Xăng dầu giảm giá, cước vận tải khách vẫn 'đứng im'

ĐBP - Hơn một tháng qua, giá xăng, dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra đó là giá xăng, dầu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 6, nhưng giá cước vận tải khách vẫn 'đứng im'.

Giá xăng dầu liên tục giảm song giá cước vận tải hành khách vẫn chưa điều chỉnh giảm. Trong ảnh: Phương tiện trả khách tại điểm dừng đón trả khách tại chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ.

Thời điểm tháng 6, giá xăng tăng đạt ngưỡng 33.520 đồng/lít, giá dầu diezel là 30.610 đồng/lít, nhiều công ty vận tải khách trên địa bàn tỉnh đã kê khai, niêm yết giá cước tăng từ 10 - 15% so với hồi đầu năm (tháng 2/2022). Đơn cử như, tháng 7, Công ty TNHH Long Giang Điện Biên đã tăng giá vé các tuyến vận tải khách cố định như: Điện Biên - Quảng Ninh từ 400.000 lên 500.000 đồng; Mường Chà - Quảng Ninh từ 450.000 lên 520.000 đồng; Bản Phủ - Quảng Ninh từ 500.000 lên 600.000 đồng. Hoặc Doanh nghiệp tư nhân vận tải hành khách và hàng hóa Thành Chi đã tăng giá cước tuyến: Điện Biên - Thái Bình từ 400.000 - 440.000 đồng, Điện Biên - Lai Châu từ 140.000 lên 180.000 đồng; tuyến nội tỉnh Điện Biên Phủ - Nà Hỳ 96.000 lên 120.000 đồng, Điện Biên Phủ - Mường Nhé từ 140.000 lên 180.000 đồng... Bên cạnh đó, giá cước các hãng taxi cũng đồng loạt kê khai tăng giá. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng dầu liên tục giảm sâu song giá vận tải khách vẫn chưa giảm theo.

Anh Nguyễn Văn Hùng, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi, nhất là vào buổi tối. Khi giá dịch vụ taxi tăng cao hơn trước, các tài xế taxi đều trả lời do giá xăng dầu tăng nên hãng điều chỉnh tăng giá cước. Mỗi lần đi từ phường Him Lam đến Noong Bua tôi phải trả khoảng 100.000 đồng/lượt, tăng 20.000 đồng so với thời điểm tháng 2. Thế nhưng 2 tháng nay giá xăng dầu giảm sâu song giá cước taxi vẫn chưa thấy giảm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Vĩnh Phú, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 30%) trong giá thành vận tải khách. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán giá cước. Giá cước này cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu. Nếu giá vé cao nhưng đơn vị vận tải cung cấp dịch vụ tốt, hành khách vẫn tin tưởng sử dụng, ngược lại nếu đơn vị kê khai giá cao nhưng dịch vụ kém sẽ không có khách thì đơn vị đó cũng phải sớm hạ giá cước. Bên cạnh đó, thực tế ở tỉnh ta, hầu hết các đơn vị vận tải rất ít khi kê khai thay đổi giá cước, phần lớn các đơn vị có lần kê khai giá gần đây nhất là từ năm 2017 - 2018, thậm chí có đơn vị từ năm 2016 đến nay chưa kê khai lại giá. Do đó, vừa qua, khi giá dầu tăng giá, nhiều đơn vị đã tính toán và kê khai giá cước vận tải khách trên cơ sở phù hợp thực tế và đảm bảo đơn vị có lợi nhuận.

Lý giải nguyên nhân giá xăng dầu giảm nhưng giá cước chưa giảm, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Mai Linh Điện Biên cho biết: Mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 200.000 đồng/xe. Vì chi phí lớn và mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt giảm giá xăng dầu. Dù tháng 7, hãng đã kê khai tăng giá cước song thực tế cho thấy giá cước taxi Mai Linh tại Điện Biên đang thuộc nhóm thấp nhất trong cả nước. Thời gian tới, nếu cơ quan quản lý Nhà nước có những điều chỉnh giúp bình ổn giá xăng dầu thì đơn vị cũng sẽ có những điều chính giá cước phù hợp với điều kiện thực tế trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và hành khách.

Nói về cách quản lý giá cước, ông Bùi Vĩnh Phú cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cước trong lĩnh vực vận tải khách, vừa qua Sở Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giá. Trong đó chấp hành việc kê khai, niêm yết công khai giá vé theo quy định; đẩy nhanh việc triển khai và áp dụng quy định về vé điện tử trong vận tải hành khách. Các đơn vị căn cứ vào biến động giá nguyên liệu và các yếu tố cấu thành giá để kê khai giá cước cho phù hợp, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và hành khách. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không tự ý tăng giá vé, thu tiền vé cao hơn giá niêm yết; xe taxi không sử dụng đồng hồ tính tiền hoặc đồng hồ tính tiền không đáp ứng điều kiện theo quy định.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/199994/xang-dau-giam-gia-cuoc-van-tai-khach-van-%E2%80%9Cdung-im%E2%80%9D