Xấu hổ cảnh sân Mỹ Đình dơ bẩn: Đừng làm 'tổn thương' đội tuyển Việt Nam!

Trang chủ AFF Cup 2022 đang thông tin về trận Singapore - Việt Nam với hình ảnh sư tử và rồng vàng.

Đúng hơn, so với các năm trước thì AFF Cup 2022 đang đẩy mạnh nhận diện thương hiệu về biểu tượng của những đội bóng Đông Nam Á. Ví dụ Việt Nam là rồng vàng, Thái Lan: voi chiến, Malaysia: hổ Malay, Singapore: sư tử... Câu chuyện này có ý nghĩa quan trọng để nhận diện thương hiệu cho đội tuyển.

Nhìn xa hơn, bóng đá là môn thể thao được hàng tỷ người yêu mến. Nhiều đội tuyển quốc gia trên thế giới được xem là thương hiệu quốc gia. Argentina là ví dụ. Chức vô địch World Cup 2022 đã xoa dịu đi nỗi đau lạm phát, khủng hoảng kinh tế ở nước này. Hàng triệu người Argentina ăn mừng chức vô địch, nói về Messi và các đồng đội. Đây là sức mạnh của bóng đá.

Bóng đá Việt Nam cũng vậy. Sự thành công liên tục trong 5 năm qua tạo ra hình ảnh ấn tượng về đội tuyển quốc gia Việt Nam, xa hơn góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. FIFA nhắc về bóng đá Việt Nam rất nhiều. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã đến thăm VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam).

Chúng ta có thể nhìn về Qatar - đất nước có 2 triệu dân nhưng chấp nhận chi hơn 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022. Họ đã làm được và thành công trong sự ngưỡng mộ của thế giới. Không ít ý kiến cho rằng, Qatar mới chính là nhà vô địch thực thụ của World Cup 2022, dù đội tuyển quốc gia Qatar đi vào lịch sử với tư thế đội chủ nhà tệ nhất.

Một trong những điều được nói nhiều là các sân vận động hiện đại của Qatar. Ví dụ sân 974 là sân vận động đặc biệt nhất ở World Cup 2022. Sân bóng này được xây dựng từ 974 container tái chế. Sân 974 được thoát dỡ sau trận Brazil và Hàn Quốc nhận được sự quan tâm rất lớn từ truyền thông cùng người hâm mộ thế giới. Một lăng kính để thấy Qatar tạo ra sự đẳng cấp với một sân bóng có thể thoát dỡ. Bóng đá rõ ràng là đòn bẩy cho Qatar, giúp đất nước này nổi bật hơn trên trường quốc tế, vượt qua những sự hoài nghi ban đầu về khả năng tổ chức thành công World Cup 2022.

Kể ra một số ví dụ để thấy rằng, AFF Cup 2022 là nơi để các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị thật tốt khi chơi trên sân nhà. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh quốc gia và người hâm mộ được tự hào về đội tuyển.

Sân Morodok Techo của Campuchia rất đẹp.

Campuchia - một đội tuyển chưa bao giờ nằm trong nhóm mạnh của Đông Nam Á. Thành tích không tốt, đội tuyển không mạnh. Campuchia vẫn biết cách quảng bá khi thường xuyên đăng tải về sân Morodok Techo - niềm tự hào của bóng đá Campuchia. Sân Morodok Techo hiện đại, hoành tráng và đẹp lộng lẫy từ mái che đến cabin, mặt sân, ghế ngồi... Đây là điều ngợi khen cho Campuchia, trong đó Ban quản lý sân Morodok Techo cho thấy ý thức và trách nhiệm với người hâm mộ Campuchia.

Nói về sân vận động thì không chỉ có Campuchia mà Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang làm rất tốt. Thật đáng buồn là sân Mỹ Đình đang tạo ra tình cảnh trớ trêu. Tuyển Việt Nam đá hay nhưng sân Mỹ Đình quá tệ - đó là phản ứng của đông đảo người hâm mộ Đông Nam Á.

Tôi đem câu chuyện này trao đổi với những người làm bóng đá Việt Nam vì rất đông người hâm mộ Đông Nam Á buông lời lẽ chê sân Mỹ Đình, thậm chí bình luận rất nặng lời. Họ cũng nói rằng: Nhìn thật xấu hổ!

Ban quản lý sân Mỹ Đình nói thiếu tiền nên 12 năm chưa thay mặt cỏ. Lãnh đạo ngành thể thao nói không thiếu kinh phí, chỉ do thiếu nắng nên cỏ không xanh. Xà ngang bung là do bên quản lý và nhà thầu phối hợp cho tốt... Rất nhiều lý do được đưa ra về các sự cố, vấn đề tồn đọng ở sân Mỹ Đình.

Tuy nhiên, sân Mỹ Đình có cảnh dơ bẩn từ ghế ngồi khán giả, nhà vệ sinh bẩn và bốc mùi hôi thối, ngay đến khu vực báo chí tác nghiệp cũng dơ với bụi phủ kín... Có câu nói "nghèo cho sạch, rách chơ thơm", tức sân Mỹ Đình đổ lỗi về kinh phí thì không có nghĩa phải dơ bẩn, hôi thối. Nên nhớ, sân Mỹ Đình là sân vận động quốc gia!

Khán giả đến sân Mỹ Đình chụp ảnh đưa lên mạng than thở về cảnh dơ bẩn.

Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình - ông Nguyễn Trọng Hổ không thể chỉ nói về chuyện Ban quản lý sân Mỹ Đình kiếm tiền trả lương cho nhân viên còn không đủ, hay mặt cỏ 12 năm chưa thay... Chưa có tiền sắm đồ xịn thì không đồng nghĩa phải dơ bẩn. Lấy trường hợp ông Nguyễn Trọng Hổ là khán giả bỏ 600 nghìn đồng mua vé, tốn thời gian đi xem bóng đá. Liệu ông Hổ có chấp nhận ngồi ghế dính đầy bụi, đi vệ sinh trong cảnh hôi thối?

Nhắc rằng, tuyển Việt Nam đã mất một thời gian rất dài để tạo dựng được thương hiệu ở Đông Nam Á, xa hơn là châu lục. Bây giờ thầy trò HLV Park hang Seo vẫn đang thành công, gây ấn tượng ở AFF Cup 2022. Tất cả góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp cho Việt Nam.

Thật nghịch lý khi đội tuyển chơi hay thì sân vận động quốc gia trở thành chủ đề châm biếm trên khắp diễn đàn Đông Nam Á. Mọi thứ phải được khắc phục. Không thể để sân Mỹ Đình làm "tổn thương" thương hiệu đội tuyển quốc gia, hãy có trách nhiệm với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Hoài Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/xau-ho-canh-san-my-dinh-do-ban-202212301124122673.html