Xăng tăng vượt mốc 30.000 đồng/lít: Dân lo không tiền đổ vì lương cứ mãi 'ì ạch'

Tính đến ngày 24/5, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới. Giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 680 đồng/lít lên 29.630 đồng/lít, còn xăng RON 95-III tăng 670 đồng/lít lên 30.650 đồng/lít.

Tìm mọi cách để tiết kiệm tiền đổ xăng

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, anh Đào Xuân Thành (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) cho biết, anh đã chuyển sang đi xe đạp đến công ty, sau khi biết tin giá xăng đã vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Áp lực khi giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo, khiến người dân lo lắng khi phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh: TL

Bài liên quan

Xăng tăng thêm 680 đồng/lít, vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít

Tài xế bỏ nghề, doanh nghiệp thiếu lao động vì điệp khúc xăng tăng giá

Xăng tăng, hàng hóa tăng theo, tiểu thương gồng mình cắt bớt lãi

Giá xăng tăng cao kỷ lục, thêm 1.500 đồng/lít

"Từ nhà tới công ty khoảng 30 km, dù có hơi xa nhưng coi như là tập thể dục. Hôm trước mới chạy xe máy đi 'bão' vòng vòng thành phố, hôm nay nghe tin giá xăng tăng tự dưng thấy 'nhót'. Nếu biết trước thì đã đi 'bão' bằng... xe đạp rồi", anh Thành cười nói.

Với sự đồng cảm trước thời "bão giá", chị Thanh Xuân (30 tuổi, ngụ quận 10) cho biết, chị đã hạn chế sử dụng xe máy bằng mọi cách để tiết kiệm tiền chi tiêu trong gia đình. Trước đây, chỉ với 50.000 đồng, chị Xuân đã có thể đổ đầy bình, chạy 2-3 ngày mới hết. Nhưng giờ đây, mức giá đó chỉ đủ làm đầy 3/5 bình xăng.

"Tôi có thói quen đi xe máy, dù đi chợ hay qua nhà người quen gần đây. Nhưng giờ xăng đắt quá, muốn tiết kiệm thì tôi chỉ dùng xe khi đi đâu xa. Còn lại thì đi bộ hết", chị Xuân tâm sự.

Với tính chất công việc phải di chuyển nhiều và xa, chị Nguyễn Vy (22 tuổi, ngụ quận 10) chia sẻ, "né tránh" việc đi xe máy là điều không thể. Vì thế, người này đành "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm hết mức các khoản chi khác.

"Vì mới ra trường nên thu nhập không cao, ba mẹ cũng đã ngưng cho tiền tiêu vặt nên cuộc sống hiện tại rất khó khăn. Đổ 50 nghìn xăng chạy 2 ngày đã hết. Tôi đành chọn cách tạm nhịn ăn sáng vài bữa, không ăn vặt và hạn chế đi chơi với bạn. Tiền dư ra, tôi dùng đổ xăng chạy hàng ngày. Tính ra thì cũng không tích cóp gì được", Vy nói.

Mọi thứ đều tăng, riêng lương cứ mãi "đứng yên"

Theo khảo sát, đồng loạt các mặt hàng trên thị trường đều trên đà tăng giá. Cụ thể, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh ba lần từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000-55.000 đồng mỗi lít. Giá này tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi hai năm trước.

Dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000-85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020.

Các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng,... đồng loạt tăng giá bởi ảnh hưởng của giá xăng.

Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như gạo, trái cây, thịt,.... cũng có chiều hướng tăng mạnh.

Trước thời "bão giá", chị Gia Hân (22 tuổi, công nhân tại xưởng sản xuất ở Bình Dương) buồn bã bởi mức lương "chờ hoài không thấy tăng".

Được biết, công việc của chị lương cơ bản 4.970.000 đồng/tháng (đã bao gồm chế độ bao ăn, BHXH, trợ cấp,...).

Xăng tăng được xem như nỗi lo lớn của người dân, đặc biệt là các công nhân có mức lương thấp.

"Nhiều ngày qua cái gì cũng tăng giá hết mà sao chưa nghe nói sẽ tăng lương. Tính đi tính lại mới thấy chi tiêu đội lên gấp đôi. Tôi phải tăng ca lên 12 tiếng vào ban ngày để được thêm 387 nghìn, 12 tiếng vào ban đêm để thêm 506 nghìn. Thật sự rất khó khăn", Hân nói.

Dù giá xăng leo thang, nhiều người vẫn còn cách xoay sở để cân đối thu chi. Song, đối với những ai làm nghề giao hàng, xe ôm,... đó dường như là một khó khăn lớn.

"Trước đây 1 tháng đổ tầm 1 triệu 100 nghìn tiền xăng, giờ đây lên tới 1 triệu 500 nghìn, có khi lại hơn. Vậy mà tiền chiết khấu giữ nguyên, thu nhập vẫn vậy trong khi các chi phí khác lại tăng khủng khiếp. Tôi phải lấy thu nhập bù vào khoản tăng đó. Với nhiều người, số tiền này không là gì nhưng nó là một ngày công của tôi", anh Hà Dương (23 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) bộc bạch.

Không chỉ riêng anh Dương, ông Hoàng Văn Nguyên, một shipper của Grab, than thở: "So với xe ôm công nghệ, giá cước giao hàng thường thấp hơn giá cước chở khách, ưu đãi cũng ít hơn nên khi giá xăng tăng cao shipper chịu thiệt thòi hơn cả. Cứ đà này, chỉ còn cách tắt app, mong hãng xe nghe được tiếng nói của chúng tôi, rồi đưa ra phương án thích hợp".

Nhiều tài xế mòn mỏi chờ hãng xe tăng chiết khấu.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa bắt đầu lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan, hiệp hội về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.

Cụ thể, bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng như hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất từ 1/7/2022 sẽ có thêm mức lương tối thiểu tính theo giờ.

Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu theo giờ, tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nếu được thông qua, lần đầu tiên nước ta có mức lương tối thiểu tính theo giờ.

Dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng gồm: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trên thực tế, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xang-tang-vuot-moc-30000-dong-lit-dan-lo-khong-tien-do-vi-luong-cu-mai-i-ach-post196209.html