Xăng dầu, cước vận tải giảm góp phần hóa giải áp lực lạm phát

Với quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của liên Bộ Công thương - Tài chính trong việc điều hành giá thông qua các biện pháp giảm thuế, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã giúp giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm, giá cước vận tải giảm theo, qua đó góp phần giảm áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2022.

Cước vận tải giảm nhiệt theo giá xăng dầu

Bằng những giải pháp quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ và liên Bộ Công thương - Tài chính, từ tháng 7/2022 trở lại đây, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh giảm sâu, được giới doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính vào ngày 21/9 vừa qua, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 22.580 đồng và E5 RON 92 là 21.780 đồng. Giá xăng trong nước có kỳ giảm lần thứ 8 trong 2,5 tháng qua, về mức thấp nhất từ đầu năm 2022. So với cuối tháng 6/2022, mỗi lít RON 95-III giảm khoảng 10.290 đồng; E5 RON 92 giảm 9.520 đồng; dầu diesel giảm hơn 7.420 đồng.

Giá xăng dầu trong nước giảm trong thời gian qua đã có tác động trực tiếp giúp giá cước vận tải giảm theo, góp phần hóa giải áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2022.

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải Đồ họa: Văn Chung

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, ở lĩnh vực đường bộ, đến thời điểm hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đồng/km) tương đương từ 4,5% đến 12%; khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm giá cước từ 5,26% đến 14,7%; các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại - dịch vụ Đất Cảng cho hay, đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được liên Bộ Công thương - Tài chính ghi nhận và có các biện pháp tích cực như giảm thuế bảo vệ môi trường, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu… giúp giá xăng bán lẻ trong nước giảm sâu trong thời gian qua.

“Nhờ giá xăng dầu liên tục giảm, chúng tôi đã giảm giá cước vận tải 15% từ tháng trước. Tuyến Hải Phòng – Hà Nội đỉnh điểm giá là 150.000 đồng/lượt nay giảm còn 135.000 đồng/lượt/hành khách. Tỷ lệ hành khách và chuyến xe tăng…, đầu xe vận hành phục hồi 60% so với thời điểm trước dịch Covid-19”- ông Thanh Hải chia sẻ.

Qua khảo sát của phóng viên TBTCVN, thị trường tiêu dùng đang diễn ra nghịch lý, trong khi giá xăng dầu giảm sâu, giá vận tải giảm nhưng giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng từ rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, các loại trứng vẫn không chịu giảm theo và neo ở mức cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng tiêu dùng không giảm theo giá xăng dầu và vận tải là bất hợp lý, nguyên nhân chính là khâu trung gian. Cần phải có giải pháp cụ thể cùng chế tài đủ mạnh để đưa hàng hóa về mức giá hợp lý.

Đồng thuận với đề xuất tiếp tục giảm thuế xăng dầu

Kiên trì với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người dân phục hồi sau dịch Covid-19, ngày 23/9, Bộ Tài chính có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu với mức giảm 2 sắc thuế trên lên tới 50% so với hiện hành.

Đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã nhận thức được nguyên nhân gây ra lạm phát trong những tháng đầu năm 2022 cũng như những tháng tiếp theo của nền kinh tế là giá xăng dầu và một số yếu tố khác. Do đó, đã có những giải pháp hiệu quả trong việc điều hành giá, cũng như các đề xuất giảm thuế với xăng dầu…

Tín hiệu vui cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế

Về đề xuất tiếp tục giảm thuế xăng dầu của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, đây là một tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu kéo giá xăng dầu về ngưỡng 20.000 - 22.000 đồng/lít là cơ hội giúp doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất kinh doanh và là phương án tối ưu bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.

“Tổng chi phí xăng dầu trong tổng chi phí nền kinh tế chiếm đến 3,82%, trong đó có một số ngành chi phí xăng dầu chiếm rất cao… Tôi cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục cắt giảm thuế phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và giải pháp này cũng được được nhiều nước trên thế giới áp dụng” - TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Đứng ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành mà cụ thể là liên Bộ Công thương - Tài chính quan tâm đến giá xăng dầu là động lực cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong thời kỳ hậu Covid-19. Việc đề xuất giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và mức thuế GTGT đối với xăng dầu là cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhiệt và chính sách giảm thuế nhằm kiềm chế lạm phát hiện nay, giá xăng dầu trong nước có cơ hội tiếp tục giảm.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xang-dau-cuoc-van-tai-giam-gop-phan-hoa-giai-ap-luc-lam-phat-113562-113562.html