Xác suất thống kê cho học sinh lớp 2: Mức độ làm quen, không 'đáng sợ'!

Một điểm trong những điểm đáng chú ý trong xây dựng chương trình phổ thông mới, là xác suất và thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy từ lớp 2 cho đến lớp 12. Chính thông tin này đã khiến không ít phụ huynh có con đang hoặc chuẩn bị học tiểu học quan tâm và băn khoăn. Xác suất thống kê có thực sự 'đáng sợ'?

Chưa thấy sách giáo khoa, chưa thể “hoang mang”

Vừa qua, khi các tác giả biên soạn chương trình môn Toán - chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, xác suất, thống kê là những nội dung mới trong chương trình Toán sẽ triển khai tới đây, sẽ xuất hiện từ lớp 2 đến hết các bậc học phổ thông, tùy theo mức độ khác nhau thì không ít phụ huynh hoang mang vì chương trình học của con.

Trước thông tin nhiều phụ huynh lo lắng con mình sẽ phải học xác suất thống kê từ lớp 2, bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Thực ra, tất cả các dạng toán được xây dựng đưa vào cho học sinh tiểu học đều xây dựng trên đường tròn đồng tâm về kiến thức.

Trên nguyên tắc xây dựng đường tròn đồng tâm, ở bậc tiểu học, thì cơ bản, chỉ có học sinh lớp 4-5 là giai đoạn học sâu và chuẩn bị cho chuyển cấp. Khi đó, các dạng toán ở bậc tiểu học được gọi là số học, lên trung học gọi là đại số mới được gọi tên một cách rõ ràng.

Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A cho rằng, khi sách giáo khoa mới chưa được công bố, chưa thể đánh giá chương trình ở mức độ nào.

Còn ở lớp 2-3, chỉ “manh nha”, kiến thức có thể chỉ là “nhập môn”, cho học sinh làm quen với khái niệm này. Chắc chắn, những nhà soạn thảo đã có sự nghiên cứu khi xây dựng chương trình”.

Theo đó, Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A bày tỏ: “Việc đưa phần kiến thức vào cho học sinh tiếp xúc sớm cũng là tốt, tuy nhiên, điều quan trọng là phải xét đến mức độ đưa vào ra sao thì mới có thể đánh giá phù hợp hay không.

Hiện tại, bộ sách giáo khoa vẫn chưa được công khai, giáo viên chưa trực tiếp nhìn thấy những nội dung được biên soạn trong đó, chưa thể đánh giá được độ khó của chương trình”.

Xác suất - Thống kê bậc tiểu học không “đáng sợ”!

Theo phân tích của ThS. Trần Đức Thuận, Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, chương trình môn Toán hiện hành đề cập đến 4 mạch kiến thức ở tiểu học: Số học; Hình học; Đại lượng và đo đại lượng; Giải toán có lời văn.

“Tuy nhiên, khi làm ma trận đề thi, giáo viên thường chỉ đề cập đến 3 mạch kiến thức đầu và xem Giải toán có lời văn là câu hỏi nâng cao, khó trong các mạch kiến thức đó. Ở bậc THCS xuất hiện thêm tên Đại số và bậc THPT xuất hiện thêm Lượng giác, Giải tích.

Chương trình môn Toán 2018 cấu trúc lại thành 3 mạch kiến thức xuyên suốt từ tiểu học đến hết THPT với tên gọi thống nhất: Số, đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất. Kiến thức được đưa vào dần dần, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng.

Theo đó, thống kê và xác suất là tên của 1 mạch kiến thức được hoàn thiện dần từ lớp 2 đến hết phổ thông”, ông giải thích.

ThS. Trần Đức Thuận cũng chỉ ra: “Có lẽ, nỗi ám ảnh môn học Xác suất - Thống kê ở bậc đại học khiến rất nhiều sinh viên lo lắng vì có quá nhiều công thức, quá nhiều bảng biểu phải nhớ để có thể tính được các loại xác suất có điều kiện và thực hành các loại thống kê suy diễn để kiểm chứng giả thuyết, phân tích tương quan, hồi quy, dự đoán... đã khiến nhiều người e ngại việc xuất hiện mạch kiến thức Xác suất - Thống kê ở tiểu học trong Chương trình môn Toán năm 2018.

Ít ai biết rằng học sinh tiểu học chỉ làm quen với Thống kê mô tả. Chương trình môn Toán hiện hành (từ lớp 3) cũng có những kiến thức về Thống kê mô tả, nhưng được xếp trong mạch Số học. Chương trình môn Toán 2018 giới thiệu sớm hơn một chút, từ lớp 2, khi học sinh đã có vốn kiến thức kha khá về số tự nhiên và làm quen với Xác suất.

Thực chất, học sinh tiểu học chỉ làm quen với Thống kê mô tả thông qua việc kiểm đếm, chẳng hạn, đếm xem trong lớp có bao nhiêu cái bàn, cái ghế, đếm xem mỗi tổ có bao nhiêu bạn; và đọc hiểu được thông tin từ biểu đồ tranh, biểu đồ cột, biểu đồ quạt đơn giản (không yêu cầu vẽ biểu đồ)...

Theo ThS. Trần Đức Thuận, xác suất thống kê ở Tiểu học sẽ được học đơn giản.

Còn về Xác suất, học sinh tiểu học chỉ làm quen với một vài thuật ngữ như “có thể”, “không thể”, “chắc chắn”. Ví dụ, khi tung một đồng xu và quan sát khi đồng xu rơi xuống đất, nằm yên thì sẽ CÓ THỂ nhìn thấy mặt sấp, hoặc mặt ngửa (tới cuối cấp tiểu học thì trẻ sẽ thực hiện gieo liên tiếp nhiều lần và kiểm đếm để lập tỷ số xuất hiện các mặt).

Khi gieo 1 hạt xí ngầu 6 mặt thông dụng thì KHÔNG THỂ xuất hiện mặt có 7 chấm. Khi túi thăm chỉ chứa những hình vuông thì việc bốc thăm trong túi đó CHẮC CHẮN sẽ chọn được hình vuông mà KHÔNG THỂ ra hình tròn... Tất cả những thứ này được nảy sinh từ quan sát của trẻ qua những trải nghiệm, hoạt động thực tế...”.

Trả lời báo chí, PGS.TS Ngô Hoàng Long, giảng viên khoa Toán - Tin, trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, trong thời đại của thông tin ngày nay, ngoài những kỹ năng tính toán thông thường thì biết cách phân tích, xử lý, chọn lọc dữ liệu là điều vô cùng quan trọng, giúp chúng ta nhận biết sâu sắc, chính xác hơn về thế giới xung quanh và hướng tới những quyết định đúng đắn nhất có thể.

Trong chương trình phổ thông mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Tức là trong 11 năm, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình mang tính đồng tâm và nâng cao dần.

Tuy vậy, đưa xác suất thống kê vào chương trình lớp 2 vẫn là một “bài toán” khó. Học sinh lớp 2 sẽ được làm quen với những dạng bài về phép thử, như gieo một con xúc xắc 6 mặt thì bao nhiêu khả năng có thể xảy ra hay tập nhận diện và vẽ các loại biểu đồ. Dù bắt đầu với những bài học đơn giản nhưng các khái niệm trừu tượng cũng như giáo viên tiểu học thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy kiến thức này cũng là một điều bất lợi khi đưa vào áp dụng.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xa-c-sua-t-tho-ng-ke-cho-ho-c-sinh-lo-p-2-mu-c-do-la-m-quen-khong-da-ng-so-a455452.html