Xác định rõ vai trò của Hải quan trong quản lý phế liệu nhập khẩu

Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu (NK) và sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời tiến hành rà soát chính sách mới ban hành liên quan đến quản lý phế liệu NK để kiến nghị các giải pháp phù hợp.

Rác thải nhựa không đủ điều kiện nhập khẩu bị Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 8/2018. Ảnh: N.Linh.

Diễn biến phức tạp

Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT (có hiệu lực từ 29/10/2018) về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu (đồng, nhôm, niken, kẽm, thiếc, vonfram, molyden, magie, titan, zircon, antimony, mangan, crom) và xỉ hạt nhỏ. Tuy nhiên qua nghiên cứu triển khai thực hiện, ông Âu Anh Tuấn cho rằng nội dung hai Thông tư có một số vướng mắc, Tổng cục Hải quan đang tổng hợp để báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý.

Tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2018 của Tổng cục Hải quan (ngày 8/10), quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, riêng 8 tháng đầu năm 2018, lượng phế liệu NK bằng tổng số NK của cả năm 2015 và 2016.

Hoạt động NK phế liệu có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp. Một số DN lợi dụng sơ hở về cơ chế chính sách để NK số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam; một số DN, hộ kinh doanh tại các làng nghề, cụm công nghiệp sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải) là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để NK phế liệu nhưng lại bán cho các DN nhỏ lẻ khác (DN chưa được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về nguyên nhân khách quan, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc dừng NK 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép NK theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là nhựa phế liệu và giấy phế liệu.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu và các mặt hàng có đặc trưng là phế liệu NK. Xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm soát rủi ro đối với hoạt động NK phế liệu trên toàn quốc; xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong NK phế liệu; ban hành công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 hướng dẫn công tác quản lý phế liệu NK vào Việt Nam.

Theo ông Âu Anh Tuấn, các giải pháp quyết liệt của Tổng cục Hải quan trong quản lý phế liệu NK thời gian qua đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và khẳng định vai trò của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong kiểm soát, ngăn chặn NK hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng đủ điều kiện môi trường. Các nội dung tại công văn 4202/TCHQ-PC và các kiến nghị của Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đưa vào Chỉ thị 27/CT-TTg.

Tăng cường kiểm soát phát hiện vi phạm

Qua công tác tăng cường kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu cảng biển, đặc biệt là trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện trên 45 mẫu phế liệu, tương ứng trên 300 container không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường đối với phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất, có lẫn các tạp chất nguy hại đến môi trường.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá tổng thể tình hình XNK phế liệu của trên 250 DN; rà soát, so sánh, đối chiếu thông tin trên cơ sở báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu cấp phép NK…, qua đó xác định 44 DN có dấu hiệu nghi vấn gian lận về sửa chữa, làm giả hồ sơ, nhập vượt số lượng được cấp phép… trong hoạt động NK phế liệu. Hiện cơ quan Hải quan đang tiếp tục tổ chức điều tra xác minh theo chức năng, nhiệm vụ.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan Hải quan các cấp đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm và ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các hành vi làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản của cơ quan nhà nước để hợp thức hóa hồ sơ NK phế liệu. Đó là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt NK phế liệu nhưng không có cơ sở sản xuất theo quy định hoặc có cơ sở sản xuất nhưng năng lực sản xuất thấp hơn so với lượng phế liệu được phép NK và chủ yếu NK để bán cho các DN hoạt động trong các làng nghề tái chế phế liệu là không đúng quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp khác là Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hồng Việt NK phế liệu sau đó bán lại cho các DN trong nước là Công ty TNHH Yên Hùng tại TP. Hải Phòng; Công ty TNHH Bảo Phước NK phế liệu nhưng không có cơ sở sản xuất mà buôn bán, tiêu thụ nội địa...

Sai phạm khác là DN NK phế liệu vượt quá hạn mức được cấp theo các thông báo về lô hàng phế liệu NK. Như Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hồng Việt NK thép phế liệu vượt quá 984 tấn so với tổng số giấy phép và NK nhựa phế liệu vượt quá 64.249 tấn so với tổng số giấy phép đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cấp. Một hành vi vi phạm khác là NK phế liệu vượt quá công suất sản xuất thiết kế. Đó là Công ty TNHH Hương Quỳnh Cẩm Hưng có công suất sản xuất khoảng 3.600 tấn nhưng thực tế công ty đã NK phế liệu vượt công suất được cấp phép là 54.900 tấn (gấp hơn 15 lần công suất thiết kế)...

Đặc biệt, qua quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan Hải quan phát hiện thủ đoạn cất giấu hàng hóa cấm NK trong các lô hàng phế liệu NK. Cụ thể, ngày 24/7/2018, cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra đối với lô hàng phế liệu NK có tên người nhận hàng trên vận đơn là Công ty Cổ phần Thép Pomina 2 phát hiện 119 kg cocain trong các container phế liệu. Gần đây nhất Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng phối hợp đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung phát hiện lô hàng 8 tấn ngà voi, vẩy tê tê trong lô hàng khai báo là phế liệu.

Khẩn trương triển khai Chỉ thị 27

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5660/TCHQ-GSQL ngày 28/9/2018 yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27/CT-TTg. Đồng thời niêm yết công khai tại các địa điểm làm thủ tục hải quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 27/CT-TTg đến các hãng tàu/đại lý hàng tàu, DN kinh doanh cảng và các DN đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực NK phế liệu biết, chủ động thực hiện.

Trên cơ sở Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan cũng có thông báo không giải quyết thủ tục NK phế liệu qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt kể từ 1/10. Với lô hàng đã về đến cảng nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật bảo vệ môi trường thì giải quyết thông quan nhanh để tránh hàng hóa tồn đọng lâu tại các cảng biển.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai tới các đơn vị hải quan địa phương một loạt giải pháp ngăn chặn từ xa để phòng ngừa phế liệu không đáp ứng quy định pháp luật được được dỡ xuống cảng, hướng dẫn hãng tàu, đại lý hàng tàu khai báo emanifest theo đúng Chỉ thị 27; đồng thời thực hiện kiểm tra hồ sơ tàu nhập cảnh để xác định các lô hàng không đáp ứng đủ điều kiện liên quan đến NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, không nằm trong danh mục được phép NK, không có giấy xác nhận kí quỹ bảo vệ môi trường, không có tiêu chuẩn quy chuẩn… kiên quyết không cho dỡ hàng xuống cảng và thông báo cho các DN kinh doanh cảng không được phép dỡ hàng.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu có phế liệu NK tồn đọng căn cứ vào thông tin emanifest để thực hiện yêu cầu DN NK khẩn trương đến làm thủ tục hải quan, đồng thời xây dựng phương án xử lý giải quyết dứt điểm các lô hàng tồn đọng theo đúng pháp luật.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xac-dinh-ro-vai-tro-cua-hai-quan-trong-quan-ly-phe-lieu-nhap-khau.aspx