Xâu xé đất rừng tại Gia Lai: 'Con voi chui lọt lỗ kim' bằng cách nào?

Hàng chục nghìn mét vuông đất rừng đã bị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái luật cho chính các cán bộ, nhân viên BQL rừng ở Gia Lai.

Cán bộ “xâu xé” đất rừng

Năm 2007, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định thu hồi 400.000m2 trong tổng số 765.000m2 đất rừng tại Tiểu khu 389, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ( BQLRPH) Bắc Biển Hồ quản lý để xây dựng Khu công nghiệp Diên Phú. Lợi dụng cơ hội này, cán bộ, nhân viên của BQLRPH Bắc Biển Hồ lên kế hoạch “hô biến” đất rừng thành đất của mình.

Sau khi thu hồi đất làm khu công nghiệp Diên Phú, còn một diện tích đất rừng khá lớn và cơ hội cho các cán bộ, nhân viên Ban QLR xâu xé đất rừng.

Sau khi thu hồi đất làm khu công nghiệp Diên Phú, còn một diện tích đất rừng khá lớn và cơ hội cho các cán bộ, nhân viên Ban QLR xâu xé đất rừng.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai, vào ngày 15/9/2010, bà Mai Thị Ngọc Thỏa (nhân viên Ban QLRPH Bắc Biển Hồ) nộp 2 hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với hai thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000m2 tại bộ phận một cửa của UBND TP.Pleiku.

Đến ngày 21/01/2011, UBND TP Pleiku cấp cho bà Thỏa hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BD 317952 và BD 317953 tại thửa đất số 95 và 96 với tổng diện tích hơn 30.000 m2. Một năm sau, bà Thỏa chuyển nhượng cho ông Đặng Văn Cườm (Kế toán trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ, bị cáo) và ông Đặng Xuân Thu (nguyên Phó Trưởng QLRPH Bắc Biển Hồ) mỗi người hơn 10.000m2.

Nhận thấy có dễ dàng “hô biến” đất rừng, ngày 3/5/2012, khi mới nhận chức Trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ, ông Nguyễn Đức (SN1971) nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 97, với diện tích gần 17.000m2. Nhưng khác với bà Thỏa, ông Đức khai nguồn gốc đất là nhận chuyển nhượng của người khác. Chỉ sau hơn 1 tháng, đến ngày 12/6/2012, UBND thành phố Pleiku cấp GCNQSDĐ số BI 753848 đối với thửa đất số 97 cho hộ ông Nguyễn Đức đúng với diện tích ông này đề nghị cấp.

Diện tích đất rừng bị ông Nguyễn Đức (cựu Trưởng ban QLR Bắc Biển Hồ) lấn chiếm, làm nhà ở, vườn tược.

Dựa trên kết quả điều tra, các tài liệu liệu chứng cứ thu thập được, biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định diện tích mà UBND thành phố Pleiku cấp GCNQSDĐ cho bà Mai Thị Ngọc Thỏa và Nguyễn Đức là cấp trên phần đất lâm nghiệp thuộc lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 389, lâm phần Ban QLRPH Bắc Biển Hồ quản lý. Diện tích này thuộc quỹ đất còn lại của thửa đất số 52 sau khi UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi một phần cho khu công nghiệp Diên Phú.

Con voi đã chui lọt lỗ kim như thế nào?

Trong việc cấp 3 GCNQSDĐ cho 3 thửa đất của bà Mai Thị Ngọc Thỏa và ông Nguyễn Đức với tổng diện tích hơn 47.000m2, cả hai đều nhận được sự giúp sức “nhiệt tình” của nhiều người ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Trong số 85.000m2 đất rừng bị lấn chiếm, hơn một nửa đã được cấp GCNQSDĐ cho cán bộ, nhân viên Ban QLR Bắc Biển Hồ.

Cụ thể, ông Ngô Văn Bằng (Chủ tịch UBND) và ông Mã Phi Bình (cán bộ địa chính) xã Diên Phú là những người đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ của bà Mai Thị Ngọc Thỏa và ông Nguyễn Đức đề nghị cấp GCNQSDĐ. Mặc dù diện tích đất mà bà Thỏa và ông Đức không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là đất lâm nghiệp nhưng ông Bằng và ông Bình không kiểm tra nguồn gốc đất, không đối chiếu với bản đồ địa chính do xã Diên Phú quản lý. Qua đó, các ông này trực tiếp ký xác nhận trích lục, nguồn gốc đất là khai phá và chuyển nhượng.

