Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam

Đề tài 'Nghiên cứu xác lập bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững vùng ven biển Việt Nam, thử nghiệm ứng dụng cho một vùng điển hình và đề xuất giải pháp nhân rộng' là một trong những đề tài đã xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả đối với tài nguyên và môi trường vùng ven biển nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: BL

Đề tài do TS. Nguyễn Đình Thái, Viện Nghiên cứu Địa Môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm chủ nhiệm, được triển khai từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, áp dụng và đã thu được nhiều thành tựu.

Đây là một công cụ giúp quản lý hiệu quả đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ nhằm hướng tới phát triển bền vững. Trong thời gian qua, cách tiếp cận này đã được áp dụng thí điểm tại nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà nẵng, Quảng Ninh và Quảng Nam. Một số địa phương đã xây dựng được các chiến lược và kế hoạch hành động QLTHVB của địa phương mình và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc giám sát, đánh giá QLTHVB ở Việt Nam sẽ bao gồm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện QLTHVB cấp tỉnh, trong đó tập trung vào việc đánh giá thể chế và cơ chế điều phối đa ngành cũng như quá trình lập kế hoạch có sự tham gia, đồng thời tính đến tính bền vững của chương trình và kế hoạch QLTHVB.

Trên cơ sở đó, đề tài của TS. Nguyễn Đình Thái đã bước đầu xây dựng được cơ sở lý luận, cơ sở khoa học xác lập bộ tiêu chí và quy trình đánh giá tính bền vững cho vùng ven biển Việt Nam; thu thập tổng hợp tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên và hệ thống sinh thái, môi trường, tai biến và mức độ tổn thương ở vùng ven biển Việt Nam.

Đề tài đã xây dựng và cập nhật dữ liệu dạng GIS về các yếu tố ảnh hưởng tới tính bền vững vùng ven biển Việt Nam; xây dựng và cập nhật dữ liệu dạng GIS về các yếu tố thuộc hệ thống con người liên quan đến tính bền vững vùng ven biển Việt Nam.

Kết quả của đề tài đã đề xuất quy trình đánh giá tính bền vững gồm 6 bước và bộ tiêu chí sơ bộ (gồm 41 tiêu chí với 162 chỉ tiêu) phục vụ đánh giá tính bền vững vùng ven biển Việt Nam. Nhằm phục vụ thử nghiệm bộ tiêu chí tính bền vững vùng ven biển, bộ dữ liệu gồm 27 nhóm yếu tố thuộc 03 hợp phần hệ thống tự nhiên, hệ thống xã hội và hệ thống con người phục vụ đánh giá tính bền vững cũng đã được xây dựng và cập nhật cho toàn bộ dải ven biển thuộc 28 tỉnh thành phố ven biển với mức độ chi tiết cao. Các dữ liệu này là tiền đề quan trọng để tiến hành phân vùng tổng hợp các yếu tố tự nhiên, xã hội và con người tác động lên tính bền vững vùng ven biển.

Các kết quả bước đầu của đề tài đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận và nhu cầu thực tiễn về phát triển, bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận, bộ tiêu chí, quy trình đánh giá và lập bản đồ tính bền vững của vùng ven biển, là cơ sở để thực hiện các nội dung tiếp theo của đề tài trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các kết quả này cũng là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các lĩnh vực khoa học liên ngành, khoa học bền vững và sử dụng khai thác tài nguyên - môi trường vùng ven biển Việt Nam./.

Minh Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/xay-dung-bo-tieu-chi-danh-gia-quan-ly-tong-hop-vung-bo-o-viet-nam-495603.html