Xăm hình logo đổi pizza

Hãng pizza Domino có một chiêu thức tiếp thị độc đáo: Họ rao ai đồng ý xăm hình logo của hãng này lên người rồi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội sẽ được '100 pizza/năm trong vòng 100 năm'! Theo tờ Wall Street Journal, chiến dịch thoạt tiên dự định sẽ kéo dài hai tháng nhưng mới bốn ngày đã phải kết thúc sớm vì quá nhiều người đến đăng ký xăm hình. Cuối cùng có 381 người sẽ được ăn pizza mệt nghỉ suốt đời.

Domino không phải là hãng duy nhất có ý tưởng kỳ lạ này. Melt, một chuỗi cửa hàng ăn uống ở bang Ohio, Mỹ chào mời khách cứ xăm hình của chuỗi, đổi lại họ sẽ được giảm giá 25% thức ăn mua ở đây suốt đời. Đến nay có hơn 900 người tham gia và chiến dịch này vẫn còn tiếp tục. Năm 1999 tiệm ăn Casa Sanchez ở San Francisco rao ai xăm logo cửa tiệm lên người sẽ được ăn trưa miễn phí vĩnh viễn.

Cách tiếp thị này không chỉ giới hạn ở Mỹ. Theo CNBC, năm 2016 một tiệm ăn ở Úc tên Café 51 cho khách ăn bánh mì kẹp thịt miễn phí mãi mãi với điều kiện khách chịu xăm hình chiếc bánh mì kẹp thịt. Vấn đề nằm ở chỗ yêu cầu đặt ra là hình xăm phải đúng kích cỡ chiếc bánh mì thực tế, tức là rất lớn. Thế mà vẫn có 3.500 người đăng ký để cuối cùng 10 người được chọn.

Đầu thập niên 2000 vào thời cao trào của đợt bùng nổ các công ty công nghệ, mệnh danh là thời dot-com, tin tức tràn ngập về chuyện nhiều người bán đấu giá diện tích da trên mặt và thân thể để các thương hiệu xuất hiện. Năm 2005 có một cô đồng ý xăm địa chỉ của trang web chuyên đánh bạc (GoldenPalace.com) ngay trên trán để lấy 10.000 đô la. Nghe nói tiệm xăm hình đã bỏ ra 7 tiếng để thuyết phục cô này từ bỏ ý định. Năm 2012 trang BuzzFeed làm một phóng sự về thời kỳ này, đã bỏ công đi tìm và phỏng vấn những người vẫn còn hình xăm thời đó. Hầu hết các thương hiệu ồn ào ngày xưa nay đã biến mất còn nhiều người xăm hình vẫn gặp khó khăn tài chính như xưa.

Tờ Vox tổng kết các chiến dịch quảng cáo bằng hình xăm để cho rằng lúc nào cũng có người cần thức ăn đến nỗi sẵn sàng xăm hình bất kể xấu đẹp. Còn xăm hình các thương hiệu mang tính mỹ thuật như hình đôi cánh của hãng xe mô tô Harley Davidson mà nhiều tay phóng mô tô bạt mạng trên xa lộ sẵn sàng xăm, không đợi ai trả tiền là rất hiếm. Vox cho rằng hình xăm logo thương hiệu thoạt tiên thấy vui vui nhưng đây là cách các thương hiệu len lỏi vào mạng xã hội nhưng không bền vững, không sòng phẳng cho lắm.

Chiến dịch loại này đôi lúc phản tác dụng như trường hợp nhà xuất bản Hachette, tìm cách quảng bá tại Úc cho cuốn thứ tư trong loạt sách “Cô gái với hình xăm rồng”. Tờ Verge cho biết nhà xuất bản này cố tìm ra một cô sẵn sàng xăm hình con rồng to tướng trên lưng nhưng sau đó phải bỏ cuộc vì mạng xã hội phê phán tính đạo đức của cách quảng cáo này.

Các nhà tâm lý cho rằng lời chào mời đồ miễn phí thường làm người ta mờ mắt không để ý đến hậu quả. Bởi chi phí để xóa một hình xăm có thể lên đến vài ngàn đô la, chưa kể bị đau hơn cả lúc xăm.

Cũng có những doanh nghiệp tìm cách thuyết phục nhân viên xăm hình để quảng bá cho công ty. Như công ty Anytime Fitness đã thuyết phục được cả nhân viên lẫn thành viên sử dụng dịch vụ tập thể hình của công ty xăm hình logo lên cơ thể. Theo một bài viết trên trang web của nơi này, tính đến năm 2017 có hơn 4.000 người đồng ý tham gia và họ chỉ được công ty hỗ trợ tiền công xăm hình chứ không có khuyến mãi gì cả. Ở đây có thể người tham gia nghĩ logo là một dấu chứng nhận họ là thành viên một cộng đồng gắn kết vì mục tiêu sức khỏe.

Theo nhiều nguồn tin, hãng Nike có một hội kín đặt tên EKIN (tức Nike đọc ngược) gồm những người chuyên làm tiếp thị du kích cho hãng. Năm 1994, tờ New York Times lần đầu tiên đưa tin về nhóm này, cho biết họ đều có logo của Nike xăm lên chân. Cách nhận dạng này theo tạp chí Complex vẫn còn được tiếp tục khi họ phỏng vấn một EKIN giấu tên vào năm 2013. Tờ này trích lời nhân vật EKIN cho biết: “... vâng, tôi có hình xăm Swoosh. Không ai lấy súng bắt bạn phải xăm logo Swoosh nhưng nhiều người đồng ý xăm”.

Nguyễn Phan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279193/xam-hinh-logo-doi-pizza-.html