Xây dựng bản đồ dự báo khu vực sạt trượt, lở đất

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Trưởng đoàn công tác của Bộ Xây dựng sau chuyến khảo sát, đánh giá các điểm sạt trượt, lở đất, khắc phục hậu quả ngập úng tại miền Trung. Từ ngày 1 đến 3-11-2020, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã thực hiện khảo sát hiện trường tại 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng và các chuyên gia khảo sát khu vực sạt trượt.

Khảo sát tại hiện trường khu vực sạt lở xảy ra đêm 18-10 khi 3 triệu mét khối đất đá đổ ập xuống, san phẳng 4 dãy nhà, vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (tỉnh Quảng Trị), các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ban đầu là do tầng đất phủ dày, kết cấu đất xốp và rời, khi gặp mưa lớn làm đất rã ra, kết hợp với dòng lũ bùn đá làm cho đất đá sạt trượt xuống. Theo chuyên gia địa chất Bùi Khôi Hùng, hiện tượng sạt trượt từ trên đồi cao kết hợp dòng lũ bùn đá hết sức nguy hiểm vì xảy ra rất bất ngờ, dòng nước quá mạnh đẩy trôi các chướng ngại.

Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng sạt trượt, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, hai đối tượng chịu tác động từ công tác quy hoạch và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai là các công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và các khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra sạt trượt tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.

Khảo sát những ngày qua, ông Nguyễn Thành Hưng đánh giá, công trình xây dựng tồn tại chục năm khi gặp thiên tai bất thường khó có thể lường trước. Do đó, công tác quy hoạch cần rà soát lại trên diện rộng, nhất là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Ở khu vực mới, cần khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng với tiêu chí phòng, chống an toàn trước thiên tai bất thường như sạt lở đất.

"Trước đây, chúng ta đã đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc; nay cần phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng", ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ. Công việc này mặc dù có thể kéo dài thời gian và chi phí nhưng việc bảo đảm tính mạng con người là quan trọng nhất.

Đất đá vùi lấp, phá hủy các ngôi nhà.

Qua chuyến khảo sát, Đoàn công tác Bộ Xây dựng nhận định, các công trình đường bộ dọc đường Trường Sơn Đông đã hình thành từ hàng chục năm nay, lẽ ra địa chất phải ổn định. Nhưng gần đây lại liên tục xuất hiện các điểm sạt trượt và tụ thủy. Đây là vấn đề địa chất cần chú ý. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng khu dân cư, doanh trại, Bộ Quốc phòng nên giao cơ quan chuyên môn lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch xây dựng chung của địa phương. Ngoài bảo đảm các yếu tố an ninh quốc phòng thì cần hết sức lưu tâm đến vấn đề sạt lở đất. Bộ Quốc phòng nên có hướng dẫn về tiêu chí, lựa chọn khảo sát chi tiết..., đồng thời đưa ra suất đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lưu ý, khi làm nhà hay công trình, cần tránh làm gần khe tụ thủy, nghiên cứu xây dựng kè chặn dòng chảy đối với các công trình lớn, đông dân cư; quan tâm hơn đến bản đồ dự báo khu vực sạt lở và cần đưa vào hồ sơ quy hoạch xây dựng. "Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ Bộ Quốc phòng trong công tác chuyên môn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định.

Nhân dịp này, Đoàn công tác Bộ Xây dựng cũng trao tặng tỉnh Quảng Trị 1 tỷ đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bão lụt và 100 triệu đồng chia sẻ khó khăn với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/982720/xay-dung-ban-do-du-bao-khu-vuc-sat-truot-lo-dat