Xác thực nguồn gốc đá quý bằng blockchain

Công nghệ blockchain giúp quá trình xác thực nguồn gốc tỏ ra toàn diện và hiệu quả hơn trên nền tảng số, giúp giảm bớt nhu cầu sử dụng các loại giấy tờ có liên quan. Trong việc khai thác và quản lý đá quý, công cụ blockchain còn giúp xác thực chất lượng của đá quý.

Tập đoàn De Beers đã theo dõi thành công 100 viên kim cương giá trị cao trong hành trình từ mỏ đến nhà kim hoàn trên nền tảng blockchain Tracr.

Những sự lợi ích tiềm tàng khi sử dụng công nghệ blockchain là quá trình xác thực nguồn gốc tỏ ra toàn diện và hiệu quả hơn trên nền tảng số, nhờ vậy giảm bớt nhu cầu sử dụng giấy tờ có liên quan. Việc giải quyết các vụ tranh chấp trong lĩnh vực chất lượng đá quý và người sở hữu tốt hơn cũng là một lợi ích khác mà hệ thống blockchain mang lại, bởi hệ thống này có cơ chế cho phép bên tham gia kiểm tra tính xác thực của mỗi một giao dịch hoặc các diễn tiến nối tiếp. “Nếu có xảy ra việc tranh chấp giữa người mua và người bán chẳng hạn, thay vì phải gọi điện thoại qua lại thông qua một quá trình khiếu nại thủ công, bạn chỉ cần nhấp chuột vào một chuỗi khối đáng tin cậy và có thể xem được tức thì chuyện gì đã xảy ra. Điều này giúp giảm bớt một số công đoạn không cần thiết và đẩy nhanh tốc độ xác thực”, ông Jason Kelley, Giám đốc bộ phận blockchain của hãng IBM, giải thích.
Ông Kelley cũng nêu bật những khả năng ấn tượng của công nghệ blockchain, như cho phép chia sẻ dữ liệu trong một hệ thống mạng (network) mà bất kỳ người mới nào chỉ tham gia được khi nhận được sự đồng ý của mọi thành viên. Dù thừa nhận rằng bất kỳ hệ thống nào cũng có thể xảy ra lỗi theo một cách vô tình hoặc cố ý, nhưng ông Kelly tin tưởng vào cơ chế hoạt động của hệ thống dùng blockchain. Lý do là bất kỳ sự trục trặc nào diễn ra đều được chỉnh sửa thông qua sự đồng thuận của toàn bộ thành viên.

Từ Tracr…

Các tập đoàn sản xuất và kinh doanh trang sức, đá quý hàng đầu thế giới đang gặp không ít sự khó khăn trong việc chứng thực nguồn gốc sản phẩm của mình. Để giải quyết bài toán khó này, một số công ty quy mô lớn đã trình làng loại sổ kế toán phân phối trực tuyến dựa trên công nghệ blockchain để cải thiện sự hiệu quả trong việc quản lý chuỗi cung ứng kim cương và trang sức trên toàn cầu.

Tập đoàn kim cương De Beers (Anh) gần đây thông báo đã theo dõi thành công 100 viên kim cương giá trị cao trong cuộc hành trình từ mỏ đến nhà kim hoàn trên một sổ cái điện tử dựa trên blockchain mới, gọi là Tracr. Công cụ mới này được dùng để xác minh nguồn gốc sản phẩm của họ, nghĩa là giúp theo dõi toàn bộ đường đi của một loại đá quý từ mỏ đá quý đến nhà kim hoàn. và đang được thí điểm. De Beers hy vọng Tracr sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối năm nay. Cùng với việc xác thực nguồn gốc kim cương, mạng lưới blockchain này còn có khả năng chứng minh những viên đá quý này không được khai thác tại các khu vực bị chiến tranh tàn phá, nơi tiền thu được từ việc bán đá quý có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động bạo lực. Năm nhà sản xuất kim cương hàng đầu, gồm Diacore, Diarough, KGK Group, Rosy Blue NV và Venus Jewel, đã làm việc với De Beers trong quá trình phát triển nền tảng blockchain Tracr, được kỳ vọng sẽ có phạm vi hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị kim cương. “Nhóm dự án Tracr đã chứng minh nền tảng này có thể theo dõi thành công một viên kim cương trong suốt chuỗi giá trị, mang đến khả năng truy xuất nguồn gốc theo cách chưa thể được thực hiện trước đây. Chúng tôi mong chia sẻ nền tảng này với nhiều đối tác hơn trong những tháng tới và thu thập thêm những hiểu biết sâu rộng của họ trước khi phổ biến rộng rãi nó khắp ngành công nghiệp”, Giám đốc điều hành De Beers, ông Bruce Cleaver, khẳng định.

