Xanh lại những cánh rừng

Về các huyện miền núi dễ dàng bắt gặp màu xanh của những cánh rừng gỗ lớn lan rộng và kéo dài qua nhiều quả đồi. Đó là thành quả bước đầu của việc người dân liên kết trồng và quản lý theo tiêu chuẩn của chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới).

Trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC giúp những cánh rừng giáp ranh khu vực huyện Ba Tơ và TX.Đức Phổ xanh mướt.

Cây lớn, rừng xanh
Hơn 7ha cây keo của gia đình đã bước sang năm thứ 5, nhưng ông Đinh Văn Chanh, thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh (Sơn Hà) không có ý định bán, mà tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa cây nhỏ. “Từ khi tham gia vào nhóm trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, tôi không bán keo dưới 6 năm tuổi, mà để chăm đến khi cây đủ 7-8 năm. Bởi, cây to gỗ nhiều, mà được khai thác từ rừng đạt tiêu chuẩn FSC thì doanh nghiệp (DN) sẽ thu mua với giá cao, trong khi chi phí duy trì tuổi rừng do DN hỗ trợ”, ông Chanh lý giải. Đầu năm 2023, huyện Sơn Hà có chủ trương trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông Chanh cũng băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề. Đó là nếu kéo dài tuổi rừng đủ 5 năm trở lên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, vì thu nhập bị thiếu hụt; hay chỉ trồng từ 2.700 - 3.000 cây/ha (thay vì 8.000 - 10 nghìn cây/ha như lâu nay) thì rừng thưa ít gỗ... Nhưng sau nhiều lần được cán bộ kỹ thuật giải thích, ông Chanh nghiệm ra rằng, cây keo đủ 5 năm tuổi trở lên thì lượng gỗ cũng sẽ nhiều hơn, giá trị rừng sẽ cao hơn. Vì vậy, không chỉ mạnh dạn tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 7ha, ông Chanh còn giải thích, vận động các hộ xung quanh, hoặc có rẫy lân cận. Đến nay, nhóm ông Chanh đã có 20 hộ tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân xã Sơn Linh (Sơn Hà) tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và nói không với bán keo non.

Còn hộ bà Đinh Thị Lợ, cùng thôn Làng Xinh cũng tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC sau gần 1 năm được cán bộ tuyên truyền, giải thích, cùng với những cam kết của Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà. Bà Lợ cho biết, khi tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ngoài việc hỗ trợ chi phí khai thác, duy trì tuổi rừng từ 2 - 7 triệu đồng/ha (tùy tuổi rừng), công ty hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng gỗ với giá cao hơn thị trường ít nhất từ 10% trở lên. Đổi lại, chủ rừng cũng phải trồng, chăm sóc và khai thác rừng đúng quy trình, quy định của công ty và tuyệt đối không được bán keo dưới 5 năm. “Tôi nghĩ bán keo lấy gỗ có giá trị hơn keo làm dăm, mà lại được DN bao tiêu nên yên tâm, không lo thương lái ép giá. Như khi giá keo dăm giảm chỉ còn 1 triệu đồng/tấn, thì keo ở rừng đạt tiêu chuẩn FSC vẫn được DN thu mua với mức từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/tấn”, bà Lợ nhìn nhận. Vì vậy đến nay, xã Sơn Linh có gần 270ha rừng của người dân 3 thôn là Làng Xinh, Bồ Nung và Làng Ghè liên kết với Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà trồng rừng theo chứng chỉ FSC.

Từng bước tạo rừng gỗ lớn

Cùng với trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, chính quyền và người dân một số địa phương tăng cường trồng cây bản địa như lim xanh, sao, sến... để tạo hàng rào chắn gió giữ đất, cũng như khôi phục hệ sinh thái cho rừng sản xuất. Điển hình là phong trào trồng cây lim xanh tại xã Long Môn, Long Mai, Long Sơn (Minh Long) hay trồng sến, tại xã Trà Bình (Trà Bồng). Ông Phạm Ngọc Thông, thôn Bình Thanh, xã Trà Bình cho biết, ban đầu tôi trồng cây sến với mục đích làm “hàng rào xanh” bên ngoài rừng sản xuất, sau đó mở rộng dần diện tích cây sến gần 1ha. Hiện cây sến đã được 6 năm tuổi, giá bán 5 - 6 triệu đồng/cây (tùy kích thước) nhưng tôi không có ý định khai thác, mà chăm sóc để cây phát triển thành rừng gỗ lớn, để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa giữ đất, giữ nước.

Giám đốc Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà Phan Đình Hiếu cho biết, để liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở các xã Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Bao, Sơn Kỳ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với diện tích khoảng 3.000ha, công ty thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí từ 2 - 7 triệu đồng/ha (tùy tuổi rừng) và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng gỗ với mức cao hơn 10% trở lên. Ngoài ra, toàn bộ chi phí tư vấn, đánh giá và duy trì các tiêu chuẩn FSC do DN hỗ trợ 100%. Thời gian đến, công ty tiếp tục liên kết, mở rộng diện tích trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đạt trên 10 nghìn héc ta, đảm bảo DN xoay vòng nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu mỗi năm.

Vì sự bền vững của rừng
Bên cạnh hiệu quả kinh tế và môi trường, việc trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh (Sơn Hà) Đinh Văn Bum cho biết, liên kết trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ giúp người dân yên tâm về đầu ra và hiệu quả kinh tế cao hơn từ 25 - 30% so với phương thức truyền thống, mà còn thay đổi thói quen trồng, khai thác rừng của người dân, từng bước tiến đến chấm dứt nạn bán keo non. Đặc biệt, những lô rừng được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn FSC có sự chuyển biến trong hệ sinh thái của rừng qua việc trở lại của một số loại côn trùng có lợi hay chim chóc. Chính vì vậy, việc phát triển diện tích rừng trồng và quản lý theo tiêu chuẩn FSC được ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện. Dẫn đầu là huyện Trà Bồng, với diện tích 7.600ha của 1.000 hộ ở 8 xã gồm Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Thanh, Trà Sơn và Trà Giang (thông qua nhóm chủ rừng là Công ty CP Lâm sản Xuân Lộc). Ông Hồ Văn Kim, ở thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết, năm 2021, khi chính quyền vận động trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ai cũng e ngại vì có quá nhiều quy định, thủ tục. Khó nhất là người dân không được đốt thực bì, trồng thưa (khoảng 3.000 cây/ha, giảm 5.000 - 7.000 cây/ha), không được bán keo dưới 5 năm tuổi... Trong khi trên địa bàn huyện Trà Bồng thường xảy ra mưa to gió lớn, cây dễ ngã đổ. “Nhưng sau thời gian theo dõi những lô rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, tôi thấy cây to, gỗ nhiều, mà đất ít bị trôi hơn và nhất là gỗ được DN ưu tiên thu mua với giá cao. Như 6ha rừng của tôi liên kết trồng theo tiêu chuẩn FSC, thì rừng thoáng, cây to nên nguy cơ dịch bệnh, ngã đổ cũng sẽ giảm”, ông Kim chia sẻ.

Gỗ khai thác từ rừng đạt tiêu chuẩn FSC đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, để nâng cao giá trị của rừng trồng, bảo vệ môi trường cũng như gia tăng thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện để DN đầu tư liên kết với người dân, hình thành và phát triển vùng nguyên liệu rừng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn FSC, PEFC (Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững), VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia). Qua đó hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, nhằm ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện đạt mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 có 20 nghìn héc ta rừng đạt chứng chỉ FSC và 40 nghìn héc ta vào năm 2030.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202403/xanh-lai-nhung-canh-rung-2fa1354/