Ở góc độ chủ rừng, trong quá trình UBND xã Diên Phú thực hiện thủ tục xác minh nguồn gốc đất do bà Thỏa và ông Đức đề nghị cấp, không những không tiến hành đo đạc, xác định nguồn gốc đất có phải đất lâm nghiệp hay không, cán bộ, lãnh đạo Ban QLRPH Bắc Biển Hồ lại tiếp tay cho sai phạm. Điển hình là việc ông Tưởng Tín, với vai trò là Trưởng ban vào năm 2010 đã ký, đóng dấu xác nhận biên bản trong hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà Thỏa là “đất khai hoang trước năm 1990, trồng cây các loại, không có tranh chấp”.

Bị cáo Nguyễn Đức (cựu Trưởng ban QLR Bắc Biển Hồ) trước vành móng ngựa.

Khi những hồ sơ “ma” này được chuyển lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Pleiku, các cán bộ, nhân viên gồm Trương Văn Hoàn, Phạm Thị Bích Thủy, Phạm Thị Trầm, Lê Huy Phong, Nguyễn Thành Tiên được phân công nhiệm vụ thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Có thể do tin tưởng vào hồ sơ của cấp xã hoặc vì lý do nào đó, những người này đã: không thực hiện kiểm tra đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu; không đối chiếu hồ sơ địa chính, bản đồ có liên quan; không kiểm tra lại trích lục của các thửa đất; không kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của các thửa đất, tính đúng đắn của hồ sơ. Qua đó, những hồ sơ này được ký xác nhận đủ điều kiện và trình lên cấp trên.

Tại “cánh cổng” cuối cùng trước khi được cấp GCNQSDĐ là Phòng TN&MT thành phố Pleiku, những hồ sơ “ma” tiếp tục trải qua các bước “nhiều không”. Chúng được ông Nguyễn Tiến Dũng (chuyên viên) và ông Ngô Xuân Hiền (phó trưởng phòng) Phòng TN&MT ký xác nhận đủ điều kiện, trình lên cấp trên. Những con voi không còn trở ngại nào nữa, chúng dễ dàng chui lọt qua lỗ kim!

Kết quả, cả 3 hồ sơ của bà Thỏa và ông Đức được ông Bùi Tiến Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku (nay là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Pleiku) ký quyết định cấp GCNQSDĐ.

Tổng thiệt hại theo định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự tỉnh Gia Lai xác định vào tháng 5/2018 đối với 47.000m2 đất của hai đối tượng Mai Thị Ngọc Thỏa và Nguyễn Đức chiếm dụng chỉ là khoảng 345 triệu đồng.

Phạm tội nhưng không thể xử lý?

Theo cáo trạng, đối với bà Mai Thị Ngọc Thỏa, quá trình điều tra xác định bà này đã có hành vi chiếm đất lâm nghiệp trái phép, có dấu hiệu của Tội vi phạm các quy định về đất đai, quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, cáo trạng dẫn quy định của Điều 228, nếu chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép thì không đủ căn cứ để xử lý hình sự. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai không đề cập xử lý hình sự đối với bà Thỏa. Hiện nay thời hiệu xử lý hành chính đối với bà Thỏa về hành vi chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã hết, cho nên cũng không thể đề nghị xử lý hành chính bà Thỏa. Có hay không việc bỏ lọt tội phạm đối với bà Thỏa đang là vấn đề được đặt ra cho ngành tư pháp địa phương.

Cũng theo cáo trạng, trường hợp ông Tưởng Tín (Trưởng ban QLRPH Bắc Biển Hồ giai đoạn 1996-2011) đang lấn chiếm, sử dụng trái phép hơn 10.400m2 đất lâm nghiệp ngay cạnh trụ sở của Ban. Tuy nhiên, ông Tín chưa được Cấp GCNQSDĐ cho nên không được đề cập trong vụ án này. Thay vào đó, cơ quan chức năng đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát và thu hồi để giao lại cho BQLRPH Bắc Biển Hồ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng đã làm rõ 12 trường hợp khác đang sử dụng diện tích hơn 11.400m2 đất lâm nghiệp thuộc lâm phần Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Trong đó có 9 hộ đã được đã được UBND thành phố Pleiku cấp GCNQSDĐ với tổng diện tích hơn 9.300 m2. Diện tích này chồng lấn một phần lên diện tích đất UBND tỉnh Gia Lai đã cấp GCNQSDĐ cho Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Những diện tích này Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý trong cùng vụ án mà có Công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chức năng rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Một vụ án, mười hai bị can, tất cả đều là cán bộ, lãnh đạo, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về đất đai đã trực tiếp hoặc tiếp tay cho việc xâu xé đất rừng. Có thể nói, đây là vụ án điển hình cho những hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định nhà nước và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng lấn chiếm, tham nhũng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp bởi chính những người thực thi pháp luật về bảo vệ rừng./.

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xau-xe-dat-rung-tai-gia-lai-con-voi-chui-lot-lo-kim-bang-cach-nao-975840.vov