Xây dựng, ban hành luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn (bài cuối)

Theo cơ quan chủ trì xây dựng dự án luật, qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cũng như kết quả tổng kết quá trình xây dựng và phát triển CNAN từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay đã chỉ ra nhiều vấn đề còn vướng mắc, bất cập bên cạnh những kết quả đạt được.

Nhiều vướng mắc, bất cập

Thời gian qua, việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng (CNQP) và động viên công nghiệp (ĐVCN) của Bộ Quốc phòng chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ các khối: Đặt hàng-giao nhiệm vụ; nghiên cứu, sản xuất-sửa chữa; khai thác sử dụng chưa được phân định rõ. Hệ thống các cơ sở CNQP tuy nhiều về số lượng (79 cơ sở CNQP nòng cốt, 37 cơ sở công nghiệp động viên) nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, tính quy tụ về công nghệ, sản phẩm chưa cao. Sự gắn kết giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa chưa chặt chẽ. Chuyển đổi hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình tự chủ về tài chính còn vướng mắc. Chưa có cơ chế phát huy vai trò chủ lực của các cơ sở CNQP nòng cốt để kết hợp chặt chẽ với công nghiệp dân sinh trong ĐVCN; chưa khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để thực hiện ĐVCN gắn với thế bố trí tác chiến chiến lược và khu vực phòng thủ.

Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và quản lý sản xuất quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ ĐVCN chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đối tượng doanh nghiệp và lĩnh vực công nghệ được ĐVCN còn hẹp, chưa sát với thực tiễn (chưa phù hợp với xu thế hội nhập thế giới để tiếp cận tích cực hơn nữa nguồn lực công nghiệp của các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lĩnh vực còn bó hẹp chỉ gồm cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử). Sự thu hút, tạo động lực để huy động và tận dụng năng lực sẵn có của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân, các thành phần kinh tế dân sinh tham gia sản xuất quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ ĐVCN còn hạn chế; cơ chế ưu tiên sử dụng các sản phẩm do CNQP sản xuất chưa được hoàn thiện (thiếu văn bản quy định hướng dẫn thực hiện cụ thể dẫn đến chưa áp dụng hiệu quả trong thực tiễn). Mức độ tham gia phát triển kinh tế đất nước của CNQP chưa tương xứng tiềm năng.

Cơ chế ưu tiên nguồn lực cho xây dựng và phát triển CNQP, ĐVCN còn hạn chế; chưa có chính sách hiệu quả để thúc đẩy khoa học công nghệ trở thành động lực cho phát triển CNQP. Các chính sách về đào tạo, gìn giữ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động và đầu tư nâng cao tiềm lực cho CNQP chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ còn lúng túng. Thiếu các quy định đặc thù trong mua sắm vật tư kỹ thuật (vật tư, linh kiện, thiết bị, máy móc chuyên dụng) phục vụ cho nhiệm vụ CNQP (do những sản phẩm này thường là các sản phẩm đặc thù, được nước ngoài bảo mật và quản lý chặt chẽ, nhiều trường hợp không thực hiện được theo Luật Đấu thầu và các quy định về nhập khẩu hàng hóa).

Hợp tác quốc tế về CNQP chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước. Sản phẩm CNQP chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong pháp lệnh. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của nhiều doanh nghiệp CNQP còn hạn chế.

Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về một số nội dung trọng tâm dự án Luật năm 2023.

Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về một số nội dung trọng tâm dự án Luật năm 2023.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Kết quả tổng kết quá trình xây dựng và phát triển CNAN từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập. Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNAN của Bộ Công an chưa tập trung, còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc; thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền trong xây dựng, phát triển CNAN chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Hệ thống cơ sở CNAN chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập (9 doanh nghiệp, 58 cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất) lại bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập. Khả năng tự chủ tài chính của một số cơ sở nghiên cứu còn thấp, ảnh hưởng đến chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ về tài chính.

Kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho CNAN còn hạn hẹp; việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho CNAN có nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn thấp. Nhiều dây chuyền sản xuất của cơ sở CNAN đã dần lạc hậu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ dẫn đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp an ninh hạn chế, sản phẩm CNAN có chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, thiếu tính cạnh tranh, dẫn đến tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNAN thấp.

CNAN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế được giao. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra; trình độ kỹ thuật, công nghệ còn yếu; nguồn nhân lực CNAN thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhà khoa học kỹ thuật đầu ngành, chuyên gia quản trị doanh nghiệp và công nhân lành nghề có trình độ, kinh nghiệm kỹ thuật, tay nghề cao. Công tác nghiên cứu, thiết kế sản phẩm chưa hiệu quả, chưa sản xuất, nghiên cứu được sản phẩm yêu cầu công nghệ, kỹ thuật cao. Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu sản phẩm CNAN có nhiều hạn chế, bất cập tương đồng như CNQP.

Như vậy, việc xây dựng Luật CNQP, an ninh và ĐVCN là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/xay-dung-ban-hanh-luat-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-bai-cuoi--i731213/