Xác định rõ lộ trình

(HNM) - Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay, việc phát triển một số huyện (Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng) lên thành quận là xu thế tất yếu. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các địa phương phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó hệ thống hạ tầng giao thông là điều kiện rất quan trọng, quyết định đến hình hài đô thị và là cơ sở phát triển về sau này.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, các huyện có chủ trương trở thành quận cơ bản đã và đang được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ.

Trong quá trình phát triển, các địa phương cũng nhận thức rõ việc tuân thủ quy hoạch và phát triển các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, giáo dục đào tạo, an ninh trật tự… tiệm cận với các tiêu chuẩn đô thị. Rõ ràng, đây là bước đệm hết sức quan trọng để các huyện trở thành quận trong thời gian tới.

Tuy vậy, so với yêu cầu đặt ra thì ở những địa phương này vẫn còn nhiều điểm bất cập cũng như khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, để trở thành quận. Đó là mạng lưới giao thông ở nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, thiếu kết nối với khu dân cư hiện hữu dẫn đến những hệ lụy về úng ngập, mất an ninh trật tự… Trong khi đó, do thiếu nguồn lực nên một số dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, nhất là những công trình giao thông trọng điểm triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Từ thực tế này cùng với thực lực từng địa phương, thành phố Hà Nội đã xác định rõ lộ trình cho các huyện phát triển thành quận. Trong quá trình này, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khung; các dự án giao thông góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh; quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách sử dụng hiệu quả và phát huy nguồn lực từ đất đai, lợi thế địa phương để thu hút đầu tư…

Trong đó, đáng chú ý là vấn đề quy hoạch. Về tổng thể, các địa phương này vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các đồ án quy hoạch phân khu; quy hoạch giao thông vận tải… Cùng với việc này là rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với xu thế phát triển đô thị, từ xã thành phường, từ huyện thành quận.

Quá trình phát triển huyện thành quận, vấn đề “giao thông phải đi trước một bước” đã được xác định rõ. Tuy nhiên, cần xác định lộ trình, khu vực ưu tiên để phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tránh dàn trải, nhất là trong bối cảnh nguồn lực có hạn hiện nay. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và thành phố Hà Nội, bản thân các huyện phải nỗ lực tạo nguồn lực phát triển tại chỗ.

Việc này đòi hỏi mỗi địa phương cần biết phát huy tiềm năng, thế mạnh là những khu vực có vị trí đẹp, nằm trên các trục kết nối giao thương của Thủ đô để tận dụng cơ hội kêu gọi đầu tư phát triển; đồng thời phát huy tính hiệu quả từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất.

Bởi chỉ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư thích đáng thì các địa phương mới thu hút được doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh, từ đó vừa tạo ra việc làm cho người dân, vừa mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Các địa phương cũng cần xác định quá trình hoàn thiện các tiêu chí phải có sự gắn kết chặt chẽ, để làm sao khi huyện trở thành quận không còn tình trạng “nợ” tiêu chuẩn. Đặc biệt là phải tránh sự hình thức, “bình mới rượu cũ” - chỉ thay đổi tên mà không có thực chất. Muốn vậy, các huyện cần rà soát tổng thể, phân chia từng khu vực, biết nơi nào còn yếu, nơi nào mạnh, thiếu những điểm gì, từ đó xác định lộ trình triển khai cụ thể, sát thực tế và hiệu quả.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/944466/xac-dinh-ro-lo-trinh