Xây dựng Bản đồ và Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam

Đây là mục tiêu của Đề án 'Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia' giai đoạn 2022-2024 do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) triển khai thực hiện. 121 món ẩm thực tiêu biểu trong giai đoạn 1-2022 của Đề án đã được lựa chọn và được trao chứng nhận ẩm thực thương hiệu quốc gia vào sáng 29/9 tại Hà Nội

Đại diện lãnh đạo VCCA trao Giấy chứng nhận ẩm thực tiêu biểu cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch các tỉnh miền Trung

Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, Đề án "Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia" giai đoạn 2022-2024 nhằm khảo sát, thu thập dữ liệu, xây dựng "Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam" và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành "Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam" và "Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam". Từ đó tạo bước đệm đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Đề án giai đoạn 1-2022 đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực từ 60/63 tỉnh/thành phố và đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu, trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Tiêu biểu như các món: Gà Mọ (Điện Biên), Vịt quay (Lạng Sơn), Bánh chưng đất Tổ (Phú Thọ), Phở Hà Nội (Hà Nội), Cá diếc vùi trấu (Nam Định), Nem dê (Ninh Bình), Gỏi cá nhệch (Thanh Hóa), Cơm hấp lá sen chay (Thừa Thiên Huế), Bún bắp lòng cá ngừ đại dương (Phú Yên), Canh atiso hầm giò heo (Lâm Đồng), Bánh bèo bì (Bình Dương), Mì xào giòn (TPHCM), Cá lăng hơ nhúng giấm (Vĩnh Long)…

Ký kết triển khai Giai đoạn 2 - 2023 của Đề án

Giai đoạn 2023, Đề án triển khai nhiều hoạt động trong đó có việc hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng Bản đồ, Bảo tàng Văn hóa ẩm thực Việt Nam; triển khai tổng tập "Tinh hoa ẩm thực Việt"; Chương trình bình chọn "Món ngon quê tôi"; tổ chức "Lễ hội Tết Việt"… Các hoạt động đề án giai đoạn 2023 sẽ được triển khai trên nền tảng công nghệ.

Là 1 trong 60 tỉnh/thành phố có các món ẩm thực được trao Giấy chứng nhận lần này, Phú Thọ có 3 món đặc trưng tiêu biểu, đó là: Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung, Bánh chưng Đất Tổ, Bánh sắn. Theo anh Phan Xuân Hiếu, thành viên Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, thành viên Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Phú Thọ: Đề án được lên kế hoạch và triển khai trong vòng 1,5 năm. Tổ chuyên môn gồm có: Các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực, các nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa lịch sử, công nghệ thực phẩm, kinh tế, nhà quản lý văn hóa du lịch… đã đề xuất mỗi tỉnh/thành lựa chọn 10-15 món đặc trưng. Sau đó lên kế hoạch đánh giá thẩm định dựa trên bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng, khoa học, từ đó lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu nhất.

Cũng theo anh Phan Xuân Hiếu, Phú Thọ có lịch sử lâu đời gắn với văn hóa tín ngưỡng thờ tự vua Hùng, được ghi nhận là nơi cội nguồn dân tộc với nhiều sản vật của người dân như: Bánh chưng bánh dày, gà chín cựa, gà cầu lễ, cá suối, thịt chua, thịt chín, rêu đá, ốc nướng, cơm lam, bánh sắn, bánh tai, bánh rợm và một số loại bánh khác của bà con dân tộc thiểu số địa phương. Qua hành trình khảo sát đã rút gọn còn 3 sản phẩm đặc trưng: Bánh chưng đất Tổ, Bánh sắn, Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung…

Nói về bánh sắn thì Phú Thọ là địa phương miền trung du, diện tích trồng sắn, trồng chè lớn. Bánh sắn được chế biến nhiều, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn lương thực. Khi sản xuất nhiều thì hình thành nên món ăn hấp dẫn, cung cấp lương thực chính cho người dân, vì thế bánh sắn luôn gắn liền với văn hóa, đời sống của người dân nơi đây.

Món Bánh chưng Đất Tổ và Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung - đặc sản Phú Thọ

Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung rất độc đáo. Giống nếp gà gáy chỉ có ở tỉnh Phú Thọ mà đặc biệt chỉ có trong 1 huyện, đó là huyện Yên Lập. Với đặc thù địa chất, địa lý của vùng thung lũng đã tạo ra giống nếp rất dẻo và thơm. Một điều khác biệt nữa là loại nếp này chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là có thể nấu hoặc đồ được xôi, khác với các loại nếp khác cần nhiều thời gian hơn.

Bánh chưng thì quá đặc biệt, bởi lẽ bản thân bánh chưng đã có từ trong truyền thuyết, gắn liền với văn hóa lịch sử Việt Nam. Không chỉ gắn liền với lịch sử văn hóa, Bánh chưng đất Tổ còn được ghi nhân và chấm điểm ở tiêu chí ẩm thực như: Tính chuẩn mực, truyền thừa từ nhiều đời. Ngày nay bánh vẫn lưu giữ các vị truyền thống nguyên bản theo truyền thuyết kể lại với mùi thơm tự nhiên từ lá dong, từ các lớp gạo, từ trong nhân bánh, từ các loại đậu ta trồng trên đồi với sắc vàng óng, với nhân thịt heo được nuôi dân dã có mùi thơm ngậy đặc trưng. Bên cạnh đó là kỹ thuật truyền đời gói chắc tay của người dân địa phương. Thời gian nấu khá dài, từ 10-12 tiếng, trong quá trình nấu được khống chế lửa nên bánh rất dền, dẻo, tạo hương vị đặc trưng đặc biệt thơm ngon.

Anh Phan Xuân Hiếu cho rằng, khi đề án hoàn thiện phần kỹ thuật, thiết lập bản đồ số thì văn hóa ẩm thực Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung sẽ có cơ hội, điều kiện quảng bá, tiếp cận nhiều hơn với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển nền du lịch xanh, kinh tế xanh, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến xanh, an lành và hấp dẫn.

Lan Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-ban-do-va-bao-tang-truc-tuyen-am-thuc-viet-nam-2023092917195803.htm