Xác định rõ phạm vi sự cố, thảm họa để phòng thủ dân sự thích hợp

Có ba tình huống thảm họa, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để thực hiện các cấp độ phòng thủ dân sự phù hợp.

Chiều 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Cân nhắc cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính

Theo dự thảo luật, phòng thủ dân sự được quy định thành bốn cấp độ, trong đó cấp độ 1, 2, 3 căn cứ vào phạm vi địa giới hành chính, còn cấp độ 4 được áp dụng trong “tình trạng khẩn cấp”.

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng việc quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính “cần được cân nhắc kỹ”. Theo ông, thảm họa, sự cố cùng tính chất, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường như nhau nhưng có thể xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau.

 Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, báo cáo giải trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: QH

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, báo cáo giải trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: QH

ĐB tỉnh Kiên Giang phân tích sự cố xảy ra trên địa bàn hai xã trong một huyện thì xác định phòng thủ dân sự cấp độ 1 nhưng nếu hai xã này ở hai huyện trong tỉnh lại được xác định ở cấp độ 2. Ông Tú cho rằng điều này là chưa phù hợp.

“Xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau sẽ dẫn đến các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố khác nhau” - ĐB tỉnh Kiên Giang lưu ý.

Ngoài ra, ĐB này cũng cho rằng không phải mọi trường hợp hậu quả thảm họa, sự cố trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh cũng lớn hơn thảm họa, sự cố trong phạm vi địa bàn cấp huyện. Có trường hợp thảm họa, sự cố trên phạm vi cấp huyện lại gây hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tài sản lớn hơn nhiều thảm họa, sự cố xảy ra trên phạm vi cấp tỉnh.

Từ phân tích trên, ĐB Nguyễn Danh Tú đề nghị dự luật nên căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự và các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng.

Trong khi đó, ĐB Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đánh giá quy định về các mức độ phòng thủ dân sự tại dự thảo chưa phù hợp với các luật chuyên ngành. Ông dẫn chứng Luật Phòng chống thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai được xác định theo tiêu chí: Cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng, khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường; tương ứng là các cấp độ cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai…

“Mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường như nhau nhưng có thể xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau…”

Xác định đúng mức thảm họa, sự cố để phản ứng hợp cấp độ

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học. Dự thảo cần quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp; khi cần thiết sẽ vận hành, kích hoạt được ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng, có tính khả thi.

Báo cáo thẩm tra nêu tình huống thảm họa, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ xảy ra ở một địa bàn hẹp (thôn, bản…) thuộc xã, phường hoặc xảy ra trên địa bàn rộng vài huyện, vài tỉnh nhưng gây thiệt hại không lớn thì xác định cấp độ phòng thủ dân sự nào cho phù hợp?

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Bên cạnh đó, bộ trưởng cho biết để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện

Cũng trong chiều 9-11, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, với 444 ĐB tán thành, chiếm 89,16% tổng số ĐBQH.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đây là luật đầu tiên của kỳ họp thứ tư QH khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều 9-11. Ảnh: QH

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, QH đã xem xét, biểu quyết riêng điều khoản về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho phép chỉnh lý theo hướng: Trường hợp đặc biệt, băng tần có thể được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá ba năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. “Phương án này đã được Chính phủ đồng thuận và QH giao Chính phủ quy định chi tiết điều này” - ông Huy cho biết.

ĐỨC MINH - CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xac-dinh-ro-pham-vi-su-co-tham-hoa-de-phong-thu-dan-su-thich-hop-post707119.html