Xài nước hoa fake, thường xuyên dùng nước tương và vô vàn lý do 'trời ơi đất hỡi' gây ung thư khiến người ta sững sờ

Liệu pháp miễn dịch và giải mã gene đang được các nhà khoa học thế giới kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị ung thư - căn bệnh thế kỷ đang gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng trên phạm vi toàn cầu.

Nếu như trước kia, HIV được coi là vấn nạn toàn cầu thì giờ đây, vị trí này có lẽ chính là ung thư bởi cho đến nay, sau gần 400 năm nghiên cứu, thế giới vẫn chưa tìm ra loại thuốc hoặc phương pháp điều trị hiệu quả.

Theo thống kê từ Viện ung thư Quốc gia của Hoa Kỳ, trong khoảng năm 2010-2012, nước này có tới 39,6% dân số có nguy cơ mắc ung thư (tức là cứ 3 người Mỹ thì có hơn 1 người đối mặt với khả năng nhiễm bệnh).

Tại Việt Nam (quốc gia đang phát triển) con số này cao hơn rất nhiều. Theo số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có tới hơn 15.000 ca ung thư mới được phát hiện. Đáng nói, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân rất cao, lên tới 74,8%. Theo các chuyên gia, đây chỉ là con số bề nổi của tảng băng chìm. Rất có thể, vẫn còn nhiều ca mắc và tử vong vì ung thư chưa được thống kê hoặc phát hiện.

Những số liệu này khiến nhiều người giật mình, lo lắng. Câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để phòng bệnh và chúng ta sẽ phải làm gì nếu chẳng may chính mình hoặc người thân mắc bệnh? Để giải đáp những thắc mắc này, mới đây, Trung tâm SCI (Salt Cancer Intiative - Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư Muối) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Những biện pháp giảm nguy cơ ung thư - Liệu pháp miễn dịch và Công nghệ giải mã gene trong quá trình điều trị”. Buổi hội thảo diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của diễn giả TS. Phan Minh Liêm (Trung tâm Ung thư MD Anderson, ĐH Texas, Hoa Kỳ).

Quang cảnh buổi hội thảo do SCI tổ chức.

Vô vàn lý do gây ung thư

Theo phân tích của TS. Liêm, sở dĩ y học thế giới đang xem ung thư là căn bệnh thế kỷ bởi nó vô cùng nguy hiểm. Căn bệnh này tiến triển thầm lặng, rất khó phát hiện và thường chỉ biểu hiện khi đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Các tế bào ung thư có khả năng tích lũy đột biến và có thể tự tiến hóa để chống lại các loại thuốc cũng như cơ chế miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, khi di căn vào máu, chúng thường đi rất nhanh và trú ngụ ở những bộ phận quan trọng như tim, phổi, gan, não. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nhất khiến ung thư trở nên nguy hiểm là đến nay, y học toàn cầu vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả.

TS. Liêm thuyết trình tại buổi hội thảo.

Về nguyên nhân gây bệnh, theo TS. Liêm có 2 lý do chính dẫn đến ung thư, đó là tác nhân nội tại và ngoại sinh. Các yếu tố chủ quan thường liên quan đến vấn đề di truyền, bệnh lý đang mắc phải. Trong khi đó, yếu tố ngoại sinh bao gồm ảnh hưởng từ môi trường, lối sống, các loại virus, vi khuẩn.

Trong số các nguyên nhân gây ung thư, thuốc lá giữ vị trí hàng đầu với tỷ lệ lên tới 21%; tiếp theo là rượu bia; ăn ít rau xanh, hoa quả (mỗi yếu tố chiếm 5%); quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 3%)… cùng các nguyên nhân khác.

Một sự thật bất ngờ mà ít người nghĩ đến đó là các căn bệnh lây lan qua đường tình dục (virut HPV, HIV) cũng chính là nguyên nhân liên quan trực tiếp đến ung thư. Chẳng hạn, người mắc HPV có thể bị ung thư cổ tử cung, âm đạo, tuyến tiền liệt… Ngoài ra, những người nhiễm virut viêm gan siêu vi B, C, vi khuẩn H. Pylori cũng cần theo dõi sát sao vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.

Các tác nhân về ô nhiễm môi trường như nguồn nước, không khí… cũng trở thành nguyên nhân gây bệnh. “Không khí nhiễm bụi bẩn, có nhiều chất hữu cơ dễ bay hơi (ví dụ xăng, dầu) thường rất độc hại. Điều này cũng xảy ra tương tự nếu chúng ta xài nước hoa kém chất lượng. Các loại nước hoa fake thường điều chế từ các chất có nguồn gốc dầu mỏ, dễ bay hơi và rất độc hại. Nếu thường xuyên sử dụng, chất độc sẽ tích tụ và điều đó không khác gì chúng ta đang tự tẩm thuốc độc lên người“, TS. Liêm phân tích.

Một tin không vui cho những người béo phì là các tế bào mỡ có liên quan mật thiết đến 2 từ ung thư. Chúng có khả năng tiết ra hooc-môn estrogen - hoạt chất kích thích sự tăng sinh của tế bào ung thư vú, tử cung và làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, khi có quá nhiều mỡ, hàm lượng insulin và các hooc-môn tăng trưởng sẽ gia tăng, kích thích tế bào tăng trưởng nhanh (kể cả tế bào ung thư).

Nhiều người đặt câu hỏi cho TS. Liêm.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra, insulin có mối quan hệ mật thiết trong việc kích thích tế bào ung thư phát triển trong khi đó, đây lại là loại thuốc giúp cân bằng đường huyết cho người bệnh.

