Xây đập dâng có cứu được các dòng sông 'chết' ở Hà Nội?

Theo chuyên gia, các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng. Mục đích của đập dâng, chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, chứ không phải toàn dòng sông.

2 đập dâng đưa nước 'cứu' sông Tô Lịch

Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.

Cụ thể, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Hà Nội dự kiến làm 2 đập dâng trên sông Hồng.

Hà Nội dự kiến làm 2 đập dâng trên sông Hồng.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng đập dâng có tác động ngược lại chứ không thể làm sống lại những dòng sông "chết" của Hà Nội, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy, không làm đập dâng, thì dòng sông không chết được. Trước đây, Viện Khoa học Thủy lợi cũng đã đưa ra phương án xây dựng một đập dâng trên sông Hồng trước Xuân Quan, nhưng hiện tại đề xuất thêm một đâp dâng nữa.

"Các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng. Bởi vì mục đích của đập dâng, chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, chứ không phải toàn dòng sông, nó giống như là một cái hồ chứa nước vì nó chỉ nằm ở khu vực đó. Còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu. Nếu như chúng ta ngăn ở trên lại, dòng nước xuống dưới ít thì lại càng ô nhiễm cho hạ lưu, chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi", GS Vũ Trọng Hồng nói.

Do vậy, nếu cho nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Đáy nhưng không có giải pháp thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất đổ vào sông thì vấn đề ô nhiễm không được giải quyết.

Xây đập chắc chắn sẽ phải đánh đổi

Theo GS Vũ Trọng Hồng, để quyết định làm đập dâng hay không, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần xác định đây là đập cố định hay là tạm thời. Bởi nếu xây dựng đập dâng cố định, vốn rất lớn, còn nếu xây dựng tạm thời thì nguồn vốn sẽ giảm đi. Do vậy, tính chất của đập dâng sẽ quyết định tính khả thi hay không. Việc xây dựng đập dâng không chỉ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến giao thông, cấp nước, thoát nước… Đề xuất xây dựng đập dâng này cần phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét là dòng sông Hồng mục tiêu của nó sẽ làm gì.

Thứ hai là phải xin ý kiến các bộ, như vấn đề cấp nước sinh hoạt thì phải được Bộ Xây dựng, hỏi ý kiến dân cư. Bởi vì thuyền bè tàu người ta như qua lại lâu nay để thông thương giữa thượng lưu hạ lưu, bây giờ có đập dâng thì sẽ thế nào. Ngoài ra, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, làm cho sinh thái phía hạ lưu thay đổi, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra.

Đồng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động môi trường, cảnh quan, tâm linh đối với việc xây dựng 2 đập dâng. Riêng đối với việc rửa sạch sông Nhuệ, TS Tứ cho rằng không thể giải quyết được triệt để, có chăng chỉ là pha loãng ở mức độ nào bởi hai bên bờ vẫn xả thải trực tiếp ra dòng sông này.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, để có thể "hồi sinh" các con sông nội đô Hà Nội, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn thải, loại và số lượng nước thải để từ đó đưa ra các giải pháp khác nhau, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn về nguồn lực thì mới bảo đảm thành công. Bên cạnh đó, vấn đề chính sách cần được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đồng bộ, nghiêm túc thì mới bảo đảm hiệu quả.

Cụ thể, phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch.

Thắt chặt quy chuẩn nước thải nhằm quản lý và kiểm soát nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải theo đúng quy định. Quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt và triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố.

Các dòng sông nội đô đã bị ô nhiễm trở thành những "dòng sông chết" buộc phải cải tạo thay đổi theo hướng xem xét toàn diện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Các giải pháp cải tạo sông nội đô phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa, tâm linh.

Do đó, theo chuyên gia, để giải quyết vấn đề ô nhiễm và khôi phục các sông nội đô cần dựa trên các nguyên tắc tổng hợp và đồng bộ, tức là giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, môi trường nước phải kết hợp với các giải pháp bổ cập nguồn nước. Phải xem xét tới quy luật vận động của dòng chảy và tự nhiên với phạm vi ảnh hưởng của các hệ thống sông khác. Các giải pháp cần xét tới nhu cầu, mong muốn người dân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xay-dap-dang-co-cuu-duoc-cac-dong-song-chet-o-ha-noi-16924040211184761.htm