Xâm phạm di sản: Quyết liệt trên giấy tờ, buông lỏng trong thực tiễn

Câu chuyện về công trình trái phép Tràng An cùng với những hệ lụy của nó đã đặt ra những báo động lớn về vấn nạn xâm phạm di sản.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama đã ngang nhiên lấp danh thắng quốc gia Vịnh Nha Trang. Ảnh: Dân Trí

Nhiều năm nay, tình trạng xâm phạm di sản đối với các công trình di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh ngày càng có những diễn biến phức tạp. Ngoài việc, đây là những hệ lụy của quá trình phát triển văn hóa thì công tác buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn di sản bị xâm hại.

Mới đây, sự việc công trình trái phép xuyên lõi núi Cái Hạ, khu vực Tràng An được xây dựng đã gây nên những bức xúc và phản ứng trong dư luận. Điều đáng nói, quá trình xây dựng cây cầu với gần 2.000 bậc bêtông cốt thép kéo dài suốt 5 tháng, bất chấp sự quản lý của các cấp chính quyền.

Ngoài ra, những quy định về Luật Di sản và các cam kết ràng buộc với UNESCO cũng bị chủ đầu tư phớt lờ, xem nhẹ.

Không chỉ Tràng An, hầu hết những khu vực được xem là di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam hiện nay đều đang phải đối diện với tình trạng bị xâm hại.

Chia sẻ với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, ông vừa chứng kiến thêm một trường hợp di sản thiên nhiên cũng bị xâm hại với mức độ tương tự sự việc tại Tràng An.

Công tác tháo dỡ công trình trái phép để lại nhiều di chứng nặng nề đối với di sản Tràng An. Ảnh: B.Đ

Theo đó, mới đây ở Tây Nguyên, đoàn khảo sát khảo cổ học đã phải chứng kiến một con đường bêtông ngang nhiên mọc lên và ăn sâu vào tận trong lòng núi thuộc khu vực hang động núi lửa ở Buôn Choáh, Đắc Lắc.

Đây khu vực di sản thiên nhiên đã được nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Khu vực hang động núi lửa ở Buôn Choáh, Đắc Lắc đang được địa phương này hoàn thiện hồ sơ và trình tổ chức UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu.

Đến tháng 8.2018, sẽ có kết quả về sự việc này. Tuy nhiên, trước tình trạng đang bị xâm hại nghiêm trọng, khu vực hang động núi lửa thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô, Đắc Lắc) khó có thể đạt được các tiêu chí do UNESCO yêu cầu.

Cụ thể, trong khu vực hang động núi lửa hiện có 26 giếng khoan của người dân đang sử dụng để lấy nước phục vụ sản xuất, mỗi giếng có chiều sâu từ 40m-60m. Các giếng nằm rải rác trong khu vực đất xâm canh của người dân để phục vụ cho công tác tưới tiêu cây trồng.

Nói về hành vi xâm hại di tích, di sản văn hóa, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là hình thức “phạt cho tồn tại” của các cơ quan chức năng hiện nay.

Điều này dẫn đến vấn nạn các doanh nghiệp sẽ coi thường, bất chấp các văn bản quản lý để tiếp tục vi phạm.

Công tác giám sát, thiếu chặt chẽ, quyết liệt của các ban ngành cũng khiến cho pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản mà không đi sâu vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Dương Trung Quốc viện dẫn câu chuyện về Công ty Cổ phần khu du lịch Champarama đã đổ hàng nghìn khối đất, đá lấn biển vịnh Nha Trang trái phép để làm dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Rerort & Spa. Hành vi ngang nhiên xâm hại di sản thiên nhiên nhưng lại chỉ bị phạt hành chính 100 triệu đồng mà không bị phá dỡ. “Như vậy là chúng ta chỉ phạt cho có, mới chỉ quyết liệt trên công văn, giấy tờ mà buông lỏng trong thực tế quản lý”, ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Về vấn đề này, PGS Trần Lâm Biền khẳng định, việc nhiều di tích bị xâm hại, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di tích là vốn quý của quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt thực thi pháp luật trong việc xử lý sai phạm liên quan đến các công trình di tích, di sản văn hóa.

Đ.B

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/xam-pham-di-san-quyet-liet-tren-giay-to-buong-long-trong-thuc-tien-619398.ldo