… đến TrustChain

Sáng kiến TrustChain theo dõi và xác thực nguồn gốc kim cương và những kim loại quý sử dụng nền tảng Blockchain của IBM.

Cách hoạt động của Tracr và TrustChain

Mỗi sự kiện hoặc tương tác được đăng ký trên chuỗi Tracr sẽ trở thành một “khối” đại diện cho thông tin, dữ liệu hoặc đặc điểm duy nhất về một viên kim cương khi nó đi qua chuỗi giá trị. Mỗi khối phải được xác minh bởi cộng đồng blockchain trước khi nó có thể được thêm vào blockchain, theo De Beers. Với mỗi mục dữ liệu mới được đăng ký, mạng này không ngừng phát triển. Ngoài ra, khi được xâu chuỗi cùng nhau, các khối tạo hồ sơ số hoàn chỉnh cho mỗi viên kim cương.

Khi kim cương di chuyển dọc theo chuỗi giá trị, một “Căn cước Kim cương Toàn cầu” (Global Diamond ID) duy nhất được tự động tạo ra trên Tracr, lưu trữ các thuộc tính kim cương riêng lẻ như carat (đơn vị đo trọng lượng của đá quý), màu sắc và độ tinh khiết thông qua sự tích hợp với hệ thống lưu giữ hồ sơ hiện có của những bên tham gia. Điều này cho phép Tracr hợp nhất dữ liệu vào một dấu vết số không thể thay đổi cho mỗi viên kim cương, đảm bảo nguồn gốc và khả năng truy nguyên của nó từ giai đoạn còn thô sơ cho đến khi được đánh bóng.

Mạng lưới TrustChain cũng sẽ cung cấp những bước xác minh tương tự, cũng như sự giám sát của bên thứ ba, đối với đồ trang sức có nguồn gốc từ năm công ty tham gia. Mục tiêu của sự cộng tác này là cải thiện niểm tin vào nguồn gốc của trang sức bằng cách tập hợp một cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm và đạo đức trong chuỗi cung ứng trang sức.

Hồi tháng 4 vừa qua, một nhóm công ty khác đã khởi xướng dự án có tên gọi Sáng kiến TrustChain (TrustChain Initiative), sử dụng dịch vụ đám mây blockchain của IBM để cho phép người mua xác thực nguồn gốc trang sức bằng vàng, kim cương bằng cách truy cập một nền tảng trực tuyến chuyên theo dõi chuỗi cung ứng trải dài từ mỏ đá quý đến tủ trưng bày trang sức tại cửa hàng. Mạng lưới blockchain này cũng sẽ theo dõi và xác thực kim cương, kim loại quý và đồ trang sức ở tất cả giai đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong số những công ty tham gia Sáng kiến TrustChain có Underwriter Laboratories (Mỹ), một dịch vụ xác minh độc lập của bên thứ ba, cùng với năm công ty kim hoàn và trang sức đại diện cho toàn bộ chuỗi cung ứng: nhà cung cấp kim cương Rio Tinto, Diamonds, nhà cung cấp kim loại Leach Garner, Asahi Refinery chuyên về lọc kim loại quý, nhà bán lẻ đồ trang sức Mỹ Helzberg và nhà sản xuất đồ trang sức toàn cầu Richline Group. “Sáng kiến này đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành công nghiệp khi chúng tôi tìm cách nâng cao trách nhiệm tập thể và việc xác thực nguồn gốc lên tầm cao mới”, ông Mark Hanna, Giám đốc tiếp thị của Richline Group, cho biết.

