Xây dựng các nghị định triển khai Luật Biên phòng Việt Nam để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong giai đoạn mới

Biên giới quốc gia (BGQG) là 'phên dậu', có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, BĐBP là nòng cốt, chuyên trách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về BGQG là biện pháp quan trọng, là nhu cầu cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến chủ trì hội thảo và tọa đàm lấy ý kiến đóng góp xây dựng, hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 7-4,. Ảnh: Quang Anh

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến chủ trì hội thảo và tọa đàm lấy ý kiến đóng góp xây dựng, hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 7-4,. Ảnh: Quang Anh

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng, ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, tiếp tục xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới (KVBG), là lực lượng thành viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. BĐBP cần được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng cao...

Trong những năm qua, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực, chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh trên không gian mạng, an ninh phi truyền thống... có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các thế lực thù địch không ngừng hoạt động chống phá nước ta; các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người và di dịch cư tự do qua biên giới; vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sự hiện diện, can dự quân sự của các nước lớn trên Biển Đông; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng, là thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ của BĐBP.

Trong những năm qua, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về chính sách xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quốc phòng, Luật BGQG, Luật An ninh quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh BĐBP, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự...

Tuy nhiên, trong thực tiễn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP hiện hành được xây dựng qua các thời kỳ, điều kiện khác nhau, kinh nghiệm xây dựng hành lang pháp lý còn thiếu, văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa đầy đủ; tổ chức lực lượng BĐBP biến động.

Pháp lệnh BĐBP đã phát huy tốt vị trí, vai trò trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, tuy nhiên, qua tổng kết và thực tiễn cho thấy, Pháp lệnh BĐBP chưa đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo quy định tại Điều 14, Điều 66, Điều 67 Hiến pháp năm 2013 vì nội dung Pháp lệnh có những quy định tác động, hạn chế đến quyền con người, quyền công dân như: quyền sống, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền nhân thân...

Theo quy định của Hiến pháp, các nội dung này cần được quy định trong luật. Bên cạnh đó, Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên về hình thức, bố cục, thuật ngữ, một số nội dung không phù hợp so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định trong các luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, mâu thuẫn về pháp luật, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới, nhưng chưa được thể chế trong Pháp lệnh, chưa tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ, đảm bảo cho lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lực lượng chuyên trách (BĐBP) nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, vùng biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác biên phòng trong giai đoạn mới như:

Thông báo số 165-TB/TW ngày 22/12/2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định: “Bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng và đối ngoại ở KVBG; trong thời bình là quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác thân thiện với các nước láng giềng; khi có chiến tranh hoặc xung đột biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến phòng thủ được phân công trong thế trận phòng thủ chung trên địa bàn”; “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức chiến đấu... là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc từng địa phương trong mọi tình huống”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển”; “Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Bảo vệ BGQG” xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước” và: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; “hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG... sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Bên cạnh đó, Luật BGQG củng cố các quy định về quản lý bảo vệ biên giới, quy định lực lượng nòng cốt, chuyên trách; quy định trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG cho các chủ thể nhưng mới dừng lại các quy định khung, định hướng. Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã ký kết các Điều ước quốc tế về biên giới - cửa khẩu với Trung Quốc, Lào và Campuchia để tăng cường quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG bằng pháp luật. Cùng với đó là các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Nhà nước ta về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, xóa đói, giảm nghèo đang phân tán ở nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, do nhiều chủ thể thực hiện nên tản mát, đầu tư kém hiệu quả...

Để khắc phục những bất cập trên, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh BĐBP là nhu cầu cần thiết, phù hợp với yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới; đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG và các điều ước quốc tế về biên giới, quản lý cửa khẩu mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; giữ gìn an ninh, trật tự ở KVBG, vùng biển, kiểm soát xuất nhập cảnh. Khắc phục những vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định của Pháp lệnh BĐBP còn giá trị như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và tổ chức của BĐBP; đồng thời, phát triển, bổ sung các quy định mới về biên phòng, chủ thể tham gia nhiệm vụ biên phòng, phù hợp với thực tiễn, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bằng pháp luật.

Sau khi được Quốc hội thông qua, ngày 2-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 286/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020. Theo kế hoạch, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương sẽ tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó dự kiến sẽ trình Chính phủ ký ban hành 2 Nghị định, xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ xây dựng, triển khai 2 Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc quyền trong quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG; công tác phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng và quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP (hoàn thành trong tháng 11-2021) để Luật Biên phòng Việt Nam sẽ có hiệu từ ngày 1-1-2022.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-cac-nghi-dinh-trien-khai-luat-bien-phong-viet-nam-de-dap-ung-yeu-cau-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-giai-doan-moi-post438711.html