Một số tác nhân khác đến từ việc ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh khác cũng có thể gây bệnh như: chế độ ăn mất cân bằng (ăn ít rau hoặc kiêng hoàn toàn thịt, cá), thức quá khuya, lười vận động, ăn nhiều chất có hại.

Một trong những loại thức ăn nhiều người sử dụng đó là tương, chao rất nguy hiểm vì quá trình chế biến, chúng có thể bị nhiễm nấm mang độc tố aflatoxin có khả năng làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra, việc ăn đồ nướng bị cháy, ăn thức ăn chế biến ở nhiệt độ quá cao, trên 150 độ C có thể gây biến tính, tạo ra các cất độc như andehit… Những ai có thói quen nấu bếp từ ở nhiệt độ quá cao có lẽ nên lưu ý vấn đề này“, TS. Liêm thông tin.

Ngoài ra, theo TS. Liêm, các loại đồ ăn nhanh chế biến sẵn gồm: Xúc xích, thịt nguột, thịt xông khói, bánh quy, kẹo… cũng được xem là nhóm thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Vì sao một người mắc ung thư, cả nhà lại lo lắng phòng trị bệnh?

Ung thư tuy đáng sợ nhưng có lẽ nó sẽ không quá nguy hiểm nếu như chúng ta biết cách phòng tránh và phát hiện kịp thời. Các biện pháp phòng ngừa được TS. Liêm đề cập bao gồm việc xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, tăng cường các loại thực phẩm có khả năng ngừa ung thư; thường xuyên tập thể dục vừa sức; kiểm tra, tầm soát định kỳ; tránh xa rượu bia, thuốc lá; duy trì cân nặng hợp lý; sống lạc quan, yêu đời; bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư, tránh tia tử ngoại trong khoảng từ 10-16h hàng ngày, tiêm phòng HPV, viêm gan siêu vi B, C…

Y học thế giới hiện nay đã nghiên cứu cùng lúc nhiều phương cách chống lại bệnh ung thư. Cho đến hiện tại, liệu pháp miễn dịch và giải mã gene đang được xem là 2 hướng nghiên cứu đầy triển vọng khi xem xét ung thư ở cấp độ phân tử.

Cụ thể, với liệu pháp miễn dịch, các chuyên gia chủ yếu sẽ căn cứ vào cơ chế tự tiêu diệt tế bào ung thư của cơ thể. “Các nghiên cứu đã chỉ ra, những bệnh nhân có nhiều tế bào lympho T CD8+ ở các khối u sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn. Đây là nhóm tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư”, TS. Liêm phân tích.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tuy nhiên, cơ chế tự bảo vệ của cơ thể thường bị tế bào ung thư phá vỡ. Qua quá trình đột biến và tự tiến hóa, tế bào ung thư sinh ra cơ chế tự bảo vệ để chống lại hệ miễn dịch (cụ thể là lympho T CD8+). Liệu pháp miễn dịch bao gồm một số phương pháp như kích hoạt tế bào lympho T CD8+ hoạt động hoặc trang bị cho nó các tính năng chống lại cơ chế tự bảo vệ của tế bào ung thư. Với cách điều trị bám vào chiều sâu, đi vào tận gốc dễ và căn cứ theo thể trạng của từng bệnh nhân, liệu pháp này đã mở ra hy vọng cho rất nhiều người dù đến nay, tỷ lệ thành công vẫn chỉ ở khoảng mức dưới 50%.

Một giải pháp khác đang được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi đó là liệu pháp giải mã gene. Bản chất của việc này là theo dõi quá trình tích lũy và đột biến của các tế bào ung thư để đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

Theo TS. Liêm, khi trong gia đình có người mắc ung thư thì các thành viên khác cũng cần theo dõi sát sao. Bởi vì ung thư là căn bệnh liên quan đến gene di truyền và thực tế cũng đã chứng minh, những ai trong gia đình có người thân mắc ung thư thì nguy cơ nhiễm bệnh của họ cũng cao hơn.

“Trị bệnh ung thư không phải là chuyện của 1 người mà đó là vấn đề của cả gia đình”, TS. Liêm khẳng định.

Cho đến nay trên thế giới, những ai có thể kéo dài mạng sống sau 5 năm năm trị bệnh ung thư đã được xem là tương đối thành công. Tuy nhiên, với 2 liệu pháp kể trên cùng với việc tuyên truyền phòng ngừa ung thư được đẩy mạnh, các nhà khoa học hy vọng, trong tương lai, căn bệnh này sẽ được đẩy lùi. Đây có thể cũng là tin vui giúp những bệnh nhân ung thư có thâm động lực để tiếp tục chiến đấu bởi vì y học đang ngày càng hiện đại hơn với nhiều liệu pháp điều trị tiên tiến.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm (1983) là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson - viện ung thư số 1 của Mỹ do tạp chí US News xếp hạng trong suốt 12 năm qua.

Công trình nghiên cứu gene tiêu diệt tế bào ung thư do Tiến sĩ Phan Minh Liêm cùng 30 nhà khoa học các nước đã thành công vào năm 2014 và đăng ký bản quyền tại Viện Anderson. Công trình nghiên cứu đã phát hiện ra một gene kháng ung thư quan trọng có khả năng tiêu diệt ung thư hiệu quả cũng như đảo ngược quá trình chuyển hóa năng lượng của khối u. Các kết quả nghiên cứu này sẽ giúp phát triển phương pháp điều trị mới có thể tiêu diệt ung thư hiệu quả, chính xác và giảm khả
năng di căn, ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư thay vì dùng phương pháp điều trị xạ trị hay hóa trị.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/xai-nuoc-hoa-fake-thuong-xuyen-dung-nuoc-tuong-va-vo-van-ly-do-troi-oi-dat-hoi-gay-ung-thu-khien-nguoi-ta-sung-so-2605849.html