Xác định biên chế sát thực tế, tránh áp đặt bình quân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế, tránh việc áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương...

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.

Sáng ngày 27/12, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Cả nước tinh giản hơn 50 nghìn biên chế

Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, năm 2019, toàn ngành đã chủ động, tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiệu quả vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Hiện nay, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015. Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khối Chính phủ quản lý) so với năm 2015 tại 63/63 tỉnh, thành phố giảm 4,26%; tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20-12-2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; theo thẩm quyền đã ban hành 02 Thông tư hướng dẫn về chính sách tiền lương.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, các bộ, ngành chủ động xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để báo cáo cấp có thẩm quyền...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ý kiến tham luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tập trung một số vấn đề như: sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác cải cách hành chính; xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII; chính sách tiền lương và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong các cơ quan nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; xây dựng chính quyền cơ sở; công tác tôn giáo …

Xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ phải cụ thể

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ, ngành Nội vụ trong năm 2019.

Đối với nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ cần phát huy dân chủ, đoàn kết, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Nội vụ cần tập trung công tác xây dựng thể chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định pháp luật để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công chức, công vụ…

Ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, chú trọng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những chính sách bất cập trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực hình thức trong quy định điều kiện về văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

“Xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo cụ thể, lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đúng thực chất, là cơ sở chính xác để thực hiện các khâu quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc, tinh giản biên chế. Việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế, tránh việc áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh triển khai thực hiện để hoàn thành mục tiêu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn triển khai, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính.

Tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy; theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành, đề xuất sắp xếp lại hoặc giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành không hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, đảm bảo cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các vụ tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại.

Phó Thủ tướng lưu ý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo và thực hiện nhất quán, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Tăng cường đối thoại, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo, vận động các phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi, kích động, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá nhà nước.

Mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại Bộ Nội vụ, gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu…/.

Phạm Thanh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/xac-dinh-bien-che-sat-thuc-te-tranh-ap-dat-binh-quan-545774.html