vẹn có khoảng 40 km đường cao tốc hiện hữu. Đặc biệt, có dự án dù đã được khởi công cách đây tròn 10 năm nhưng đến nay vẫn loay hoay việc…giải phóng mặt bằng.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, tuyến cao tốc độc đạo ở miền Tây.

Ì ạch đường cao tốc

Theo tìm hiểu, hiện khu vực miền Tây Nam Bộ có khá nhiều tuyến đường cao tốc đã được quy hoạch và đang xây dựng, trong đó quan trọng nhất là cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Đây là đoạn cuối cùng của dự án đường cao tốc Bắc – Nam có chiều dài 51 km với ý nghĩa quan trọng kết nối 2 trung tâm lớn ở khu vực phía Nam là TP HCM và TP Cần Thơ. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2009, dự án chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Dù được tái khởi công vào năm 2015 với nhiều kỳ vọng nhưng đến nay, dự án cũng mới hoàn thành được khoảng 15% khối lượng công việc. Điều đáng nói, hầu như chưa có dấu hiệu cho thấy dự án này sẽ được triển khai bởi chủ đầu tư dự án liên tục được thay đổi do gặp khó khăn về nguồn vốn và nhiều lý do khác.

Bên cạnh tuyến cao tốc này, khu vực miền Tây còn được quy hoạch 2 tuyến cao tốc khác là Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu cùng tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Tuy nhiên, 2 tuyến cao tốc này chưa rõ hình hài cũng như chi tiết cụ thể. Cuối cùng, tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành mặc dù có điểm đầu tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) nhưng thực tế, chiều dài tuyến cao tốc trên địa phận tỉnh này chỉ vỏn vẹn khoảng 5 km. Phần lớn tuyến cao tốc dài 58 km này nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai và TP HCM. Sau khi khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức-Long Thành được dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 nhưng đến nay (năm 2019), dự án vẫn đang gấp rút xây dựng. Chủ đầu tư dự án cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do còn nhiều đoạn người dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Nếu công tác giải phóng mặt bằng thời gian tới đạt đúng tiến độ thì dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020.

Có thể thấy rằng, thực trạng xây dựng các tuyến đường cao tốc ở khu vực miền Tây hiện nay đang diễn ra khá chậm trễ, ì ạch dù nhiều cao tốc không đi qua khu vực đô thị. Chi phí để xây dựng cao tốc khu vực miền Tây cũng không quá lớn. Như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được dự toán năm 2015 chỉ chưa tới 10.000 tỷ đồng cho hơn 50 km. Theo một chuyên gia hạ tầng giao thông, sở dĩ các dự án đường cao tốc ở khu vực này khó hoàn thành trong thời gian ngắn là vì các dự án BOT ở khu vực lân cận. Như tuyến đường Trung Lương-Mỹ Thuận, nếu dự án hoàn thành vào năm 2020 như dự kiến thì các phương tiện từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây sẽ chọn cao tốc này, thay vì tuyến quốc lộ 1A hiện hữu. Vì thế, nhiều dự án BOT xây dựng đường tránh, nâng cấp quốc lộ, cầu… trên quốc lộ 1A hay một số quốc lộ hiện hữu sẽ bị…thất thu.

Ngoài nguyên nhân chủ quan kể trên thì nguyên nhân khách quan là khu vực miền Tây có nhiều kênh rạch, sông ngòi thuận tiện cho giao thông đường thủy. Nghĩa là các doanh nghiệp vận tải có thể chọn lựa phương án vận chuyển hàng hóa bằng ghe, thuyền thay cho di chuyển đường bộ vì ghe thuyền chở được nhiều hàng hóa hơn, lại không phải đóng thuế, phí đường.

Hệ lụy khó lường

Có thể thấy rõ rằng, việc chậm trễ triển khai các dự án đường cao tốc đang ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống của người dân miền Tây nói chung và các phương tiện vận tải nói riêng. Với các phương tiện di chuyển đường bộ, việc buộc phải di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A hiện hữu thường tốn thời gian và không thuận tiện, thường xuyên ùn tắc kẹt xe.

Nguyên nhân chính là quốc lộ 1A hiện đang quá tải, xuống cấp ở nhiều khu vực. Tình trạng ùn tắc kẹt xe diễn ra đang ngày một phức tạp hơn dù mật độ dân số ở khu vực này khá thấp. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các tuyến đường cao tốc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều lĩnh vực khác của khu vực miền Tây, như du lịch, lưu thông hàng hóa nhất là nông thủy sản. Dù là khu vực có nhiều địa điểm du lịch cuốn hút nhưng hàng chục năm qua, các tour du lịch miền Tây từ TP HCM chủ yếu là tới Mỹ Tho, Bến Tre với các cồn, cù lao ven sông Tiền vì nhờ sự kết nối của tuyến cao tốc TP HCM-Trung Lương. Trong khi đó, các địa điểm khác xa hơn như Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau… dù có nhiều tiềm năng du lịch mới mẻ nhưng lại khó thu hút du khách vì thiếu đường kết nối.

Ngoài ra, dù là vựa lúa và thủy sản lớn nhất cả nước nhưng việc vận chuyển nông sản, thủy sản vẫn dựa vào phương tiện đường thủy. Một số doanh nghiệp thủy sản cho biết, xe chở thủy sản từ Bạc Liêu, Cà Mau tới TP HCM mất nhiều thời gian hơn từ bên Campuchia qua TP HCM. Chính vì thiếu hệ thống giao thông cao tốc nên tốc độ phát triển kinh tế chung của khu vực ít nhiều bị ảnh hưởng, chậm lại.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/xa-voi-cao-toc-mien-tay-tintuc430264