Theo ông Jason Kelley của IBM, những bước đi nói trên chứng tỏ niềm tin đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp trang sức. Người tiêu dùng đang đòi hỏi tính minh bạch đối với những trang sức họ mua, như muốn bảo đảm những đá quý trên trang sức này được khai thác một cách hợp pháp và theo cách thức bền vững. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho trang sức nếu thấy được những bằng chứng như thế. Vào năm tới, theo ông Kelley, người sử dụng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên kim cương muốn mua để biết được thông tin về toàn bộ chuỗi cung ứng.

Còn bà Martha Bennett, một nhà phân tích chính của công ty Forrester Research, nhận định mạng blockchain là “một sáng kiến đáng giá, một sự khởi đầu tuyệt vời” nhưng vẫn cần nhiều công ty tham gia hơn để công nghệ này trở nên phổ biến. “Tôi không biết có bao nhiêu loại nhẫn mà một nhà bán lẻ trang sức điển hình bày bán nhưng số lượng chắc chắn nhiều hơn 6”, bà Bennett cho biết – có ý nói đến số lượng loại nhẫn đính hôn mà TrustChain theo dõi ban đầu. Vào năm 2016, công ty Everledger Ltd. (Anh) cũng sử dụng dịch vụ blockchain của IBM để tạo ra một mạng lưới chuỗi cung ứng nhằm phục vụ việc đăng ký và theo dõi kim cương.

Thị trường sổ cái phân phối blockchain toàn cầu có doanh thu 228 triệu đô la năm 2016 và con số này dự kiến tăng lên 5,4 tỉ đô la vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng 57,6% mỗi năm trong vòng năm năm tới, theo bản báo cáo của công ty Allied Market Research (Mỹ). Lĩnh vực theo dõi chuỗi cung ứng dự kiến là một trong những ứng dụng nổi bật đầu tiên của công nghệ blockchain dành cho doanh nghiệp, bên cạnh tài chính xuyên biên giới.

Ông Paul Brody, chuyên gia của công ty Ernst & Young (Anh), nhận định thị trường blockchain trong 18 tháng qua đã chuyển từ giai đoạn “giải thích cho tôi hiểu” sang giai đoạn “chứng minh cho tôi thấy”. “Chúng ta giờ đây đang ở giai đoạn “Được rồi, hãy xây dựng nó cho tôi”. Chúng tôi thấy điều này trong lĩnh vực kinh doanh mình: khách hàng đang chuyển các dự án sang giai đoạn sản xuất… Chúng tôi có những cuộc trò chuyện tương tự với những người khác trong ngành công nghiệp này”, ông Brody cho hay.

Cũng có cùng một sự nhận định như Paul Brody, Giám đốc công nghệ của công ty Deloitte (Mỹ) Bill Briggs khẳng định rằng công nghệ này đang được ứng dụng nhiều trong những hoạt động như xác nhận chuỗi cung ứng, xác minh mức độ an toàn thực phẩm cũng như thu hút các công ty sản phẩm tiêu dùng, khoa học đời sống… Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tạo loại blockchain chỉ dùng trong nội bộ hoặc dành cho những đối tác tin cậy trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát những ai được phép truy xuất thông tin trên mạng này. Blockchain cũng có thể được sử dụng giữa các đối tác kinh doanh, như giữa nhà cung cấp đám mây, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và khách hàng hoặc giữa các nhà kim hoàn và nhà cung cấp của họ.

(Computerworld, TechCrunch)

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276011/xac-thuc-nguon-goc-da-quy-bang-blockchain.html